22/12/2006 03:05 GMT+7

Những bông hoa trên tuyến lửa - Kỳ 1 : Dưới tầm lửa đạn

VŨ BÌNH
VŨ BÌNH

TT - Đó là câu chuyện đầy xúc động cách đây 38 năm của những cô gái tuổi thanh xuân thuộc trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng giao liên miền Nam Nguyễn Thị Hạnh. Trước khi trở thành dũng sĩ lái xe, họ là thanh niên xung phong (TNXP), y tá, nuôi quân... đã tình nguyện nhận một nhiệm vụ lịch sử: vượt tuyến lửa Trường Sơn vào chiến trường.

Ngày ấy chiến trường đang ác liệt, những chuyến xe vượt Trường Sơn ít khi trở về. Tiền tuyến kêu gọi, một trung đội nữ gồm 35 cô gái tuổi đôi mươi đã tình nguyện nhận nhiệm vụ lịch sử: ôm vôlăng băng mình qua tuyến lửa để chở đạn dược, hàng hóa ra chiến trường và tải thương binh về hậu cứ. Đó là trung đội vận tải cơ giới nữ duy nhất trong những tháng năm chống Mỹ.

JtuxAVYI.jpgPhóng to
Nguyệt Ánh và Kim Dung tại tuyến lửa Trường Sơn năm 1968 - Ảnh tư liệu
TT - Đó là câu chuyện đầy xúc động cách đây 38 năm của những cô gái tuổi thanh xuân thuộc trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng giao liên miền Nam Nguyễn Thị Hạnh. Trước khi trở thành dũng sĩ lái xe, họ là thanh niên xung phong (TNXP), y tá, nuôi quân... đã tình nguyện nhận một nhiệm vụ lịch sử: vượt tuyến lửa Trường Sơn vào chiến trường.

Vào tuyến lửa

Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội), lần giở lại những tấm hình đã cũ chụp trong thời chiến của đồng đội, thiếu úy Vũ Thị Kim Dung - thành viên trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh - xúc động nhớ lại: “Quyết định thành lập trung đội nữ lái xe tải phục vụ chiến trường đang trong giai đoạn ác liệt khi đó được xem là một quyết định đầy táo bạo và vô cùng nguy hiểm. Bởi tất cả bọn tôi đều xuất thân là tay ngang, người đang là TNXP mở đường, người là y tá, người là chị nuôi tại các kho trạm... Tất cả gặp nhau ở tinh thần xung phong tình nguyện và được binh đoàn tuyển chọn để đưa đi đào tạo lái xe cấp tốc chỉ trong vòng 45 ngày”.

Vũ Thị Kim Dung quê ở Kim Động, Hưng Yên. Năm 17 tuổi, Dung cùng người bạn đồng hương Nguyễn Thị Nguyệt Ánh đăng ký nhập ngũ. Vào TNXP, họ được điều động phục vụ trong Tổng đội TNXP 59 công trường Yên Bái, xây dựng công trình sân bay dã chiến Yên Bái.

Cả ngày lẫn đêm, cuộc sống của các cô gái lái xe Trường Sơn gắn liền với buồng lái xe thay mái nhà; rừng, núi là nơi che chở sự sống. Một lần được tình cờ gặp các cô gái lái xe, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết rằng: “Em là cô bộ đội lái xe, giặc đuổi bắn dưới bốn bề lửa cháy. Cái buồng lái là buồng con gái, vẫn cành hoa mềm mại cài ngang...”.

Thiếu úy Vũ Thị Kim Dung nói: “Anh Duật viết đúng đấy! Cả tháng chỉ có mỗi một bộ quân phục không thay, nhưng chị em chúng tôi thường lấy hoa lan rừng cài trong buồng lái xe để tạo cảm giác lãng mạn và vơi đi sự căng thẳng của chiến tranh. Niềm vui lớn nhất của chị em là mỗi khi xe về đến binh trạm, gặp lại được nhau, ngồi quây quần kể cho nhau nghe chuyện về quê hương, gia đình và những mơ ước thầm kín của người con gái”.

Thiếu úy Dung còn cho biết trong nhiều chuyến đi, các cô gái đã làm lễ truy điệu sống cho nhau vì biết khó có khả năng quay trở về.

Đang lo nhiệm vụ đổ đất, xúc cát, làm đường... trong bom đạn đánh phá thì cuối tháng 12-1967, họ nghe tin binh đoàn Trường Sơn tuyển chọn những chị em gan dạ, nhanh nhẹn tình nguyện ra chiến trường để lái xe phục vụ chiến trường miền Nam. Họ đã đi tìm chỉ huy để viết đơn tình nguyện vào chiến trường.

33 cô gái trẻ khác, người quê Nam Định, người ở Hải Phòng, Thái Bình... đều ở lứa tuổi đôi mươi, chưa chồng, chưa người yêu, đang là TNXP, chị nuôi ở các đơn vị... cũng đồng loạt tình nguyện tham gia trung đội nữ lái xe vào tuyến lửa.

Đầu tháng 3-1968, một khóa đào tạo lái xe cấp tốc dành riêng cho 35 cô gái trẻ được mở tại Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong vòng 45 ngày. Giáo viên là những tay lái nam kỳ cựu của các binh trạm cũng đang phải gấp rút với những nhiệm vụ cấp bách, đào tạo căn bản cho các cô gái xong là họ cũng vào ngay các điểm nóng ở chiến trường.

Những buổi đầu, cứ nhìn những cô gái trẻ, vóc người hầu hết đều thấp bé, chân yếu tay mềm phải “vật lộn” với vôlăng, cần số, đề, ga... của những chiếc “đại xa”, “trung xa”, mọi người không khỏi ái ngại, lo rằng quá sức các cô. Cả trung đội hầu như người nào cũng gầy, nặng không quá 42-43 kg, ngồi lên xe phải lót gối, lót đệm cho vừa tầm nhìn.

“Chúng tôi bảo nhau rằng chiến trường đang khẩn cấp, thể hiện lòng yêu nước là phải vượt qua chính khó khăn ban đầu này đây”, cựu nữ lái xe Đặng Thị Như Xuân, quê ở Cầu Giấy, Hà Nội - “cô em út” của trung đội - nhớ lại. Kết quả sau 45 ngày học tập, 35 cô gái trẻ đều đạt kết quả xuất sắc và được đưa vào binh trạm 12 đoàn 559 đóng ở vùng rừng núi tỉnh Quảng Bình để chính thức thành lập trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh chuyên chở hàng hóa chi viện cho chiến trường dọc theo con đường huyết mạch Trường Sơn.

Không có số lui

Đầu tháng 5-1968, trung đội lái xe nữ Nguyễn Thị Hạnh chính thức được thành lập. Những nữ chiến sĩ lái xe bắt đầu đảm trách nhiệm vụ đặc biệt. Ban đầu cứ hai người lái chung một xe để kèm nhau, sau quen dần, mỗi người tự đảm đương một chiếc.

Nhiều binh đoàn vượt Trường Sơn đi B ngày ấy đã thật sự ngỡ ngàng khi thấy những chiến sĩ điều khiển những chiếc xe tải Gat 53 (1 cầu), Gat 63 ( 2 cầu), Zil giải phóng, Zil 3 cầu... lại là những cô gái còn quá trẻ nhưng rất dũng cảm khi vượt qua tọa độ lửa của máy bay B52 ngày ấy.

Thượng úy Bùi Thị Vân, quê ở Nam Định, hiện ở Định Công, Hoàng Mai (Hà Nội), nhớ lại những năm 1968-1972 đường Trường Sơn rất ác liệt, ngày nào B52 cũng đánh bom rải thảm, bom tọa độ. Nhưng những chuyến xe chở hàng không được chần chừ, ngày cũng như đêm đều phải vượt qua lưới lửa từng phút, từng giờ...

RMCQCwx4.jpgPhóng to
Trung đội nữ lái xe Trường Sơn tập trung chuẩn bị lên đường

Để tránh tổn thất, ban chỉ huy yêu cầu trung đội lái xe nữ phải chuyển sang chạy xe ban đêm. Đề phòng đối phương phát hiện, những chiếc xe tải ngụy trang cây lá, chạy trong bóng đêm dày đặc mà không được rọi đèn. Mỗi chiếc xe chỉ được đốt một ngọn đèn nhỏ tù mù gắn ở phía trước gầm xe.

Những chiếc đèn gầm, đèn rùa được giẻ bọc lại để chỉ có thể chiếu được vài ba mét. Các nữ chiến sĩ vừa phải điều khiển xe vừa phải dò đường tránh bom, né đạn, tránh vực, vượt ngầm bằng... cảm tính. Bom thả phía sau thì chạy về phía trước, thả phía trước thì rẽ sang đường khác, đoàn xe cứ thế thoắt ẩn thoắt hiện giữa núi rừng...

Mỗi đêm, những chiếc xe tải có nhiệm vụ vượt 200-300km đưa hàng vào chiến trường vượt Khe Tang, Khe Dao, ngầm Khe Ve, ngã ba Đồng Lộc... để đưa hàng đến các binh trạm rồi đón những đồng đội bị thương, đã hi sinh quay trở về. Thượng úy Vân kể: “Đường xấu kinh khủng, xe chỉ chạy được vài ba ngày là nhíp bị gãy, lốp bị nứt vì cán các miểng bom, miểng pháo. Xe bị hỏng hóc giữa rừng, chị em tôi phải tự làm thợ, chui vào gầm thay lốp như cánh tài xế nam. Nói thật bom đạn không sợ mà lại sợ... ma, vừa sửa xe vừa khóc nức nở vì xe bị kẹt giữa thăm thẳm núi rừng, chỉ có tiếng gió rít như hồn ma”.

Cựu chiến sĩ lái xe Nguyễn Thị Thanh, quê ở Tiên Lữ (Hưng Yên), kể: “Cánh nữ lái xe chúng tôi thường hứa với nhau rằng đã lên xe thì không có chuyện lùi bước. Có lần quân Mỹ thả bom dày đặc phía trước ngầm Khe Ve, cánh lái xe nam đi trước lo sợ nguy hiểm cho các nữ chiến sĩ lái xe đi phía sau nên tất cả dừng xe lại và yêu cầu quay đầu. Những cô gái nhảy xuống khoát tay: “Xe bọn em là không có số lui đâu các anh ạ. Đã đi là phải thẳng tiến luôn thôi, bom đạn phải sợ mình chứ sao mình lại sơ bom đạn...”. Nghe các nữ chiến sĩ lái xe bảo vậy, cánh lái xe nam cùng quyết tâm lao về phía trước.

__________________________

Có những chuyện tình thật đẹp, thật lãng mạn của các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn với những người lính trẻ ra đi giải phóng quê hương. “Tình yêu của chúng tôi bền chặt như vậy là do ngoài chuyện tình yêu trai gái, chúng tôi còn đó một tình cảm cao đẹp hơn: tình đồng đội”.

Kỳ sau: Tình yêu thời chiến

VŨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên