19/09/2006 07:01 GMT+7

Những bài học dưới cờ

TIẾN HÙNG
TIẾN HÙNG

TT - Chỉ khi được đứng dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, người ta mới xúc động nhận ra nhiều bài học quí giá cho cuộc đời: bài học làm người, làm công dân của một quốc gia độc lập, không chỉ để vững bước mỗi ngày trên con đường mưu cầu hạnh phúc cá nhân mà lớn lao hơn, để phụng sự Tổ quốc mến yêu này...

4VvMldBA.jpgPhóng to
Chào cờ vào mỗi buổi sáng thứ hai đầu tuần tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - chi nhánh Tân Bình (224 Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM) (ảnh chụp sáng 18-9-2006) - Ảnh: N.C.T.

Hãy chào cờ vào sáng thứ hai!Hãy chào cờ vào sáng thứ hai!Mừng Quốc khánh trên mạng "Tôi tự hào là người VN" Tôi muốn được chào cờNiềm xúc động dưới lá cờ Tổ quốc...

“Tôi chào Tổ quốc mình và tôi hãnh diện vì điều đó!”, chị Huyền Thanh (Công ty DoNa Biti’s) ở Sài Gòn thức dậy lúc 5g và ngồi xe một tiếng đồng hồ đến Tam Hiệp, Biên Hòa (Đồng Nai) để bước vào hàng cùng gần 300 công nhân viên văn phòng công ty làm lễ chào cờ.

Năm năm rồi, ngày mưa, ngày nắng, những “công dân Biti’s” ở Sài Gòn cũng như Biên Hòa đã biến lễ chào cờ như một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của công ty.

Những bài học dưới cờ

Chuyện chào cờ ở Biti’s bắt đầu từ tinh thần mà tổng giám đốc Vưu Khải Thành nói trong một cuộc họp: “Mỗi con người ở đây, ngoài công việc, ngoài kinh doanh... thì chúng ta còn có một Tổ quốc. Tổ quốc ấy phải luôn luôn được nhắc nhớ và trân trọng!”.

Cách đây rất nhiều năm, những con người trong tập thể Biti’s đã được nhắc nhớ rằng họ không phải là một công ty của quận 6 hay TP.HCM, họ là một công ty VN.

Rất nhiều người biết rằng Biti’s là một công ty tư nhân và tổng giám đốc Vưu Khải Thành là một người Việt gốc Hoa...

Chuyện bắt đầu từ buổi lễ “tôn vinh tinh thần thực học của doanh nhân” do PACE - một trường tư do một thanh niên còn rất trẻ làm giám đốc chuyên dạy về quản lý và kinh doanh tại TP.HCM - tổ chức. Chương trình bắt đầu bằng một lễ chào cờ. Đối tượng của buổi lễ là hơn 500 doanh nghiệp trẻ.

Người dẫn chương trình đề nghị mọi người đứng dậy chào cờ. Từ trong cánh gà, hai thiếu niên trân trọng nâng cao lá cờ Tổ quốc bước ra giữa sân khấu, bài quốc ca được cất lên từ lồng ngực của hơn 500 doanh nhân trẻ.

Sau lễ chào cờ, từ hàng ghế cuối cùng, kỹ sư Phan Công Được, giám đốc một công ty xây dựng thương mại ở quận Tân Phú, phát biểu: “Trước đây chúng tôi chỉ biết cặm cụi làm kiếm tiền..., cho đến một ngày, người ta nói với chúng tôi một điều khác: mai này VN hòa cùng thế giới, rồi những tập đoàn đa quốc gia sẽ đến, họ có nhiều tiền, nhiều lợi thế và những công nghệ mới nhất, nếu doanh nghiệp VN mình tiếp tục cặm cụi kiếm tiền lẻ, tất cả sẽ cùng chết hết. Lần đầu tiên, tôi được học một điều mới nhất: người ta nói đến ý thức trách nhiệm công dân của một quốc gia, doanh nhân, ngoài chuyện kinh doanh, chúng ta còn phải có một tinh thần dân tộc nữa...”.

Sáng nay 18-9-2006, các nhân viên làm việc ở Sacombank đến cơ quan sớm hơn thường lệ để dự lễ chào cờ. Đúng 7g15, ông Võ Văn Đặng, đại diện ban chấp hành công đoàn, báo cáo hoàn tất khâu chuẩn bị và xin khẩu lệnh từ tổng giám đốc. Tổng giám đốc đồng ý bắt đầu. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên từ từ trong tiếng hát quốc ca của gần 200 đại diện tại sân trụ sở Sacombank.

“Đó là một giây phút rất lạ, một tuần mới bắt đầu, một khoảng thời gian để lắng lại lòng mình với hình ảnh cờ Tổ quốc. Không có một sự nhắc nhở hay kêu gọi, mọi bộ phận tự động cử người ra sân chào cờ (sân không đủ lớn để chứa toàn thể CB-CNV). Sau lễ chào cờ nước là lễ thượng cờ Sacombank, thông điệp quan trọng nhất của lãnh đạo ngân hàng là làm sao để mọi nhân viên có thời gian gặp gỡ đầu tuần, cùng nhìn về một hướng với Tổ quốc mình và với cả lá cờ mang tính biểu tượng của Sacombank” - Trần Thị Bình, một nhân viên Sacombank, nói vậy.

Việc chào cờ ở nơi này đã bắt đầu từ tháng 5-2004 tại ba địa điểm: hội sở 278 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chi nhánh Tân Bình và sở giao dịch ở Hà Nội. “Những nhân viên mới của Sacombank luôn háo hức chờ đợi buổi chào cờ, còn tôi cảm thấy buổi lễ trong lành và thiêng liêng lắm!” - Bình nói gọn cảm xúc của mình như vậy.

“Phút giây nhắc nhở chính mình”

GgjorjV2.jpgPhóng to
Các thí sinh chào cờ trước giờ khai mạc kỳ thi tuyển công chức ngành hành chính TP.HCM năm 2006 vào sáng 18-9-2006 - Ảnh: Thanh Đạm
“Tôi đi Thái Lan và để ý vào đầu tuần, khi chào cờ, họ phát bài quốc ca trên các phương tiện công cộng, những người đi bộ đều phải dừng lại để chào cờ. Còn VN mình tại sao việc đó không thực hiện được? Tại sao chúng ta chỉ bắt trẻ con phải chào cờ trong trường học còn chúng ta, những người lớn, lại không dành cho mình thời gian để nhắc nhở chính mình một ý thức quốc gia?”.

Ông Nguyễn Thành Trí, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Đồng Nai, kể về quyết định để cách đây một năm, nhân ngày Quốc khánh, Đồng Nai trở thành tỉnh đầu tiên có qui định mọi cơ quan, công sở phải chào cờ vào mỗi sáng thứ hai.

Cô nhân viên tổng đài Bưu điện Đồng Nai mang danh số 66 kể rằng: Lúc đầu mọi người có vẻ ngần ngại nhưng sau đó mọi thứ quen dần. Và cô nói một cách dung dị về ý nghĩa của hành động chào cờ: “Sau khi đứng nghiêm hát quốc ca trước quốc kỳ, tôi thấy con người mình nhẹ nhõm, dễ chịu khi bắt đầu một tuần mới...”.

Còn với Nguyễn Xuân Hùng, phó giám đốc Công ty du lịch Thanh niên xung phong TP.HCM, lại là một câu chuyện khác: “Trong hầu hết các chương trình ở nước ngoài, chúng tôi luôn vận động mọi người thực hiện một lễ chào cờ ở bất cứ nơi nào có thể, rất nhiều Việt kiều đã tham gia cùng chúng tôi. Tổ quốc đâu có biên giới trong tâm hồn con người... Tôi nghĩ có hàng triệu người sẽ ủng hộ ý tưởng về chào cờ hằng tuần và phải hát quốc ca. Mỗi lần tôi hát lên, có cảm giác đó không phải là con người của mình mà thuộc về Tổ quốc”...

oXrWBRIF.jpgPhóng to
Bác Mai đang chào cờ qua tivi
Cứ đúng 5g30 sáng, khi trên đài VTV1 phát nhạc quốc ca là bác Trần Thanh Mai (ngụ tại địa chỉ 9/4 Lê Trực, phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã áo quần chỉnh tề chuẩn bị cho lễ chào cờ tại nhà mình.

Bác nói: “Tôi đã chào cờ tại nhà được hơn bốn năm nay, đó là khi tôi bắt đầu ý thức được rằng con người mình là một chủ thể được tạo nên bởi hai yếu tố: bản thể di truyền và bản sắc di truyền. Cha mẹ ta đã cho ta bản thể di truyền, còn Tổ quốc cho ta bản sắc di truyền. Vậy mẹ cha và Tổ quốc là những người tạo nên ta, ta phải ơn nghĩa chứ!”.

Dù đã ở tuổi 66 nhưng bác vẫn còn đủ minh mẫn để nhớ trong suốt bốn năm qua mình đã bỏ mất tất cả 18 ngày không chào cờ, đó là những ngày bác phải vào bệnh viện chữa bệnh.

* Là người VN sống xa Tổ quốc, tôi rất hoan nghênh đề nghị “Hãy chào cờ vào sáng thứ hai!”. Lá cờ Tổ quốc đã thấm máu bao anh hùng liệt sĩ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất cho quê hương. Hãy chào cờ và suy nghiệm đến cuộc sống hôm nay, những gì được và chưa được. Và phải hành động như thế nào để không phụ bạc công ơn của những người đi trước.

Tôi vừa đọc bài viết “Hãy chào cờ vào sáng thứ hai!” đặt trang trọng trên trang chính của Tuổi Trẻ Online, tôi rất xúc động. Xin đề nghị Tuổi Trẻ Online tạo ra một bài ở đó có lá quốc kỳ, có nhạc quốc ca và có một câu thể hiện tinh thần dân tộc VN. Chúng tôi sẽ đặt avatar trên Yahoo! Messenger của mình và status link đến trang web đó. Mỗi buổi sáng thứ hai chào cờ, chúng tôi có dịp được nghe quốc ca. Và mỗi khi có người bạn quốc tế hỏi “đó là lá cờ VN à”, chúng tôi bảo “và đây là quốc ca và tiếng Việt của chúng tôi”.

* Dù không ở VN, dù không thấy được lá cờ Tổ quốc tung bay hằng ngày nhưng khi đọc bài viết về chào cờ, em thích ghê lắm. 12 năm học ở VN em thật sự thích được chào cờ vào mỗi sáng thứ hai. Nhìn lá cờ từ từ bay lên cao, em có cảm nghĩ nước VN cũng dần dần đi lên cao.

Năm năm ở tiểu học và bốn năm ở trung học, em đều được nhà trường tổ chức cho buổi lễ này dù chỉ là vài phút ngắn ngủi. Song sang đến các năm THPT thì trường em lại không tổ chức hằng tuần nữa, thay vào đó là hằng tháng. Em mong báo Tuổi Trẻ hãy góp ý với các trường THPT để mỗi buổi thứ hai, học sinh cả nước đều được chào cờ cùng một lúc.

* Đọc bài báo này tôi vô cùng xúc động. Tuy là đàn ông và đã trên 40 tuổi tôi vẫn rưng rưng nước mắt, giống như bao kỳ SEA Games mỗi khi có vận động viên VN giành được chiến thắng. Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội và đất nước nếu mỗi buổi sáng đầu tuần dù làm việc và sống ở đâu họ đều có chào cờ Tổ quốc.

* Thú thật, đã lâu lắm rồi tôi mới cảm thấy mình “xúc động và lâng lâng tự hào” khi được dự lễ chào cờ và nghe các cháu học sinh hát quốc ca nhân dịp đi dự lễ khai giảng năm học mới của một trường cấp II. Hầu hết các cuộc họp, mittinh của chúng ta hiện nay thì lễ chào cờ thường là “Mời các đồng chí, các bạn đứng lên làm lễ chào cờ”, sau đó tiếng băng cassette phát ra bản quốc ca, hình thức quá.

Hãy làm sao cứ mỗi sáng thứ hai nếu đi ngoài đường đúng vào đầu giờ, chúng ta sẽ được nghe đâu đó lời bài quốc ca thì hay biết mấy.

Ý kiến của bạn
TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên