16/04/2012 08:38 GMT+7

Những bài học của bố

HÀN THỊ NGUYỆT
HÀN THỊ NGUYỆT

AT - Quê tôi, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chủ yếu sống bằng nghề biển. Năm 1991, bố về nghỉ mất sức (bệnh binh 61%) rồi vay tiền để đầu tư vào nghề biển thì chẳng may mất trắng, thua lỗ.

Giữa lúc ấy ông nội tôi lại bị bệnh hiểm nghèo nên bố phải tiếp tục mượn tiền để lo chạy chữa (mà ngày xưa người ta thường bảo có bán cả tỉnh Thanh Hóa cũng không thể chữa được bệnh của ông). Trong trí óc của đứa trẻ lớp 5 là những lời độc miệng, “ông nội mất đi để lại “hũ vàng” cho bố tôi” (hũ vàng khi đó tức là cục nợ lớn).

Năm ấy, nhà tôi không có gì để ăn tết đành phải đi vay một yến gạo. Tuy còn bé nhưng tôi vẫn còn nhớ tiếng pháo nổ đì đoàng mà trong nhà mình chẳng có nổi một cái bánh chưng. Mấy chị em tôi không có quần áo mới, không có tiền mừng tuổi, nhưng chẳng dám đòi hỏi vì đứa nào cũng biết trong nhà hết tiền. Kinh tế cứ hao kiệt, thế là sau tết, bố tôi quyết định chuyển từ nghề biển sang mua xe bò, người ta thuê gì thì chở nấy.

Ngày ấy tôi luôn lẽo đẽo theo bố. Ngồi trên xe bò, tôi vẫn cầm theo cuốn sách. Đôi tay tôi bị chai sần đi vì bốc đá, bốc gạch lên xe giúp bố. Có lần bố nắm đôi tay bé xíu của tôi, lẩm nhẩm: “Đời bố đã cày như trâu, đời con muốn sướng thì phải học”. Dù không phải là người học cao hiểu rộng nhưng bố vẫn luôn nhắc nhở năm chị em tôi hiểu rằng kiếm đồng tiền phải bằng chính sức lao động của mình.

Tôi còn nhớ bài học lớn trong đời. Năm học lớp 2, tôi ao ước có một cây kẹo mút. Thế là tôi lén lấy của mẹ năm trăm đồng. Bố biết, bắt tôi nằm lên giường và dạy cho tôi bài học về tính trung thực: “Nếu hôm nay bố không cho con ăn đòn thì rất có thể ngày mai ra ngoài, con sẽ lại lấy trộm của bạn bè, của hàng xóm. Khi ấy, bố cũng không đền được tương lai cho con...”.

Bố vừa đánh vừa dạy dỗ, tôi không khóc mà nước mắt bố lại lăn dài trên má. Sau khi hả cơn giận và cũng đã nói đủ, bố ra ngoài. Khi đó tôi đã rất hận bố, chỉ vì năm trăm đồng lẻ mà bố đánh tôi đến mức cả tuần sau không đi học được vì quá đau. Nhưng tôi còn nhớ rõ hôm ấy, khi về bố hỏi mẹ để dầu gió ở đâu để xoa cho tôi. Và đến giờ, tôi càng hiểu trận đòn ngày ấy quý giá biết bao nhiêu.

Hè năm lớp 6, tôi ngồi bán nước trà xanh ở chợ giúp mẹ. Mỗi một bát nước chỉ một trăm đồng lẻ nhưng vẫn phải cạnh tranh với những đứa trẻ khác gần chợ. Bị bắt nạt, bị ăn cướp, nhưng tôi không bao giờ khóc, cũng không biết sợ. Bị đánh đấm túi bụi, mặt mày xây xẩm nhưng tay tôi vẫn giữ thật chặt túi tiền lẻ, có lúc rất ức và xấu hổ khi bạn bè trêu chọc. Về nhà bố hỏi: “Có đau không con?”. Tôi phụng phịu: “Đau lắm bố à nhưng con vẫn không khóc”. Bố ôm tôi vào lòng, nước mắt bố lăn trên má tôi. Tôi ngây ngô đưa lưỡi liếm thấy mằn mặn. Bố chỉ nói: “Con bố giỏi lắm. Chẳng có gì phải xấu hổ cả”. Thế là tôi vẫn ngồi bán nước, có khi phải cúi xuống nhặt vài trăm lẻ mà những đứa bạn ném xuống đất.

Ngày ấy, bất cứ việc gì dù vất vả, bố cũng đều thử qua. Còn nhớ khi tôi học lớp 7, mới ba giờ rưỡi sáng, tôi đã phải cùng bố đi “hôi” củi. Từ nhà lên đến núi với đoạn đường dài hơn 4 cây số, đi bộ nên bàn chân tôi đau rát, bóc từng lớp da vì nứt nẻ, hai hàm răng cứ lập cập va vào nhau vì lạnh cóng.

Mùa đông rét cắt da cắt thịt vậy mà hai bố con vẫn phải dậy thật sớm, uống một chút nước mắm cho ấm người. Có hôm đến nước mắm cũng hết, dốc cả chai lên còn vài giọt, bố cũng nhường cho tôi. Hai bố con vừa đi vừa nép sát vào nhau. Bố nắm tay tôi khẽ nói: “Lạnh lắm phải không con?”.

Tôi vẫn cố thều thào: “Không bố ạ”. Đôi bàn tay bố cứng cáp cứ run lên bần bật. Nhìn chiếc áo bông bố mặc trên người rách tả tơi, lộ ra những thớ thịt thâm tái, tôi thấy xót xa. Bố cởi chiếc áo bông cũ sờn ra khoác lên người tôi. Trong cái rét căm căm vậy mà chưa khi nào tôi thấy ấm áp như thế. Có thể đó là hơi ấm từ chiếc áo hay chính là tình yêu của bố? Tôi nhớ mãi bàn chân bên phải của bố bị chảy máu vậy mà bố vẫn bảo không sao. Cứ như vậy, máu từ chân bố vẫn chảy, tay vẫn nhặt củi thành bó.

Và trên những thanh củi đó, tôi nhận ra có những giọt máu màu đỏ. Nhìn bố khi ấy, mắt tôi mọng nước. Thoáng thấy đôi tay bố run lạnh, nổi lên những gân xanh, dường như tôi quên dần cái mệt. Ánh mắt bố đỏ hoe khi xoa xoa đôi tay tôi, cứ như tôi đang chạm vào những cành cây cứng cáp, thô mộc vậy.

Tôi ý thức được mình phải có trách nhiệm với bố mẹ và các em hơn. Tôi nhìn bố mẹ đánh vật với những bữa cơm chỉ có rau và bát nước mắm, những khi mà mẹ đi “buôn thúng bán mẹt” khắp các chợ đến tận 8, 9 giờ tối mới về. Rồi tiền học của năm chị em khiến bố mẹ lao đao.

Thấy khó khăn, chật vật nên năm lớp 9, tôi giấu bố mẹ bỏ học để đi bán kem. Bị mấy đứa con trai lớn hơn trấn lột tiền nhưng tôi không chịu. Ngày bé, tôi đã học được ở bố rằng mưu sinh thật không hề dễ dàng, đồng tiền liền khúc ruột, không lấy của ai nhưng cũng không để ai cướp công sức của mình. Thế nên tôi chịu đau, quyết giữ số tiền ấy.

Hằng ngày tôi oằn mình đạp xe đi hết cả huyện rong ruổi bán kem như vậy. Mỗi hôm kiếm được từ 7 đến 10 nghìn đồng, có khi bị bắt nạt hay xin đểu nên tôi về tay không. Có bữa tôi ngất lịm đi vì đói meo, ngồi nghỉ một lúc tỉnh lại thì túi tiền bán kem đã không còn. Bố biết tôi bỏ học nên lại một trận đòn nữa đổ xuống mông tôi. Đã bao năm trôi qua mà tôi vẫn còn ám ảnh dòng nước mắt và những lời của bố thuở ấy: “Con bỏ học khác nào bố mẹ mắc tội với con?”. Sau đó bố lại lục tục đi xin cho tôi học trở lại.

Rồi cả năm chị em tôi lần lượt vào đại học. Trong một lần tôi về quê, bắt gặp trên mâm cơm chỉ có bát cá mặn chát mà tôi biết rõ là cá dành để nuôi heo bởi có mùi thum thủm thối, bố mẹ chọn ra những con lành lặn nhất để nấu lên ăn dần. Để chị em tôi được học hành bằng bạn bằng bè, được ăn những bữa cơm ngon, bố mẹ vẫn phải ăn cá mắm heo như thế, vậy mà bố vẫn khen ngon.

Dù mẹ đã chạy sang nhà hàng xóm vay quả trứng gà về luộc cho riêng tôi nhưng tôi vẫn ăn cá, chẳng hiểu sao khi ấy một cảm giác rưng rưng khó tả trào dâng vì thương bố mẹ, bát cơm của tôi cũng chan đầy nước mắt. Quan trọng là tôi thấy bố nói đúng: “Cá mắm heo tuy hơi mặn, hơi thối nhưng rất ngon”. Đó có lẽ cũng là bữa ăn mà tôi sẽ không thể nào quên. Chỉ những người được ăn món cá mắm ấy mới thấy rằng tình thương của bố mẹ dành cho con cái thật lớn lao. Và tôi biết mình may mắn bởi những con cá mắm heo mặn chát, thum thủm thối ấy chan chứa tình thương và đong đầy hi vọng của đấng sinh thành.

Có lẽ bài viết này không đắp đầy sự hi sinh của bố mẹ dành cho năm chị em tôi. Nhưng tôi vẫn tự nhắc nhớ những bài học lớn mà bố dạy từ sự trải nghiệm trong khó khăn, từ những trận đòn, từ bữa ăn đơn sơ của bố mẹ ở quê chỉ có cá mắm heo. Để rồi mai này, tôi sẽ dạy lại cho các con của mình...

FnDcU3FL.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HÀN THỊ NGUYỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên