18/03/2014 04:15 GMT+7

Như dọa trẻ con

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Cuối tháng 2, Bộ Lao động - thương binh và xã hội ra quyết định buộc sáu công ty làm dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ) tạm dừng việc cung ứng lao động sang Đài Loan từ 45-60 ngày vì vi phạm trong việc thu phí cao hơn quy định, giữ lương của người lao động, khấu trừ tiền ăn, tiền ở cao hơn quy định.

Phiên giao dịch việc làm cho lao động trở về từ Hàn QuốcPhạt nặng lao động bất hợp pháp để chống bỏ trốn

Sáu công ty XKLĐ khác cũng bị yêu cầu tạm dừng thực hiện hợp đồng với 11 công ty môi giới Đài Loan. Ba công ty XKLĐ nữa cũng bị yêu cầu chấn chỉnh hoạt động XKLĐ qua Đài Loan...

Hình phạt trên - theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) - nằm trong chiến dịch chấn chỉnh hoạt động XKLĐ qua Đài Loan trước nguy cơ thị trường này có thể đóng cửa vì tỉ lệ lao động bỏ trốn đang tăng cao. Đây là lần đầu tiên (theo một cán bộ của Dolab) bộ có hình thức phạt nghiêm nhất cho các doanh nghiệp vi phạm quy định XKLĐ. Tuy nhiên, nhìn lại thì các hình phạt trên chỉ là chuyện chơi, chẳng khác gì dọa trẻ nhỏ so với những sai phạm và hệ lụy mà các hành vi vi phạm trên để lại hậu quả.

Tháng 4-2012, lượng lao động tại Đài Loan bỏ trốn tăng cao lên tới 550 lao động khiến nguy cơ thị trường này sẽ đóng cửa với VN. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Dolab thực hiện “chiến dịch” chấn chỉnh hoạt động XKLĐ sang Đài Loan. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp không thu phí cao hơn mức quy định 4.000 USD/người/hợp đồng ba năm. Đồng thời nếu phát hiện các doanh nghiệp thu phí cao, thu qua môi giới... sẽ xử phạt và xem xét dừng hoạt động từ 6-12 tháng.

Tưởng rằng với sự răn đe đó mọi thứ sẽ đi vào nề nếp, nhưng các doanh nghiệp chẳng thèm để ý, vẫn tiếp tục thu phí cao, ăn chặn lương, tiền phúc lợi của người lao động. Điều này đẩy người lao động vào tình thế chi phí cao, buộc họ khi sang Đài Loan đã tìm cách trốn ra ngoài làm để có thu nhập cao - dù là bất hợp pháp - nhằm mau thu hồi chi phí bị doanh nghiệp ăn chặn. Trình trạng này khiến lượng lao động VN bỏ trốn tại Đài Loan hiện nay lên 680 lao động/tháng, theo Ủy ban Lao động Đài Loan.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa thừa nhận có tình trạng một số công ty môi giới Đài Loan kết hợp với các doanh nghiệp VN lũng đoạn thị trường. Họ tự đứng ra thu phí cao, ăn chặn tiền phúc lợi của người lao động và cho biết “sẽ chấn chỉnh nghiêm”, thậm chí rút giấy phép hoạt động... để giữ thị trường trước nguy cơ đóng cửa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hình phạt với 14 công ty XKLĐ nói trên không như lời của thứ trưởng, nếu không nói là phạt kiểu gãi ngứa.

Trong 14 công ty XKLĐ bị xử phạt nói trên có sáu công ty trực tiếp thu phí cao, giữ lương, khấu trừ tiền ăn, ở cao hơn quy định. Sáu công ty khác lại để cho các công ty môi giới Đài Loan thu phí, giữ lương của người lao động. Các hành vi này đã vi phạm vào khoản 7, điều 7 Luật XKLĐ. Chiếu theo mục c, khoản 1, điều 14 (Luật XKLĐ) thì các doanh nghiệp này có thể bị đình chỉ hoạt động từ 6-12 tháng. Thậm chí như lời Thứ trưởng Hòa, có thể bị thu hồi giấy phép nếu vi phạm kéo dài, nhiều lần. Nhưng thực tế mức phạt khá hài hước.

Có thể thấy cả Bộ LĐ-TB&XH cũng như các cơ quan chức năng trực thuộc bộ chưa thấm đòn việc Hàn Quốc đóng cửa thị trường do tỉ lệ lao động VN bỏ trốn cao. Nay với hình thức phạt như trên sẽ khiến chính các công ty bị phạt lờn thuốc, các công ty khác nhìn vào không ngán mà tiếp tục “đè cổ người lao động” thu phí đen, ăn chặn phúc lợi... Có hay không các khoản thu sai, thu trái, thu trên đầu trên cổ người lao động được chi để bôi trơn cho những người điều hành dịch vụ XKLĐ này như người ta vẫn đồn đoán?

Phải trả lại sự trong lành và công bằng cho người lao động đi XKLĐ. Chừng nào còn du di, giơ cao đánh khẽ và còn có ai đó tìm kiếm lợi ích đen trong dịch vụ này thì cơ hội ra nước ngoài làm việc của người dân và lợi ích chung của số đông còn bị gặm nhấm.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên