Phóng to |
Việc giao dịch mua bán chứng chỉ diễn ra ngày càng công khai. Trong ảnh: đối tượng bán chứng chỉ “giao hàng” cho người mua tại điểm hẹn trên đường Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Tuấn Thành |
“Bạn còn thiếu các chứng chỉ tiếng Anh, tin học để xét tốt nghiệp? Bạn muốn có một hồ sơ xin việc đầy đủ với các chứng chỉ nghiệp vụ liên quan? Bạn cần chứng chỉ do các trường đại học, trung tâm đào tạo hàng đầu tại Việt Nam cấp để có một công việc có mức thu nhập cao? Không phải lo lắng, hãy liên hệ ngay, chúng tôi chuyên cung cấp các loại chứng chỉ, bao làm hồ sơ gốc, đảm bảo thật 100%”. Đó là nội dung tờ rơi được phát tràn lan tại làng ĐH Thủ Đức (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) thời gian gần đây.
Những “điểm nóng” mua bán
Cài “người” để tiếp thị Để thu hút nhiều người đặt làm chứng chỉ, một số “cò” chuyên nhận làm chứng chỉ cho người đóng giả thành sinh viên tìm đến các trường, KTX, khu trọ của sinh viên để tiếp thị dịch vụ làm chứng chỉ. Theo ghi nhận, các đối tượng này hoạt động mạnh tại khu vực các Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH GTVT TP.HCM, CĐ Công thương TP.HCM... Đối tượng được những nhân viên này tiếp cận thường là sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp. T., nhân viên tiếp thị của một đầu mối làm các loại chứng chỉ tiếng Anh (ngụ tại Q.Tân Phú), cho biết: “Nhiều sinh viên không có khả năng thi lấy chứng chỉ nên thường tìm kiếm các đường dây làm chứng chỉ để mua. Khi có người giới thiệu dịch vụ trực tiếp, các sinh viên này rất yên tâm và thường liên hệ ngay để làm các loại chứng chỉ”. |
Liên lạc số điện thoại 01685... trên một tờ rơi quảng cáo, chúng tôi được một người tự xưng là Bình (ngụ Q.Thủ Đức) bắt máy. Khi chúng tôi nói muốn mua một cặp chứng chỉ tiếng Anh B, tin học B để xét tốt nghiệp, Bình nói: “Giá làm hai chứng chỉ trên 1,2 triệu đồng, nếu mua gấp trong ngày giá 1,7 triệu đồng, đặt làm nhiều giảm giá 10% mỗi chứng chỉ”. Khi chúng tôi yêu cầu lịch hẹn, Bình bảo 15g hôm sau có mặt tại quán nước đối diện Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) để thỏa thuận.
Đúng giờ hẹn, Bình chạy xe máy đến và lấy ra một túi nilông màu đen, đưa cho chúng tôi xem 15 mẫu chứng chỉ do các trung tâm, trường ĐH lớn tại TP.HCM cấp. Ba ngày sau, tại điểm hẹn trên đường Trần Xuân Soạn (Q.7), người này chạy xe máy đến giao chứng chỉ như chúng tôi yêu cầu.
Vào vai sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chúng tôi lân la hỏi thăm quanh khu vực trường về việc cần mua chứng chỉ nghiệp vụ văn phòng... để đi xin việc. Tại đây, chúng tôi được một người tên Minh, tự xưng là cò môi giới cho đường dây làm chứng chỉ của bà Thủy (ngụ tại Q.12). Khi nghe chúng tôi bảo cần mua một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cấp và một chứng chỉ nghiệp vụ văn phòng do Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cấp, Minh hồ hởi bảo: “Giá chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm 1 triệu đồng, chứng chỉ nghiệp vụ văn phòng 800.000 đồng. Anh đặt cọc trước 50%, sau sáu ngày sẽ có chứng chỉ, đảm bảo chất lượng cao”.
Khu vực gần một số trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Giao thông vật tải TP.HCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức... cũng xuất hiện nhiều đối tượng giới thiệu dịch vụ làm các chứng chỉ cho sinh viên. Chúng tôi liên lạc đến số điện thoại của một “cò” tên Nam (ngụ Q.9), chuyên hoạt động tại khu vực Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. Khi nghe chúng tôi bảo cần mua một số loại chứng chỉ nghiệp vụ nghề, người này nói ngay: “Chúng tôi bao sô các loại chứng chỉ, đảm bảo thật 100%. Chứng chỉ do Bộ GD-ĐT cấp giá 1-1,5 triệu đồng, trường ĐH cấp giá 500.000-900.000 đồng, trung tâm cấp giá 250.000-700.000 đồng”. Thấy chúng tôi do dự, Nam liền bảo đang có chương trình khuyến mãi 15% cho người đặt làm chứng chỉ trong thời điểm này.
Đa dạng người mua
Nhiều doanh nghiệp, cơ quan yêu cầu sinh viên mới ra trường hàng chục kỹ năng, từ kỹ năng mềm, giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình... đến trình độ tin học, ngoại ngữ, kiến thức liên quan... Để giải quyết tình trạng trước mắt, nhiều sinh viên thay vì bỏ công sức tiếp tục học tập để có được chứng chỉ, không ít người nghĩ ngay tới biện pháp đi mua. H.T.B., nhân viên một công ty xây dựng tại Q.10, thú thật: “Thời gian nhà tuyển dụng đưa ra thì ngắn mà để thi lấy chứng chỉ thì mất từ sáu tháng đến một năm. Tôi thấy phương án đi mua để nâng cấp hồ sơ là nhanh nhất”.
L., sinh viên một trường TCCN tại TP.HCM, đã tốt nghiệp “trót lọt” trong khi chứng chỉ B tiếng Anh, tin học của L. là đi mua. L. cho biết: “Gần tới thời điểm tốt nghiệp, tôi đăng ký thi tiếng Anh, tin học nhiều lần nhưng toàn trượt. Thời hạn xét tốt nghiệp đến gần, tôi liên hệ một đường dây làm hai chứng chỉ trên với giá 1,2 triệu đồng. Trong thời gian xét hồ sơ, tôi lo sợ trường phát hiện. Nhưng mọi chuyện đều ổn thỏa, tôi đã nhận bằng tốt nghiệp và đi làm. Hiện tôi đang đặt đường dây này mua thêm một chứng chỉ kỹ năng văn phòng và một bằng đại học tại chức để xét tăng lương”.
Theo một số đầu mối cung cấp chứng chỉ, nhiều người mua chứng chỉ giả dùng để nâng bậc, nâng lương. Bà N.T.S., ngụ Q.Thủ Đức, làm việc cho một doanh nghiệp tại đây, cho biết: “Tôi đặt mua ba chứng chỉ gồm một chứng chỉ nghiệp vụ quản lý văn phòng, một chứng chỉ tin học văn phòng, một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để nộp cơ quan xét lên làm quản lý. Các sếp ở trên gợi ý mình làm nên không có gì phải lo lắng cả”. Ngoài ra, nhiều người có khả năng thi đậu chứng chỉ nhưng vì nhiều lý do họ cũng chọn giải pháp đi mua. “Tôi cũng muốn đi thi lấy chứng chỉ cho chắc ăn nhưng thủ tục lằng nhằng quá, phải đợi cả tháng. Chọn cách mua chứng chỉ vừa rẻ, vừa nhanh” - N.T.G., một sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận