Các bị cáo tại tòa - Ảnh: TUẤN ANH
Phiên xét xử vụ án “Giả mạo trong công tác”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả” xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô Bộ Quốc Phòng và một số công ty đang diễn ra tại Tòa án quân sự Quân khu 7.
Nhận tiền tỉ, tên riêng được mã hóa
Theo cáo trạng, từ tháng 10-2015 đến tháng 12-2016, bị cáo Phan Hữu Phúc (thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên thống kê kho VK102 Cục Hậu cần Quân khu 7) và Nguyễn Minh Nhân (nguyên chủ nhiệm kho VK102 Cục Hậu cần) cho Công ty Vạn Xuân sử dụng kho VK102 làm nơi pha trộn các loại dung môi naphtha, condensate với chất toluen, BM-MT200… thành xăng RON92, RON95.
Sau đó, các bị cáo giúp Công ty Vạn Xuân lưu giữ, bơm rót, xuất bán các loại xăng giả này ra thị trường.
Kết quả định giá cho thấy 54 triệu lít xăng giả mà các bị cáo sản xuất có giá trị tương đương với hàng thật là hơn 850 tỉ đồng. Số tiền lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán xăng giả được chia cho các đối tượng.
Cụ thể, nhận “hoa hồng” để xăng giả nhập vào kho quân đội, bị cáo Phan Hữu Phúc và Lê Minh Nhân được chia số tiền trên 14 tỉ đồng. Nhiều bị cáo trong vụ án được hưởng lợi nhuận từ việc sản xuất, pha chế xăng giả cả chục tỉ đồng.
Do có những chi phí ngoài cho các cá nhân lên tới vài tỉ đồng một lần và phải giữ bí mật, Lê Quang Hiếu Hùng chỉ đạo khoản tiền “hoa hồng” khi chi phải được mã hóa.
Từ tháng 10-2015 đến khoảng tháng 9-2016, Huỳnh Ngọc Điệp (kế toán Công ty Vạn Xuân) thực hiện việc chi tiền cho các đối tượng và theo dõi trên bảng file Excel.
Nhân viên Công ty Vạn Xuân cho biết phiếu chi ghi tại mục họ và tên người nhận tiền là “VKP”, “PVK”, “VK Phuc”, “chi A P Kho” là chi tiền cho bị cáo Phan Hữu Phúc.
Ngoài ra, các phiếu chi có ghi người nhận là Nguyễn Văn Phương (giám đốc Công ty Vạn Xuân) nhưng có ghi bút bi viết tay bên cạnh là “VK 102”, “102” hoặc “C005” cũng được cho là đưa cho bị cáo Phúc.
Việc mã hóa bằng số nêu trên do Phương và Hùng yêu cầu để nếu có ai xem việc thu chi trên bảng kê thì không biết chi cho ai, làm gì.
Bị cáo Phương khai khoảng thời gian 10-2015 đến 9-2016, đã 17 lần chi tiền cho Phúc với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng. Phương cho rằng số tiền này phản ánh chưa đầy đủ, có thể do thất lạc phiếu chi do sổ sách của kế toán bị theo dõi và bị xóa.
Nhân viên kho không có quyền quyết định?
Dẫn rất nhiều quy định về phân công công việc, quy trình nhập xăng vào kho quân đội, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Phan Hữu Phúc) cho rằng việc giám định chất lượng xăng dầu là trách nhiệm của chủ hàng, cụ thể là Công ty Vạn Xuân.
“Việc giám định chất lượng tại kho chỉ là giám định nhanh và phải thông qua đơn vị độc lập, phù hợp với điều kiện kho VK102 không có đủ dụng cụ và không có chức năng giám định chất lượng xăng dầu. Việc kiểm tra chất lượng xăng dầu nhập vào kho VK102 không chỉ là trách nhiệm của nhân viên thống kê mà còn của bản thân chủ hàng, đơn vị kiểm định độc lập, ban chủ nhiệm kho VK102” - luật sư Phan Trung Hoài nói.
Theo ông Hoài, trách nhiệm của bị cáo Phan Hữu Phúc chỉ được giới hạn là nhân viên thống kê, không có nhân viên cấp dưới và không nằm trong ban chủ nhiệm của kho, chỉ thực hiện công việc mà lãnh đạo phân công.
Về việc chi tiền “hoa hồng” cho bị cáo Phúc, luật sư Phan Trung Hoài cũng cho rằng lời khai của các bị cáo liên quan đến việc nhận tiền trái ngược nhau. Do đó cần phải điều tra các chi tiết như: có hành vi đưa tiền hay không, đưa bao nhiêu lần và bao nhiêu tiền…
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Quang Hiếu Hùng cho rằng cáo trạng chưa nêu rõ bị cáo Hùng hưởng lợi bao nhiêu là gây bất lợi cho thân chủ. Luật sư cho rằng trong vụ án này, việc truy tố các cá nhân phạm tội hoặc pháp nhân phạm tội là chưa rõ ràng.
Phiên xử đang tiếp tục với phần tranh luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận