Bị cáo Trần Văn Đồng ngồi xe lăn đến tòa do bị tai biến - Ảnh: TRỊNH TUẤN ANH
Quá trình điều tra và xét hỏi tại tòa, đại diện viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố 16 bị cáo như trong cáo trạng.
Cụ thể, trên cương vị là phó tổng giám đốc Công ty xây dựng Lũng Lô kiêm giám đốc chi nhánh Lũng Lô Miền Nam, bị cáo Trần Văn Đồng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, làm giả bản sao lục quyết định của Tổng tham mưu trưởng về việc nâng bậc lương và quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp cho bị cáo Lê Quang Hiếu Hùng.
Với chức vụ “Phụ trách trưởng phòng kinh doanh xăng dầu”, Hùng đã đi giao dịch với các đối tác trong và ngoài quân đội, bàn bạc với các bị cáo khác trong vụ án pha chế xăng giả từ naphtha để kiếm lời.
Các bị cáo phân công rất rõ nhiệm vụ như: người tìm nguồn tài chính, nguồn nguyên liệu cho nhà máy, người cân đối chi phí pha chế và giá bán, Hùng tìm thương nhân đầu mối hoặc doanh nghiệp quân đội làm kinh tế để ký hợp đồng mua bán dung môi, thuê kho để lưu trữ xăng giả, tìm nguồn hóa chất pha chế…
Bị cáo Phan Hữu Phúc (thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên thống kê của kho VK102 Cục hậu cần Quân Khu 7) biết xăng giả nhưng vẫn đồng ý cho Hùng nhập xăng vào kho của Cục hậu cần.
Đổi lại, Hùng chi cho Phúc 300 đồng trên mỗi lít xăng được nhập vào kho VK102.
Lời khai của bị cáo Hùng tại tòa: “Vì là nhân viên của Tổng công ty Lũng Lô nên luôn mong muốn công ty có doanh thu cao. Chính vì vậy, bị cáo hợp tác với các công ty mua bán dung môi, hóa chất để sản xuất”. Theo đại diện viện kiểm sát là không có cơ sở.
Theo Viện kiểm sát, hành vi buôn bán hàng giả, giả mạo trong công tác của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, vì vậy cần phải xử lý nghiêm khắc.
Sau khi đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án, các luật sư đang trình bày bài bào chữa cho các bị cáo.
Đại diện viện kiểm sát trình bày bản luận tội - Ảnh: TRỊNH TUẤN ANH
Mức án cụ thể đại diện viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo:
Bị cáo Trần Văn Đồng (đại tá, phó tổng giám đốc kiêm giám đốc chi nhánh đầu tư xây dựng miền Nam, Tổng công ty xây dựng Lũng lô, Bộ Quốc Phòng) từ 9-11 năm tù.
Bị cáo Lê Quang Hiếu Hùng (công nhân viên quốc phòng, Chi nhánh Đầu tư và Xây dựng miền Nam, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô) từ 12-13 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Minh Nhân (nguyên chủ nhiệm kho VK102 Cục hậu cần Quân khu 7) từ 6-7 năm tù.
Bị cáo Phan Hữu Phúc (Ban tham mưu kho VK102 Cục hậu cần Quân khu 7) từ 7-8 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Phương (giám đốc công ty Năng Lượng Vạn Xuân) từ 11 đến 12 năm tù.
Bị cáo Lê Minh Anh (Tổng giám đốc công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương) từ 11-12 năm tù.
Bị cáo Trần Anh Việt từ 7-8 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Đăng Hưng từ 7-8 năm.
Bị cáo Huỳnh Ngọc Điệp (nhân viên công ty Vạn Xuân) từ 5 năm 6 tháng đến 6 năm 5 tháng tù.
Bị cáo Phan Trung Hưng (Công ty Vạn Xuân) từ 5-6 năm tù.
Bị cáo Trần Đình Thái (Giám đốc Công ty vận tải Kim Minh Phát) từ 5 năm 6 tháng đến 6 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Thân Văn Tuyến từ 5-6 năm tù.
Nguyễn Đức Tú (Công ty vận tải Kim Minh Phát) từ 5 năm - 5 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Trần Phú (Công ty vận tải Kim Minh Phát) từ 5 năm - 5 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Vũ Huỳnh Thái (Công ty Kim Minh Phát) từ 5 năm - 5 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Phan Trường Sơn từ 10 - 11 năm tù.
Các bị cáo còn bị đề nghị hình phạt bổ sung từ 20 - 40 triệu đồng.
Đại diện viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX thu nộp ngân sách 728 tỉ đồng là số tiền tương đương với giá trị của số lít xăng giả đã bán ra thị trường.
Cụ thể, đề nghị bị cáo Lê Quang Hiếu Hùng phải nộp lại 40% của số tiền 728 tỉ đồng. Bị cáo Nguyễn Đăng Hưng phải nộp lại 30% của số tiền 728 tỉ đồng.
2 bị cáo Lê Minh Anh và Phan Trường Sơn mỗi người phải nộp lại 15% của số tiền 728 tỉ đồng.
Tiếp tục kê biên một số tài sản của các bị cáo để đảm bảo thi hành án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận