21/11/2018 15:17 GMT+7

Nhọc nhằn sau những chiếc huy chương

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TTO - Kết thúc Đại hội thể thao Người khuyết tật châu Á (Asian Para Games) 2018 tại Indonesia, những người hùng thể thao Người khuyết tật (NKT) VN trở về cuộc sống thường nhật nhọc nhằn với cơm áo gạo tiền.

Chưa đầy một tuần sau khi đăng quang tại Asian Para Games 2018 ở Indonesia, người ta đã bắt gặp lực sĩ Nguyễn Bình An ngồi trên chiếc xe lăn lặng lẽ bán vé số trên lề đường ở TP Trà Vinh. Bình An chia sẻ: "Mỗi ngày, tôi bán vé số ngoài đường từ 7 giờ đến 15g30. Nếu may mắn, tôi có thể kiếm một hai trăm ngàn để nuôi vợ và hai con".

Nhọc nhằn sau những chiếc huy chương - Ảnh 1.

Nhà vô địch Nguyễn Bình An bán vé số tại Trà Vinh - Ảnh: TẤN AN

Bị liệt hai chân từ thuở nhỏ, Bình An đã vượt lên số phận một cách kỳ diệu, trở thành lực sĩ cử tạ hàng đầu thế giới. Tại Asian Para Games 2018, Bình An đã giành HCV hạng cân 54kg nam với thành tích 178 kg, bỏ xa đối thủ xếp thứ hai David Degtyarev (Kazakhstan) đến 21 kg. Anh là một trong những VĐV đầu tiên của đoàn thể thao VN được tài trợ dinh dưỡng và thưởng nóng từ Herbalife.

Nhọc nhằn sau những chiếc huy chương - Ảnh 2.

Nhiều khách mua ủng hộ Bình An - Ảnh: TẤN AN

"Tôi quê ở huyện Trà Cú nhưng cuộc sống khó khăn buộc phải đưa vợ con lên TP Trà Vinh kiếm sống bằng nghề bán vé số. Nghề VĐV khuyết tật không có chế độ lương bổng như VĐV chuyên nghiệp. 

Nhọc nhằn sau những chiếc huy chương - Ảnh 3.

Khoảnh khắc Nguyễn Bình An đăng quang tại Asian Para Games 2018 - Ảnh: T.P

Tôi chỉ được hưởng chế độ tập huấn khi gần vào giải và có thành tích mới được tiền thưởng. Cuộc sống còn vất vả, nên sự hỗ trợ dinh dưỡng cũng như thưởng nóng từ Herbalife là nguồn động viên tinh thần rất lớn, giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống", Bình An chia sẻ.

Nhọc nhằn sau những chiếc huy chương - Ảnh 4.

Trần Văn Nguyên trở về với cuộc sống mưu sinh hàng ngày - Ảnh: T.P

Là VĐV giàu tiềm năng nhất của điền kinh NKT VN, Trần Văn Nguyên đã đoạt 2 HCĐ (ném lao và đẩy tạ hạng thương tật F40) ngay lần đầu tiên tham dự đấu trường châu lục. Nhưng khi những vinh quang khép lại, anh cũng phải trở lại với cuộc sống đầy cực nhọc.

Nhọc nhằn sau những chiếc huy chương - Ảnh 5.

Trần Văn Nguyên vào rừng bóc vỏ keo – Ảnh: TẤN NGUYÊN

Nguyên đã 28 tuổi nhưng chỉ cao 1m27 do dị tật bẩm sinh ở tuyến yên. Thật ra, Nguyên có nghề điện và điện công nghiệp với lương đủ sống ở TP.HCM nhưng anh đã bỏ việc để theo đuổi đam mê thể thao.

Trở về quê ở Bình Định sau những ngày thi đấu ở Indonesia, Nguyên vào rừng làm nghề bóc vỏ keo, vốn đầy vất vả đối với người bình thường chứ chưa nói đến NKT như Nguyên. Lao động cật lực giữa rừng keo với đôi tay chai sạn 10 tiếng mỗi ngày, Nguyên có được 150.000 đồng.

"Vì yêu thể thao mà tôi bỏ hết công việc, tập trung đi thi đấu. Đến khi hết giải cũng đồng nghĩa với tôi thất nghiệp nhiều tháng trời. Vậy nên tôi phải vào rừng bóc vỏ keo để kiếm cơm. Nghề này cần sức khỏe và cũng nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo nên tôi phải chấp nhận", Nguyên tâm sự.

Nhọc nhằn sau những chiếc huy chương - Ảnh 6.

Trần Văn Nguyên mưu sinh như bao người bình thường khác - ảnh: TẤN NGUYÊN

Nữ kình ngư Trịnh Thị Bích Như đã giành đến 3 HCĐ (nội dung 50m tự do, 100m tự do, 50 bướm hạng thương tật S6) cũng rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi Asian Para Games hạ màn. Bích Như nói: "Tôi về quê nghỉ ngơi vài ngày trước khi trở lại TP.HCM tìm việc làm. Chồng tôi là HLV bơi người khuyết tật nên thu nhập không cao, tôi phải phụ chồng kiếm tiền. Trước đây tôi có nghề làm tranh giấy, nhưng gián đoạn gần chục năm tập trung cho thể thao nên tay nghề không còn tốt. Tôi sẽ phải học lại và xin việc làm vì từ giờ đến đầu năm sau không có giải đấu nào dành cho người khuyết tật".

Nhọc nhằn sau những chiếc huy chương - Ảnh 7.

Giây phút đầy tự hào, vinh quang của những nhà vô địch khuyết tật - Ảnh: TP

"Quái kiệt" của đường đua xanh Nguyễn Thành Trung – người giành giành tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao NKT VN tại Asian Para Games 2018 - cũng đã trở lại với nghề "tay phải" là phục vụ nhạc cho đám tiệc. 

Trung nói: "Tập trung tập luyện tại TP.HCM từ đầu năm đến giờ nên tôi mất mối khá nhiều. Nửa tháng nay chỉ có hai "sô", mỗi "sô" kiếm được vài trăm ngàn sau khi trừ mọi chi phí. Cuộc sống khá eo hẹp nên đôi khi tôi phải kiêm luôn ca sĩ, nhảy múa,.. để kiếm thêm dù đôi chân bị liệt".


TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên