12/09/2010 03:03 GMT+7

Nhớ "người Nam mới" đầu tiên

THU HÀ
THU HÀ

TT - “Có một lần, cha tôi - cụ Nguyễn Dực, một viên chức cũ của đài phát thanh - được mời đi dự một lễ kỷ niệm của ngành bưu điện. Cha tôi ngạc nhiên lắm, vì nhà mình không có ai liên quan gì.

dSupgOwV.jpgPhóng to

Chân dung ông Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) - Ảnh tư liệu

Đến nơi mới biết trong báo cáo truyền thống ngành bưu điện có một đoạn rất cảm động dành nói về ông nội tôi - người đã cải tiến chữ quốc ngữ bằng cách bỏ dấu thanh bằng chữ cái cho phù hợp với tiêu chuẩn và nhu cầu của điện tín quốc tế những năm 1920-1930.

Hóa ra chính ông tôi là người đã nghĩ ra cách đánh hai chữ o thành chữ ô, chữ u thêm w thành ư, xuất phát từ nỗi thương xót người dân quê vất vả ngồi toát mồ hôi với bức điện từ quê gửi ra mà không biết là vỡ đê hay vợ đẻ”.

Câu chuyện giản dị của ông Nguyễn Lân Bình về ông nội mình tại một cuộc trò chuyện nhỏ do Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức sáng 11-9 tại Hà Nội đã làm ngạc nhiên và xúc động nhiều người.

Có quá nhiều ngạc nhiên, ồ à, “thì ra là thế”, quá nhiều cái nhíu mày vì “chưa nghe rõ”, nhiều xì xào vì “chả nhẽ lại thế”, “chưa nghe ai nói thế”... trong một cuộc nói chuyện về ông - người rất quen mà rất lạ trong tâm thế của trí thức Việt hiện đại: Nguyễn Văn Vĩnh.

Trong hành trang tri thức của phần đông thanh niên hiện đại, Nguyễn Văn Vĩnh được biết đến như tác giả bản dịch tiếng Việt ngộ nghĩnh hóm hỉnh của bài thơ Ve và kiến của nhà thơ nổi tiếng La Fontaine, đi sâu hơn một chút thì biết ông là một trong những người VN đầu tiên mở và viết báo quốc ngữ, biết ông dịch nhiều tác phẩm tiếng Pháp ra chữ quốc ngữ, biết ông là cha của nhà thơ tài hoa vắn số Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) với bài Em đi chùa Hương...

Nhưng còn biết bao nhiêu điều về ông và những trí thức như ông, cùng thời và cùng chí hướng với ông mà lớp hậu sinh chưa được biết?

Làm sao để người trẻ bây giờ có thể tự hào về một “người Nam mới” giỏi giang và yêu dân mình, yêu sự tiến bộ như Nguyễn Văn Vĩnh? Một “người Nam mới” lăn xả với sự nghiệp Đông Kinh Nghĩa Thục - khai dân trí, vừa viết báo vừa dịch sách, vừa làm chủ bút kiếm tiền nuôi tờ báo, đến lúc chết trên một con thuyền độc mộc trên dòng Sêpôn bên đất Lào vẫn còn ôm đống bản thảo phóng sự về những người tìm vàng.

Làm sao để cho những thanh niên thời thượng hiểu được từ năm 1911, có một “người Nam mới” tự học tiếng Pháp thật giỏi để có thể làm chủ được chữ quốc ngữ - thứ văn tự sống còn của dân tộc - để dịch cả Quan Âm Thị Kính lẫn Kim Vân Kiều truyện ra quốc ngữ?

Làm sao để các độc giả trẻ biết từ năm 1932, tờ L’Annam Nouvou do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút đã giành giải báo chí Grand Prix ngay tại Paris. Và trên tờ báo ấy, đã đăng đến năm bài về Hoàng Sa - Trường Sa cùng những kiến nghị về thái độ ứng xử của chính quyền với chủ quyền của VN tại hai quần đảo ấy.

Có quá nhiều điều chúng ta hôm nay chưa biết về Nguyễn Văn Vĩnh và những người ông chịu ảnh hưởng hay chia sẻ tâm huyết như Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Tố, các đồng chí trong Đông Kinh Nghĩa Thục...

Những tài liệu, tìm kiếm, công bố của thân nhân, con cháu, người hâm mộ có thể vì nặng tình cảm mà thiếu đi tính khoa học, sự phản biện cần thiết. Nhưng những giá trị thật sự mà Nguyễn Văn Vĩnh để lại thì không thể nghi ngờ.

Đánh giá chính xác về sự nghiệp của ông cần đến sự nghiên cứu sâu rộng, liên ngành và rất nhiều tâm huyết, nhưng với những ai chưa biết về ông, có lẽ những nhận xét đầy xúc cảm của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy gợi rất nhiều suy nghĩ và thôi thúc người ta tìm hiểu về ông: “Với bút hiệu Tân Nam Tử, Nguyễn Văn Vĩnh muốn xây dựng cho mình và sau đó cho xã hội một người Nam mới trước hết với tư tưởng mới, nghề nghiệp mới, lối sống mới.

Và đóng góp của ông, quan trọng trong lĩnh vực này là hình ảnh một trí thức độc lập. Nếu VN cổ truyền chỉ có trí thức - quan lại, trí thức - công chức, thì xã hội hiện đại rất cần một tầng lớp trí thức độc lập. Và với nghĩa đó thì đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh là rất quan trọng, bởi ông là một người Nam mới đầu tiên”.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên