![]() |
Một đám cưới người nước ngoài dùng xích lô thay xe hoa trên đường phố Sài Gòn những năm 1990 - Ảnh tư liệu |
* Jimmy Gustafson (người Mỹ, giảng viên Trung tâm ACET, TP.HCM):
Đâu rồi sự thanh thản!
Tôi cùng gia đình chuyển đến sống ở TP.HCM từ năm 1993 và thú thật nơi đây lúc ấy khác bây giờ nhiều lắm. Trên đường phố lúc ấy chưa có nhiều ôtô cá nhân bóng loáng, những chiếc xe phân khối lớn đắt tiền, những chuyến taxi máy lạnh hối hả đón đưa khách. Nhịp sống chậm rãi và thảnh thơi như những vòng quay của chiếc xích lô dễ dàng bắt gặp trên khắp các nẻo đường ngõ phố.
Những anh đạp xích lô với dáng gầy gò, khắc khổ, mặc tấm áo may vá chằng chịt, vẫn đạp xe một cách thảnh thơi, không vội vã qua những con đường rợp bóng cây xanh. Tôi nhớ mình đã cảm thấy thật thanh thản, bình yên như thế nào khi ngồi trên xích lô, ngửa đầu và tận hưởng không khí trong lành, tinh khiết của thành phố trẻ này.
Thành phố bấy giờ cũng không có những trung tâm mua sắm cao cấp, những tòa nhà chọc trời tráng lệ và càng không có những quán cà phê wifi trang bị theo đẳng cấp quốc tế. Khi đó chỉ có những quán cóc vỉa hè dựng tạm bợ cạnh gốc cột điện hay dưới tán cây với những chiếc ghế đẩu con con...
Không nệm lót êm ái, không hơi máy lạnh, không điệu nhạc sôi động, ấy vậy mà tôi vẫn thấy ngạc nhiên thích thú khi ngồi gần như chồm hổm trên những chiếc ghế mộc mà nhâm nhi chút cà phê phin buổi sáng. Một sự bình dị đến độc đáo, khó thấy được ở bất cứ nơi nào.
Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất là câu chuyện về kỷ niệm tuy “đau thương” nhưng đầy ắp tình người của cha mình.
Ngày ấy, gia đình tôi sống ở khu vực trung tâm thành phố và cha tôi thường đến ăn ở những nhà hàng gần nhà. Có lần ông đi ăn sáng nhưng đến lúc tính tiền mới phát hiện... quên mang ví. Dĩ nhiên ông cảm thấy rất lo lắng và xấu hổ, miệng cứ lắp bắp khi người chủ đang tiến lại gần mình. Với vốn tiếng Việt rất hạn chế, cha tôi đã giải thích tình huống khó xử của mình và sẵn sàng để đồ lại nếu nhà hàng yêu cầu.
Thế nhưng trái với sự lo xa đó, người chủ nhà hàng đã nở một nụ cười thật tươi và để ông đi về mà không cần phải làm gì cả. “Tôi tin ông sẽ quay lại và trả tiền” - câu nói đó khiến cha tôi cảm thấy rất tự hào và yêu con người ở đây hơn bao giờ hết.
Đó là những lý do đã níu chân tôi lại vùng đất này để sinh sống và làm việc.
Đành rằng VN đang ngày một phát triển, hiện đại, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy tiếc và nhớ một VN thuần khiết của 16 năm trước lắm. Một VN mà khi nhìn vào người đi đường, bạn sẽ nhận ra ngay đó là một người Việt thật sự, chứ không ngờ ngợ đó là người Hàn hay Mỹ... như bây giờ. Một VN mà khi sinh sống nhưng không nói được tiếng Việt, bạn sẽ vẫn cảm nhận được sự thoải mái, hạnh phúc và thân thiện từ mọi người.
* Rad Kivette (62 tuổi, người Mỹ, giám đốc tại VN của Làng toàn cầu - Global Village Foundation, tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận):
Tâm hồn VN vẫn như vậy
Lần đầu tiên tôi đến Đông Nam Á là năm 2001. Khi đó tôi đã biết rằng tôi sẽ dành đời mình vì VN. Sự đa dạng văn hóa, lối sống, những triết lý và những tính cách con người đã hấp dẫn tôi (đến nay vẫn vậy). Cuộc sống đã thay đổi nhiều ở đô thị VN trong gần mười năm qua. Ở các vùng quê thì ít thay đổi hơn.
Sự xuất hiện tầng lớp trung lưu ở đô thị VN là sự thay đổi tích cực và lớn lao. Năm 2001, hầu như tầng lớp này chưa xuất hiện rõ ràng. Các khu nghỉ mát 5 sao, nhà hàng xịn nhất bây giờ có nhiều người VN chứ không chỉ phục vụ khách nước ngoài nữa. Nó cho thấy VN đang có nhiều bước tiến.
Nhưng còn đó nhiều điều tiêu cực trong sự chuyển đổi kinh tế - xã hội là số người chết vì tai nạn trên đường phố cao, tắc nghẽn giao thông khiến dân chúng lãng phí thời gian, tỉ lệ mắc HIV/AIDS cao, rồi sử dụng rượu, ma túy... Ngoài ra, một thế hệ trẻ dường như không còn duy trì được truyền thống thân thiện mến khách và thanh lịch của những thế hệ trước.
Một lĩnh vực đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn cần chúng ta chú ý là tình trạng của những người kém may mắn ở vùng sâu vùng xa và những người dễ bị tổn thương bị bỏ rơi lại trong quá trình phát triển. Hàng triệu phụ nữ, trẻ em, những người khiếm khuyết về thể chất và những người dân tộc thiểu số đã bị bỏ rơi lại phía sau. 16% dân số sống dưới mức đói nghèo và hàng triệu người sống trên đó một chút. Từ 14-17 triệu người bị suy dinh dưỡng, trong đó có 40% là trẻ em. Tỉ lệ trẻ em sơ sinh và bà mẹ có thai chết cao gấp ba lần so với tỉ lệ tử vong trung bình cả nước. Hệ thống giáo dục còn nghèo nàn và tỉ lệ em gái bỏ học cao.
Có rất nhiều thay đổi ở VN trong chín năm qua. Cần có thêm thật nhiều thay đổi nữa. Tuy nhiên, tâm hồn của VN vẫn như vậy. Tôi thấy rõ sự quyết tâm thay đổi đang chiếm ưu thế.
* Sebastian Allen (người Đức, doanh nhân):
Trở nên nữ tính hơn nhờ sống ở VN
Tôi không ở hẳn VN những năm qua nhưng tôi đi về giữa Đức - Anh - VN hầu như mỗi năm, vì thế tôi có một cái nhìn phần nào khá đầy đủ về quốc gia này.
So với mười năm trước VN hiện tại đã thay đổi nhiều lắm, sự thay đổi đó lớn đến nỗi vợ của tôi phải há hốc mồm kinh ngạc khi quay lại và thấy quá nhiều tòa nhà cao tầng ở các quận trung tâm vào năm 2007.
Tôi thường đùa với vợ rằng ở VN tôi đã tìm thấy một “tình yêu” mới. Đó chính là con người, nhịp sống ở đây. Có thể là tích cực hoặc tiêu cực tùy theo cách nhìn nhận, nhưng nhịp sống ở VN không quá căng thẳng như ở những quốc gia khác mà tôi từng làm việc... và đó là điều làm tôi vô cùng thích thú.
Nói ra điều đó vô tình tôi phát hiện ra mình và vợ có chung một “người tình”. Vợ tôi khẳng định tình yêu của mình dành cho VN lớn hơn của tôi. Tôi còn nhớ rõ một câu nói mang đầy vẻ tự hào của cô ấy, tuy đơn giản nhưng khá sâu sắc: “Ở VN, em trở nên nữ tính hơn bao giờ hết”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận