12/04/2013 06:06 GMT+7

Nhớ khe

VĂN THÀNH LÊ (Bà Rịa - Vũng Tàu)
VĂN THÀNH LÊ (Bà Rịa - Vũng Tàu)

AT - Hôm rồi cậu em họ đưa lên Facebook allbum ảnh quê nhà. Mình xem và bất ngờ. Bất ngờ về con khe làng mình.

Nước khe cạn bướm bay lèn đá” (Phạm Tiến Duật)

Không còn cây cầu tre đắp đất nữa. Thay vào đó là công trình bêtông hóa xây cao, chặn ngang con khe. Mùa cạn nước sẽ chảy qua các cống dưới chân, mùa mưa nước qua cống không kịp sẽ dâng lên chảy tràn bề mặt phía trên, nhưng người vẫn qua lại được, ở quê gọi là bãi tràn. Xem ảnh, bỗng dưng bao kỷ niệm về con khe ùa về.

5m7r8eS8.jpgPhóng to
Minh họa: Thái Sinh

Từ khe nghe có vẻ không phổ thông lắm, hay có nhưng giờ ít người dùng. Đa số dùng từ suối, con suối thấy phổ biến và dễ “trôi” hơn con khe. Nếu có dùng từ khe, có người lại gọi gộp thành khe suối. Sau này đi học, tò mò, mình lôi từ điển tìm hiểu, thấy người ta nói: Khe là đường nước chảy hẹp giữa hai vách núi hoặc sườn dốc, có thể khô cạn theo mùa. Suối là dòng nước tự nhiên ở miền đồi núi, chảy thường xuyên hoặc theo mùa, do nước mưa hoặc nước ngầm chảy ra ngoài mặt đất tạo nên. Chiếu theo hai định nghĩa trên thì suối và khe dường như là một, chí ít là trong con mắt thông thường không am tường địa lý của mình. Nhưng mình vẫn thích dùng từ khe hơn, như dân làng mình, tuổi thơ mình từng gọi, bởi như vậy mình mới gọi đúng nguyên - bản - tuổi - thơ của mình.

Khe trong ký ức mà mình lưu giữ được đầu tiên, dù không còn rõ ràng, là những buổi cùng chị gái và lũ bạn chờ mẹ đi chợ về. Chợ quê, quà chỉ là khúc mía, miếng bánh đa vừng, viên kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo đất, bánh cục, bánh lá… mà háo hức vô cùng. Háo hức đến nỗi mẹ vừa đi khỏi nhà đã rục rịch ra khe đón mẹ. Trong lúc chờ đợi sẽ tha thẩn nhặt sỏi chơi chốc chọi hay ô ăn quan, hoặc nhảy dây, trốn tìm ngay bên bờ khe.

Lớn một chút, gọi lớn cho oai chứ thật ra mới học lớp 2, mình bắt đầu đi giữ trâu. Từ đấy suốt bao năm, mình thật sự đằm mình với khe theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này.

Thả trâu xuống khe. Trâu ăn cỏ dọc hai bờ khe. Cỏ ở bờ khe bao giờ cũng tốt, tươi non hơn cỏ trên đồi vì gần nguồn nước. Trâu ăn cỏ bên bờ còn cả hội giữ trâu cởi áo quần tắm khe. Nước khe trong và mát vô địch. Hội mình đằm dưới nước bất kể giờ giấc và thời tiết.

Đơn giản, thích là tắm. Giữa trời nắng chang chang, đá bóng bưởi mồ hôi nhễ nhại, cũng tắm. Bố mẹ dặn không tắm lúc trời nắng, chỉ tắm khi đã ráo mồ hôi, mà nào có nhớ, nhớ cũng quên ngay trước dòng nước mát lành. Có đứa không biết nghe ở đâu nói rằng, đang mồ hôi nhiều uống nước vào thì tắm vô tư, vì nếu có nước lạnh từ ngoài ngấm vào đã có nước lạnh từ trong ngấm ra nên chẳng bao giờ bị cảm lạnh.

Nguồn nước uống từ những cái vó. Vó là những hố nước tự đào bằng cách bới cát bên cạnh khe sao cho gặp mạch nước ngầm, chờ nước lắng cặn xuống đáy là uống ngon lành. Nói mạch nước ngầm chứ thật ra là nước từ khe chảy vào, vì hố nước sâu chừng hai mươi phân là cùng. Khi khát nước, mỗi đứa tự đào cho mình một cái vó, rồi khoe xem vó ai nước trong hơn.

Sau này đi học, nghĩ lại mình thấy buồn cười về lập luận trời ơi uống nước vó tắm không sợ cảm lạnh của đứa bạn hồi ấy. Nhất là quan sát mẫu nước suối dưới kính hiển vi thì không khỏi giật mình, mình và những đứa bạn không biết ngốn hết bao nhiêu vi khuẩn, côn trùng vào bụng từ những vó nước mát thường thấy trong vắt ấy. Ấy vậy mà lạ, chẳng bao giờ ốm đau, bệnh tật. Vẫn ngày ngày nắng thì tắm khe cho mát, mưa thì tắm khe, trôi theo khe về nhà cho ấm.

Khe lượn đẹp như đường cong thiếu nữ xuân thì, ôm một nửa làng. Trên đường cong ấy chia thành từng khúc. Khe bến Dâu. Vũng anh Thân. Khe Bái Gạo. Khe ông Tình. Khe anh Sặt. Vũng anh Sặt. Khe ông Hường. Vũng ông Thương. Dẫu cùng một con khe, nhưng những khúc khác nhau gắn liền với tên khác nhau bởi người lên khai hoang làm rẫy ở cạnh đó, hay có người mất khi lũ cuốn trôi ở khúc đó, và người làng gọi theo tên họ thành quen. Không biết khi con khe chảy xuôi xuống những làng dưới còn được mang những tên như thế nào?

Khúc cong đi từ làng mình lên xã là khe Bái Gạo. Bình thường khúc này nước cạn, người qua lại có thể lao xe hay lội bộ qua. Nhưng vào mùa mưa, nước lên, mấy nhà gần khe chung tiền mua tre làm cầu. Bề ngang cầu khoảng 7 cây tre lớn ghép lại. Cầu dài ba nhịp. Bên trên đắp đất. Nếu mưa sụt sùi, đất nhão ra, bánh xe dễ trơn trượt. Xe đạp đi qua mất 200 đồng, xe máy là 500 đồng. Ôtô thì đi dưới khe được. Do cầu hẹp nên nhiều khi hàng xeo chở lợn qua, tới giữa cầu lợn giãy, cả người và xe tắm khe là thường. Thi thoảng ai say rượu lao xe qua cũng dễ lạc tay tắm ngay cho sạch. Vào ngày mưa, thả trâu xuống bờ khe, ngồi trong lều thu tiền cầu với mấy chú, mở băng cassette nghe những bài nhạc vàng và ăn ngô rang hay khoai lang nướng, sắn nướng thì cực thích, chẳng có tí ti buồn gì. Hay là mình còn nhỏ nên không có cảm giác ấy?

Khổ nhất là khi mưa lớn, lũ về. Mà điều này chẳng năm nào không có, thậm chí có năm vài lần. Lúc ấy cây cầu bị lũ bẻ gãy, cuốn trôi xuống làng dưới. Nếu lũ về trong đêm thì sáng ra mình và lũ bạn, cả làng dưới nữa, hết đường đến trường. Nước khe rộng mênh mông. Phải đóng bè mới qua khe được. Bè cũng là những thân luồng thân tre ghép lại, nẹp chặt. Một dây cáp nối từ bờ khe này qua bờ khe kia. Dây nối từ bè lên dây cáp tại một vòng bi, tạo thành ròng rọc. Người lái bè dùng sức kéo dây cáp, vòng bi chạy, đưa bè sang ngang. Người đi xe đạp phải đưa 500 đồng, đi xe máy là 1.000 đồng. Ôtô thì chịu, không qua được. Vào phiên chợ, người người rồng rắn xếp hàng, mấy chú kéo bè mệt nghỉ. Có lần lũ về, mưa kéo dài, phải đi bè gần nửa tháng nước mới rút để làm lại cầu.

Từ thời ấy, mình đã nghe người ta rục rịch nói làm cầu kiên cố bắc qua khe không biết bao nhiêu lần. Tin rộ lên, bàn tán xôn xao, rồi lặng đi. Khoảng vài lần như vậy. Và mất hút. Lặn vào mênh mông cao xanh nào đó. Mang theo cả khát khao của bao thế hệ người trong làng.

Mình lên cấp 3, trọ học ngoài thị trấn, công việc giữ trâu trao lại em gái nên hết theo khe. Thêm bốn năm đại học. Ra trường vào Nam kiếm việc. Khe trở nên xa lắc. Mỗi lần có dịp về, mình hay lững thững đi dọc khe. Biết bao mùa lũ đi qua. Khe bao lần vặn mình đổi dòng. Giờ mình không xác định được chỗ nào nông chỗ nào sâu nữa. Vũng ông Thương, nơi mình chết đuối hụt và thành biết bơi, trước sâu hun hút giờ thành nông choèn choẹt. Hàng tre già ngỡ kiên cố ở khúc khe anh Sặt, là nơi trú nắng lý tưởng, giờ đã không còn. Những gốc sim, gốc mua, mâm xôi, tóc tiên, tỉ muội, cỏ may, lau lách, chung bục… nữa. Chỗ thấy chỗ không. Và những ông Tình, ông Hường, anh Thân, anh Sặt, ông Thương, những cái tên ấy, giờ đây người còn người mất, người chuyển chỗ khác. Nhưng tên họ đã thành tên mỗi đoạn khe cho bao thế hệ người làng gọi. Bên lở bên bồi. Dòng sông thay đổi là lẽ tự nhiên. Duy chỉ những viên đá viên sỏi ở khe vẫn vậy. Ram ráp trần mình với trời đất nắng mưa. Mình lại nhặt vài viên đá kỳ. Thành thói quen, mình tắm là phải kỳ bằng đá. Dẫu có dùng thứ gì đi nữa mà không có đá kỳ vẫn có cảm giác còn… bẩn. Và nhất định là phải đá khe làng mới thấy… sạch. Lạ hết sức!

Trong lịch sử loài người, các nền văn minh đa số ra đời bên những dòng sông lớn như sông Hằng, sông Nile, sông Ấn, sông Hoàng Hà… hay ở Việt Nam là sông Hồng. Và cho đến bây giờ, người ta thống kê, nghiệm thấy rằng những anh hùng, danh nhân, trí thức lớn hầu đa số đều sinh ra và lớn lên từ một miền quê có con sông lớn nào đó chảy qua. Kể cả các cô gái xinh đẹp, da trắng mịn, tóc dài óng ả cũng vậy. Bên những dòng sông như sông Lô, sông Đuống, sông Mã, sông Lam, sông Ngàn Phố, sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Côn, sông Ba, sông Tiền, sông Hậu… Không ai chọn được nơi mình sinh ra và lớn lên. Dẫu làng mình không nằm bên một con sông lớn, nhưng mỗi khi ai đó nhắc tới sông, trong mình luôn mặc định những hình ảnh về con khe làng. Bởi ở đó mình có những tháng ngày êm đềm và trong trẻo. Bởi ở đó tâm hồn mình được dung dưỡng từ những gì gọi là tinh khiết nhất.

xDL8DOQ9.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 ra ngày 1/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

VĂN THÀNH LÊ (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên