28/05/2011 19:59 GMT+7

Nhớ cơm chưng đậu ngự

MINH HẠNH
MINH HẠNH

TTO - Thực đơn nhà hàng có thêm món cơm chưng đậu ngự, tôi vui như gặp lại một điều gì đó thân thuộc, ấm nồng. Chén cơm chưng đậu ngự được dọn ra thật bắt mắt nhưng không hiểu sao vẫn nhàn nhạt, thiêu thiếu một vị nào đó khó gọi thành tên. Nó không giống món cơm đậu ngự quê mùa của mẹ năm nào...

jnR3WIhH.jpgPhóng to

Chén cơm chưng đậu ngự được dọn ra thật bắt mắt nhưng không giống món cơm đậu ngự quê mùa của mẹ năm nào...

Mẹ tôi mồ côi cha mẹ từ bé phải về sống với dì ruột. Nhà dì đông con lại không coi trọng chuyện học hành nên mẹ tôi cũng chỉ được học đủ để biết viết tên mình và để phân biệt được con số trên tờ tiền giấy, còn lại là chuỗi ngày mót lúa, chăn trâu, nuôi lợn phụ cùng dì nuôi các em. Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn nên với mẹ việc học lên cao, đỗ đạt thành các cử nhân là một điều rất đỗi thiêng liêng, quý giá đối với mẹ.

Đến tuổi cập kê, mẹ tôi không lập gia đình khi 16, đôi mươi như các cô gái trong làng, phải đến 26 tuổi, tức là cái tuổi đứng vào hàng “ế” ở làng, mẹ tôi mới lập gia đình cùng ba tôi. Mẹ tôi “ế” không phải vì xấu xí mà ngược lại mẹ tôi rất có duyên, con gái nhà quê lam lũ mà nước da trắng ngần khiến không biết bao chàng trai con nhà giàu trồng cây si trước nhà bà ngoại “dì” của tôi nhưng mẹ tôi quyết đợi cho được anh học trò con thầy giáo trong làng đỗ đạt ra đi dạy.

Mẹ nói rằng mẹ thất học nên mẹ rất quý cái chữ, mẹ muốn làm vợ anh giáo nghèo để sau này sinh ra được những đứa con hay chữ.

Mẹ lần lượt sinh ra tôi và hai em trai. Mẹ làm quần quật suốt ngày, không cho con cái động vào bất cứ việc gì bởi mẹ sợ làm ảnh hưởng đến việc học của các con. Là con một thầy giáo nghèo nhưng chúng tôi được mẹ nuôi nhưng những cậu ấm cô chiêu con nhà khá giả.

Chúng tôi đã không thể trở thành những thiên tài như mẹ mong đợi nhưng năm nào chị em tôi cũng là những học sinh nằm trong tốp đầu của ngôi trường làng, trường xã hàng năm. Những ngày tôi bước vào kỳ thi cuối cấp, chuẩn bị cuộc vượt vũ môn vào đại học, mẹ cũng cùng tôi “đồng hành đến trường”, mẹ thân chinh dẫn tôi lên ở nhờ nhà người chị con dì của mẹ ở thành phố để tôi luyện ôn thi.

Mẹ gác lại mọi việc ở nhà để “đi thi cùng tôi”. Một ngày trước ngày thi chính thức của tôi, mẹ dặn ba lựa thật kỹ những trái đậu ngự to tròn ở vườn nhà để đem lên nhà dì cho mẹ. Buổi sáng chuẩn bị đi thi, một chén cơm chưng đậu ngự đã được đặt sẵn trên bàn. Mẹ bắt tôi ăn cho bằng hết. Mẹ nói rằng không phải mẹ dị đoan nhưng món bún tôi thích ăn nó cứ trơn tuồn tuột thì khi làm bài lỡ cũng quên tuồn tuột thì sao. Nhìn tô cơm chưng đậu tôi không nuốt nổi nhưng nghe “triết lý” của mẹ nói tôi cũng sợ và nghe dì kể công đoạn mẹ làm tôi càng phải ăn cho bằng hết.

Sáng tôi đi thi, mẹ dậy từ ba giờ sáng lụi hụi lột vỏ những hạt đậu ngự tươi mượt mà vì sợ lột trước đậu sẽ bị thẫm, không thơm. Gạo trắng thơm vo thật kỹ đem nấu chín. Đậu cũng được hấp đến khi nghe tỏa mùi thơm thì mở nắp, vớt đậu ra, tránh để hạt đậu bị nát. Sau đó mẹ tôi trộn cơm và đậu thật đều nhau, cho gia vị vào cơm, sau đó bỏ lên xửng hấp một lần nữa cho cơm đậu và gia vị hòa lẫn vào nhau.

Thật ra món cơm này bình thường vào mùa đậu ngự trĩu hạt ngoài vườn, mẹ tôi vẫn thường làm rất nhanh bằng cách cho gạo và đậu trộn cùng nhau và nấu chung ngay từ đầu nhưng như thế đậu sẽ bị thẫm màu và sẽ bị nát trong cơm chén cơm trộn đậu sẽ mất thẩm mỹ và không tốt cho thí sinh đi thi. Mẹ nói “chắc nịch” như một triết lý có thực trên đời.

Năm ấy không phụ công mẹ, tôi đã thi đỗ vào đại học để trở thành một cử nhân như mẹ mong đợi. Và rồi các em tôi cũng lần lượt được ăn chén cơm đậu ngự “phép màu” của mẹ trước các kỳ thi quan trọng của đời người. Tôi không biết có phải nhờ cơm đậu ngự trước giờ thi của mẹ cho mỗi đứa mà chị em tôi đều đỗ đạt không, nhưng chắc chắn tấm lòng biển cả của người mẹ đã cho chúng tôi trở thành những “ông cử, bà cử” của ngày hôm nay.

MINH HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên