05/04/2015 10:00 GMT+7

​Viettel giới hạn tài khoản khuyến mãi 

MINH QUANG - ĐỨC THIỆN
MINH QUANG - ĐỨC THIỆN

TT - Nhiều khách hàng và chuyên gia cho rằng Viettel đang o ép tài khoản khuyến mãi.

Viettel đã thực hiện hạn chế sử dụng tài khoản khuyến mãi từ lâu  - Ảnh: Q.M.

Mặc dù ngày 3-4, phó tổng giám đốc Viettel mới đề xuất Bộ Thông tin - truyền thông (TT&TT) chủ trương giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mãi của khách hàng, nhưng từ trước đó nhà mạng này đã “tiền trảm hậu tấu” thực hiện chủ trương này...

Tiền trảm hậu tấu

Cụ thể, tại hội nghị giao ban của Bộ TT-TT ngày 3-4, ông Hoàng Sơn, phó tổng giám đốc Viettel, đề xuất giới hạn thời gian sử dụng của tài khoản khuyến mãi, chứ không để tồn tại tình trạng dùng hết tiền như hiện nay.

Theo đề nghị này, tài khoản khuyến mãi với số tiền khuyến mãi chỉ được dùng trong một thời hạn nhất định, khi hết thời hạn sẽ bị trừ toàn bộ tài khoản khuyến mãi dù còn tiền. Ông Sơn cho rằng điều này là cần thiết để kích thích nhu cầu từ phía người dùng.

Theo ông Sơn, hiện người dùng cứ chờ đợi thời gian khuyến mãi mới nạp tiền, cộng dồn tài khoản khuyến mãi khiến nhà mạng khó phát triển và sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh lành mạnh của thị trường viễn thông.

Thế nhưng, trên thực tế, từ tháng 1-2015 Viettel đã áp dụng chủ trương này mà khách hàng hầu như không biết. Một số khách hàng khi thấy bị trừ tiền đã gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel, thì được xác nhận nhà mạng này đã áp dụng chính sách giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại khi nạp thẻ.

Cụ thể, khi khách hàng nạp dưới 50.000 đồng có bảy ngày sử dụng, nạp từ 50.000 đồng đến dưới 100.000 đồng có 10 ngày sử dụng, từ 100.000 đồng đến dưới 200.000 đồng có 15 ngày sử dụng, và trên 200.000 đồng có 20 ngày sử dụng... Quá thời hạn sử dụng, số tiền trong tài khoản khuyến mãi dù còn nhiều hay ít cũng không được bảo lưu.

Trả lời Tuổi Trẻ, hàng loạt khách hàng của nhà mạng này đã lên tiếng phản đối vì cho rằng việc áp dụng chính sách này không minh bạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Anh Việt Cường (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Tôi không đồng tình với đề xuất trên. Nếu quy định tài khoản khuyến mãi có thời hạn sử dụng sẽ không khuyến khích tôi nạp thêm tiền, vì tôi biết mình sẽ không xài hết số tiền ấy. Thà tôi đăng ký gói 3G để sử dụng các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí còn thấy tiện lợi hơn”.

Anh Cường cho rằng với người có thu nhập không cao như công nhân, sinh viên, nông dân, tài khoản khuyến mãi rất quan trọng. Việc giới hạn thời gian sử dụng giống như người dùng bị cắt mất gói “cứu trợ”, qua đó khiến chi phí liên lạc trở nên đắt đỏ hơn.

Khách quan hơn, anh Hoàng Huỳnh (Nhà Bè, TP.HCM) đánh giá việc quyết định cơ chế khuyến mãi là quyền của nhà mạng, nhằm thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng cho các dịch vụ của họ.

Tuy nhiên, nhà mạng nên đứng ở vai trò của người dùng, đặc biệt với mảng dịch vụ mà họ đang cung cấp. “Giới hạn thời hạn sử dụng khuyến mãi giống như việc cưỡng ép tôi phải sử dụng dịch vụ. Khuyến mãi của nhà mạng không còn hấp dẫn tôi nữa, dù cho có giá trị lớn tới đâu” - anh Huỳnh cho biết.

Nhiều ý kiến còn cho rằng việc thay đổi chính sách này thực tế là việc thu lợi về mình của Viettel. Cụ thể, theo chị Quỳnh Trang (quận 3, TP.HCM), đáng ra nhà mạng phải tính toán kỹ lưỡng từ trước khi khuyến mãi, chứ đã lên chương trình khuyến mãi cho người dùng có lợi rồi giờ than lỗ, đòi sửa đổi. Nếu làm vậy thì chỉ có lợi cho nhà mạng mà thôi.

Viettel khẳng định đúng luật

Về vấn đề này, trả lời Tuổi Trẻ, lãnh đạo Tổng công ty Viễn thông Viettel - Viettel Telecom, cho biết có tới bốn lý do để Viettel đề xuất cơ quan quản lý ban hành quy định chung trong việc giới hạn thời gian sử dụng của tài khoản khuyến mãi, để các doanh nghiệp thực hiện nhất quán.

Thứ nhất, Viettel khẳng định tài khoản khuyến mãi không giới hạn thời gian sử dụng dẫn tới tồn tiền khuyến mãi lâu năm là không thực hiện đúng quy định về thời gian khuyến mãi theo khoản 4, điều 9 nghị định 37/2006/NĐ-CP và khoản 8, điều 8 thông tư 11/2010/TT-BTTTT (chỉ được khuyến mãi tối đa 90 ngày trong một năm).

Thứ hai, nhà mạng này cho rằng tài khoản khuyến mãi không giới hạn thời gian sử dụng dẫn đến tồn tiền khuyến mãi lâu năm, thực tế có khách hàng tồn tài khoản kéo dài ba năm, năm năm và nhóm khách hàng này cũng không có nhu cầu sử dụng, không quan tâm đến tài khoản khuyến mãi gây lãng phí.

Thứ ba, đối với Viettel, khi thực hiện giảm thời gian sử dụng tài khoản khuyến mãi, nhà mạng này đã tính toán để đáp ứng nhu cầu của đại đa số khách hàng.

Trên thực tế, khi áp dụng quy định này chỉ tác động đến 2% khách hàng, 98% khách hàng còn lại không bị ảnh hưởng, lãnh đạo Viettel Telecom khẳng định. Cuối cùng là việc giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mãi thì Viettel có điều kiện để tăng tần suất chương trình khuyến mãi, để những khách hàng có nhu cầu thật sự sẽ được khuyến mãi nhiều hơn.

Liên quan đến ý kiến của Viettel cho rằng khoản 4, điều 9 nghị định 37/2006/NĐ-CP và khoản 8, điều 8 thông tư 11/2010/TT-BTTTT quy định chỉ được khuyến mãi tối đa 90 ngày trong một năm là cơ sở để áp dụng chính sách này, một cán bộ trong lĩnh vực viễn thông cho rằng hiểu như vậy là không đúng.

Vị cán bộ này cho biết quy định tại nghị định và thông tư cho đến nay vẫn được các doanh nghiệp thực hiện, Bộ TT-TT kiểm tra xử lý được hiểu rằng thời gian khuyến mãi nạp thẻ chứ không phải thời gian khuyến mãi sử dụng. Như vậy, cách viện dẫn các quy định trên của Viettel là lập lờ, khiến khách hàng cảm thấy không minh bạch và không được đảm bảo quyền lợi của mình.

Vị chuyên gia này cũng tính toán nếu theo con số Viettel công bố là 2% khách hàng bị ảnh hưởng thì cũng có ít nhất 1,1 triệu khách hàng. Giả sử tất cả khách hàng này bị trừ mất 10.000 đồng/thuê bao thì tổng cộng số tiền bị mất đã là hơn 11 tỉ đồng.

Số tiền này thực chất lại rơi vào túi nhà mạng và đây cũng có thể là một nguyên nhân để thấy rằng vì sao nhà mạng Viettel muốn hạn chế thời gian sử dụng tài khoản khuyến mãi của khách hàng.

Còn nhiều điều không công bằng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhận định đề xuất nêu trên là không công bằng đối với người tiêu dùng, chỉ nhắm vào mục đích lợi nhuận của nhà mạng.

Điều 88 Luật thương mại quy định khuyến mãi là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.

Khi nhà mạng khuyến mãi, người dùng thuê bao trả trước thường tranh thủ nạp thẻ để được hưởng khoản tiền khuyến mãi. Đây là khoản lợi ích mà người dùng nhận được khi tham gia chương trình khuyến mãi của nhà mạng.

Chính vì thế, theo luật sư Hậu, việc đề xuất giới hạn thời hạn sử dụng tài khoản khuyến mãi, khi hết thời hạn này thì toàn bộ số tiền khuyến mãi sẽ bị trừ hết là không phù hợp, xâm phạm tới quyền lợi của người tiêu dùng, bởi tiền khuyến mãi là khoản lợi ích họ có được từ việc tham gia chương trình khuyến mãi của nhà mạng.

Tương tự, bà Vũ Bạch Nga, nguyên trưởng phòng bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, cũng đánh giá nhà mạng có quyền thay đổi chính sách khuyến mãi nhưng phải minh bạch, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Ví dụ như tài khoản của khách hàng trước khi thực hiện chính sách mới phải đảm bảo còn nguyên giá trị của chính sách khuyến mãi trước đó.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Viễn thông, Bộ TT-TT cho biết ghi nhận đề xuất của Viettel và sẽ xem xét trong quá trình soạn thảo thông tư quản lý hàng hóa viễn thông chuyên dùng. Trong khi đó, phía nhà mạng Vinaphone và MobiFone cho biết họ chưa có kế hoạch gì về việc hạn chế thời gian sử dụng tài khoản khuyến mãi của khách hàng.

 

MINH QUANG - ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên