11/06/2017 10:03 GMT+7

Vi phạm trên mạng: Cần phạt, nhưng tránh 'nhầm' người dám nói

THANH HÀ - HÀ CHÂU - M.HOA
THANH HÀ - HÀ CHÂU - M.HOA

TTO - Như thế nào là vi phạm trên mạng? Có nên xử phạt không? Xử phạt như thế nào? Phạt có vi phạm quyền công dân và tự do ngôn luận hay không?...

Dự thảo nghị định quy định sẽ xử phạt nặng về những vi phạm trên mạng xã hội
Người sử dụng mạng xã hội có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng nếu có hành vi xúc phạm tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội

Bộ Thông tin và truyền thông vừa công bố bản dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng để lấy ý kiến đóng góp lần cuối trước khi chính thức ban hành.

Trong đó, những quy định xử lý đối với hành vi vi phạm về thông tin mạng, sử dụng mạng xã hội được quy định rất cụ thể, chi tiết.

Tuổi Trẻ đăng sau đây các ý kiến khác nhau về vấn đề này và mong bạn đọc tiếp tục góp ý.

* Ông Vũ Mạnh Cường (phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng, Bộ Y tế): Chế tài đủ mạnh và phù hợp

Ông Vũ Mạnh Cường
Ông Vũ Mạnh Cường

Tôi ủng hộ việc cần áp dụng những quy định về quản lý, quy định chế tài, xử phạt đối với những hành động, phát ngôn đi ngược lại với những giá trị chung được áp dụng trong đời sống.

Những hành động như thóa mạ, xúc phạm cá nhân hay tổ chức, bịa đặt thông tin sai sự thật hay chia sẻ thông tin riêng tư nhằm mục đích xấu... cần phải được ngăn chặn và lên án.

Nếu cơ quan quản lý có những chế tài đủ mạnh và phù hợp, được thực thi nghiêm túc, công bằng thì chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt những thông tin không tích cực trên mạng, góp phần tạo ra cho chúng ta một không gian mạng lành mạnh hơn.

Rõ ràng là việc chia sẻ thông tin, bình luận... trên mạng xã hội cần phải có văn hóa. Tôi rất ủng hộ việc cộng đồng người sử dụng mạng xã hội chung tay xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để đời sống bớt đi phần nào những phiền muộn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến một thực tế là với sự làm việc còn kém hiệu quả của một số cơ quan chức năng, thì mạng xã hội đương nhiên trở thành kênh thông tin tới các cấp quản lý những bất cập của đời sống kinh tế - xã hội, những việc làm sai trái của một số cá nhân.

Trong trường hợp đó cần cân nhắc để không phạt nhầm những người dám nói lên suy nghĩ và chính kiến của mình.

* Một lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM: Phải có quy định thật cụ thể

Quy định về quản lý thông tin trên mạng xã hội hiện nay là cần thiết. Bởi trong môi trường mạng hiện nay, bất cứ ai và bất cứ khi nào cũng có thể trở thành nạn nhân của việc xâm phạm quyền riêng tư, xúc phạm danh dự nhân phẩm, vu khống, bị giả mạo... Ngay cả khi những thông tin đó đã được người đăng gỡ bỏ, hoặc nói lại cho rõ thì những dấu vết của nó vẫn còn được lưu lại, lan truyền trên mạng.

Các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này cũng đã có điều chỉnh trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên tôi cho rằng vẫn cần phải xây dựng lại các quy định dựa trên nền tảng đó, cụ thể, chi tiết hơn để khi có sự việc xảy ra có thể dễ dàng áp dụng được ngay để xử lý.

Gần đây có những sự việc như là nữ sinh bị hạ hạnh kiểm vì chê bệnh viện trên Facebook chẳng hạn... Sở dĩ có những việc xử lý như vậy là vì chúng ta chưa có một cái chuẩn, một quy định chung để áp dụng. Tôi biết có những cơ quan đưa ra nội quy cho nhân viên khi đưa thông tin lên Facebook, tôi cho rằng điều này cũng giúp cho nhân viên có trách nhiệm hơn khi sử dụng mạng xã hội, cân nhắc kỹ trước khi đưa thông tin lên mạng.

Tất nhiên, mạng xã hội là một môi trường rất rộng lớn, nếu có quy định về quản lý thông tin trên mạng xã hội thì quy định này cần phải làm chặt chẽ, đưa ra những khái niệm, định nghĩa cụ thể, chẳng hạn như khái niệm “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” hoặc “xâm phạm bí mật đời tư”... thì cần có quy định thật cụ thể để khi đưa vào áp dụng sẽ tạo được sự thống nhất, đồng thuận.

* Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM): Không cần thiết phải quy định thêm

Ông Nguyễn Kiều Hưng
Ông Nguyễn Kiều Hưng

Cần có giải pháp để điều chỉnh các hành vi trên mạng xã hội là cần thiết. Tuy nhiên sử dụng công cụ pháp luật, bằng chế tài tăng mức phạt tiền như dự thảo nghị định, theo tôi, là chưa phù hợp và khó khả thi.

Bởi đây không phải là lần đầu tiên Nhà nước nghĩ đến quản lý, kiểm soát hoạt động này. Trước đó, nghị định 174 năm 2013 có hiệu lực thi hành gần bốn năm vẫn dường như còn “đắp chiếu”, vì rất hiếm hoi các hành vi vi phạm trên mạng xã hội được phát hiện và bị xử phạt. Nếu có, phần lớn cũng bị phản ứng của dư luận, vì người dân hiểu rằng đó là quyền tự do ngôn luận và là cách để họ thực hiện quyền giám sát, phản ánh tiêu cực xã hội của công dân.

Tất nhiên, các hành vi thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự của cá nhân phải được xử lý. Tuy nhiên, với các quy định hiện hành, theo tôi, đã đủ sức răn đe và phòng ngừa. Biện pháp hành chính và hình sự đều đã có. Tăng mức phạt tiền như dự thảo là không có ý nghĩa lớn.

Nhà nước cần nhìn thấy, như các nước phát triển, quản lý kiểm soát thông tin trên mạng xã hội là không thể. Nên đã đến lúc phải nghĩ đến quản lý, định hướng nó bằng giải pháp khác mà không duy nhất là pháp luật. Đó có thể là các quy định về minh bạch thông tin, quyền biểu đạt và các chuẩn mực ứng xử đạo đức xã hội.

* Luật gia Nguyễn Tấn Thi (TP.HCM): Vượt quá phạm vi điều chỉnh

Ông Nguyễn Tấn Thi
Ông Nguyễn Tấn Thi

Trong các hành vi nêu ra ở dự thảo nghị định có các hành vi xâm phạm đến quyền về nhân thân của cá nhân được bảo vệ bởi Bộ luật dân sự. Những hành vi xâm phạm các quyền ấy có thể sẽ bị xử phạt hành chính, mức độ nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự.

Hiện nay hành vi nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đã có quy định xử phạt tại khoản 1, điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 với mức xử phạt là 100.000 - 300.000 đồng. Những hành vi xúc phạm, cung cấp thông tin không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác, hoặc tội vu khống.

Nay Bộ Thông tin và truyền thông dự định xử phạt đối với hành vi này là chồng lấn với những quy định pháp luật hiện hành. Mặt khác, những hành vi này thuộc lĩnh vực về an ninh trật tự chứ không thuộc lĩnh vực truyền thông.

Mạng xã hội là một phương tiện giao tiếp, phương tiện truyền thông. Những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, nói xấu người khác thông qua mạng xã hội sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Mạng xã hội chỉ có ý nghĩa là công cụ, phương tiện để người vi phạm thực hiện hành vi. Do vậy không thể truy cứu trách nhiệm người khác một cách riêng rẽ với tính chất là sử dụng phương tiện, công cụ để vi phạm.

Việc quy định xử phạt đối với hành vi xử dụng mạng xã hội để gây thiệt hại cho người khác là chồng lắp và vượt quá phạm vi, lĩnh vực truyền thông.

Cá nhân sử dụng mạng xã hội có thể sẽ bị phạt:

- Từ 2 - 5 triệu đồng nếu có hành vi cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân.

- Từ 5 - 10 triệu đồng nếu cá nhân bị cho là có “hành vi lợi dụng mạng xã hội” để thực hiện việc cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

- Từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng mạng xã hội.

- Từ 20 - 30 triệu đồng nếu có hành vi: tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan, trừ trường hợp pháp luật quy định; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém giết, tai nạn rùng rợn trong các tin bài, phim, ảnh; cung cấp thông tin mê tín dị đoan, không hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam... Nếu người đăng tải không gỡ bỏ ngay nội dung thông tin đã tổng hợp khi nguồn thông tin được trích dẫn đã gỡ bỏ nội dung thông tin đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ bị xử phạt với mức tiền nêu trên.

- Từ 30 - 50 triệu đồng nếu có các hành vi: cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân, giả mạo trang thông tin điện tử của các cá nhân, tổ chức khác...

- Từ 30 - 50 triệu đồng nếu có hành vi lưu trữ, đưa nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân...

- Từ 30 - 50 triệu đồng khi truy nhập mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác.

T.HÀ

Mời bạn đọc tiếp tục góp ý kiến về dự thảo nghị định. Mọi ý kiến gửi về địa chỉ email nguyentran@tuoitre.com.vn. Xin cảm ơn.

THANH HÀ - HÀ CHÂU - M.HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên