Trao đổi với Tuổi trẻ về vấn đề này, ông Đoàn Quang Hoan, cục trưởng cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: Khi chuyển sang truyền hình số mặt đất, TV vẫn có thể cần dùng anten như truyền hình tương tự mặt đất analog trước đây, chứ không có nghĩa là dùng tín hiệu số sẽ không cần anten.
Việc có cần sử dụng anten hay không, sử dụng anten như thế nào phụ thuộc vào cường độ tín hiệu của từng điểm. Ở điểm có cường độ phát sóng tín hiệu mạnh thì có thể chỉ cần anten trong nhà. Ở nơi có cường độ phát sóng tín hiệu yếu thì cần phải lắp anten ngoài trời. Ở những khu vực bị che khuất, thậm chí phải dùng anten ngoài trời đặt ở những vị trí rất cao mới bắt được tín hiệu truyền hình số.
Ông Hoan cũng lưu ý điều kiện thu sóng của truyền hình số sẽ khó hơn sóng analog. Nếu như sóng analog có yếu hay chập chờn, TV vẫn bắt được tín hiệu và vẫn xem được tuy chất lượng không tốt. Nhưng đối với tín hiệu số, nếu tín hiệu yếu, không bắt được là sẽ hoàn toàn không xem được.
“Cường độ tín hiệu và vùng phủ sóng của truyền hình số cũng tương tự như truyền hình tương tự mặt đất trước đây. Khu vực nào đã có tín hiệu truyền hình tương tự mắt đất yếu thì nhiều khả năng tín hiệu truyền hình số cũng kém”- Ông Hoan giải thích- “Tuy vùng phủ sóng truyền hình số đã rộng hơn phủ sóng tương tự mặt đất, nhưng vẫn có những khu vực sóng yếu, khu vực bị che khuất, tín hiệu kém, ảnh hưởng đến chất lượng thu chưa khắc phục được”.
Ông Hoan cho biết: “Đề án số hóa truyền hình và Sở TT&TT các địa phương đang tiếp nhận các thông tin phản hồi của người dân về những vấn đề kỹ thuật nảy sinh sau khi chuyển đổi. Sau khi triển khai một thời gian, chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình số khảo sát nhu cầu và tập hợp đề xuất của người dân để xử lý các vấn đề kỹ thuật này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận