20/11/2015 11:56 GMT+7

Lên Facebook chê bai thể hiện sự bất lực của chính mình?

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Vì không còn cách nào cho hả giận nên đành lên Facebook nói cho bàn dân thiên hạ biết cái xấu của người khác. Và như thế là một cách thể hiện sự… bất lực của chính mình!

Những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội có nhiều tranh luận trái chiều với tin “chê chủ tịch UBND tỉnh trên Facebook, bị phạt tiền và kỷ luật” - Ảnh: T.Tr.

Trên đây là một trong những nội dung mà bạn đọc Khánh Hưng gởi đến Tuổi Trẻ Online khi tham gia diễn đànPhạt cán bộ chê chủ tịch tỉnh, có quá nghiêm khắc?

Những ngày qua, câu chuyện một giáo viên ở An Giang bị phạt tiền và kỷ luật vì lên Facebook chê chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc.

Để góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này của bạn đọc Khánh Hưng: 

"Một lần nữa câu chuyện lên Facebook chê lại được nhắc đến với sự việc một cô giáo chê chủ tịch tỉnh ở An Giang. Câu chuyện này gợi lại chuyện cũ ở TP.HCM trước đó một phụ huynh cũng lên Facebook chê đồng phục nhà trường con mình mặc xấu.

Tôi theo dõi và thấy chuyện đi theo một chiều dư luận “ai cũng cho rằng việc bày tỏ quan điểm là chuyện bình thường và ủng hộ, nhưng tôi tự hỏi việc những người lớn bày tỏ sự ấm ức của mình trên Facebook có thực sự cần thiết không?

Tôi thấy rằng chê người khác mà phơi bày nơi Facebook để mọi người thấy thì chẳng khác gì việc đi nói xấu người khác (mặc dù có thể người bị chê xấu thật), mà việc nói xấu người khác là việc… xấu chứ chẳng phải việc tốt mà khuyến khích.

"Trên mạng xã hội Facebook, tôi thấy nhiều người lớn biến thành nơi bày tỏ quan điểm cá nhân. Điều đó cũng tốt thôi nhưng hãy làm sao để đừng để những người trẻ lớp sau bắt chước một cách… bất lực như thế".
KHÁNH HƯNG

Nhiều người lớn trách con em mình lên Facebook nói thế này thế kia nhưng khi nhìn lại chính họ cũng không kiềm chế nổi cảm xúc của mình và biến Facebook thành công cụ trút giận. Tất nhiên chuyện thấy đẹp thì khen, xấu thì chê thì ai cũng có quyền nhưng không vì thế mà lại ủng hộ việc chuyện gì cũng đưa lên Facebook.

Người ta bảo “con dại cái mang”, nhưng những người lớn tuổi ở đây vẫn... dại để rồi tự mang họa vào mình.

Bức xúc thì nhiều, tôi nghĩ không chỉ mỗi cô giáo hay người phụ huynh kia mới ấm ức mà rất nhiều người cùng chung tâm trạng. Nhưng liệu một dòng status trên Facebook cho hả giận có thay đổi được vấn đề? Và họ có liệu trước được hậu quả mình mang lại hay không.

Như câu chuyện một phụ huynh lên tiếng chê đồng phục con xấu thì hậu quả lại đổ lên đầu đứa con, “cuộc chiến” của những người lớn nhưng cái kết chẳng lấy làm vui lại để lại bài học cho những đứa trẻ.

Những người lớn sao không làm gương cho con trẻ? Trên thực tế mạng xã hội Facebook tôi thấy nhiều người lớn biến thành nơi bày tỏ quan điểm cá nhân. Điều đó cũng tốt thôi nhưng hãy làm sao đừng để những người trẻ lớp sau bắt chước một cách… bất lực như thế.

Trên Facebook tôi có một người thầy giáo thường nêu lên những quan điểm về tất cả các vấn đề xã hội rất hay, những góc nhìn mới, những status “động chạm”. Nhưng có một điều tuyệt vời mà ông làm được đó là … chặn tất cả Facebook của học sinh lại. Thầy nói “đây là chuyện riêng của thầy, quan điểm của thầy các em chưa thể hiểu hết, tốt nhất không được đọc”.

Tôi thấy đó là cách hành xử đúng đắn của một người lớn trên Facebook.

Bởi Facebook là một thế giới phẳng, nơi mà bạn cùng con của bạn ngang hàng… bạn bè, mỗi điều bạn viết lên thì con, cháu, học trò… bạn cũng đang đọc và đa số chưa hiểu hết chuyện đều bắt chước theo (thầy cô, cha mẹ… mà nói thế thì là đúng rồi, mình sẽ học theo - bọn trẻ sẽ suy nghĩ như thế đấy).

Vừa rồi nhiều người lên tiếng về việc một người “trẻ trâu” nào đó lập Facebook giả danh IS, điều đó thì ai cũng nhìn thấy mặt tai hại rồi, và ai cũng tỏ ra “quan ngại sâu sắc” về lũ trẻ không biết nghĩ này. Nhưng nhìn lại, xét kỹ thì vẫn thấy nhiều người lớn cũng suy nghĩ “chưa tới”.

Vì không còn cách nào khác cho hả giận nên đành lên Facebook nói cho bàn dân thiên hạ biết, và như thế là một cách thể hiện sự… bất lực của mình".

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Đã từng có tài khoản Facebook, bạn có đồng ý với bạn đọc KHÁNH HƯNG? Theo bạn, cần phải làm gì để giảm những hệ lụy mà mạng xã hội mang lại? Thân mời bạn hãy chia sẻ ý kiến, hình ảnh, clip với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến email: tto@tuoitre.com.vn. 
KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên