Ngay lập tức tôi gọi lên tổng đài đề nghị khóa hai chiều số điện thoại của mình, nhưng tổng đài trả lời chỉ có thể khóa một chiều gọi đi, còn muốn khóa chiều gọi đến thì phải mang chứng minh nhân dân ra điểm dịch vụ của MobiFone mới khóa được.
Lo kẻ gian có thể vào mail, Facebook và một số dịch vụ khác trên điện thoại để khai thác thông tin và lừa đảo người trong danh bạ, tôi vội vã thay đổi mật khẩu của các dịch vụ này rồi mới chạy đến điểm dịch vụ của MobiFone. Nhưng vừa ra đến nơi thì đúng 19g, bảo vệ đang đóng cửa nên tôi đành quay về.
Cả một buổi tối tôi sống trong lo lắng, mong mau sáng để đi làm lại sim. Bởi ai cũng biết điện thoại di động giờ chẳng phải chỉ để nghe và gọi. Các dịch vụ mail, Facebook, Google... đều đã thêm cho người dùng tính năng bảo mật bằng điện thoại, nhận mã xác thực thay đổi hoặc mật khẩu mới qua tin nhắn điện thoại.
Nên nếu trong tay hacker có một thiết bị vừa có thể truy cập vào hộp thư đến vừa nhận được tin nhắn sms như chiếc điện thoại thông minh thì không còn gì để nói.
Tôi có một người bạn cũng từng bị mất điện thoại và chủ quan cho rằng mình sử dụng bảo mật nhiều lớp thì hacker sẽ không làm gì được hộp mail.
Anh ấy báo khóa chiều đi, để vài tiếng mới đi làm lại sim thì trong thời gian ấy kẻ gian đã kịp vào mail, Facebook tìm ra được thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng điện tử của anh...
Có lẽ tôi may mắn hơn bạn mình vì đã kịp đổi mật khẩu thư điện tử, Google, Facebook. Nhưng sáng hôm sau, ra trung tâm dịch vụ MobiFone để làm lại sim, gắn sim vào máy, tôi nhận được ba tin nhắn từ tổng đài 9029 thông báo đã thanh toán thành công giao dịch cho dịch vụ chơi game với số tiền 100.000 đồng.
Vậy là tôi đã gặp kẻ gian mê game online nên bị hắn chôm mất 300.000 đồng tiền nạp game, nhưng cũng may, nếu hắn kịp mò ra sms banking, Ebanking thì thiệt hại có lẽ còn hơn thế.
Tôi gọi lên tổng đài của nhà cung cấp game để hỏi về trường hợp bị ăn cắp này được giải quyết thế nào, nhà cung cấp trả lời rằng đây là game đánh bài và giao dịch đã thành công thì tiền được nạp vào game, không trả lại.
Tiếp theo đó, tôi gọi cho tổng đài MobiFone để hỏi về dịch vụ nào của MobiFone có thể cho phép chuyển tiền vào game và có thể thu hồi lại số tiền đã bị đánh cắp hay không, anh tổng đài viên trả lời rằng một dịch vụ nào đó có thể nhắn tin để chuyển tiền từ tài khoản điện thoại sang dịch vụ này mà anh ta cũng không biết, cũng không thể kiểm tra được thời gian diễn ra các giao dịch cũng như nội dung giao dịch, nhưng “chắc chắn là chị sẽ phải thanh toán khoản tiền này”!?
Dịch vụ thông tin di động đã có mặt tại Việt Nam gần 20 năm. Nhà cung cấp dịch vụ cho rằng khi mất điện thoại, người dùng chỉ đối mặt với nguy cơ bị kẻ gian dùng sim gọi hết tiền, nên đưa ra chính sách khóa chiều gọi đi khi báo mất máy.
Nhưng đến nay, chiếc điện thoại và ứng dụng trên đó, các dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm của nhà mạng đã tiến rất xa so với thời điểm nó ra đời, tại sao nhà mạng không thay đổi chính sách hỗ trợ khách hàng để theo kịp dịch vụ của mình?
Tôi không tin nhà mạng không biết hiện có bao nhiêu dịch vụ phát triển trên nền tảng điện thoại di động như ngân hàng trực tuyến, sms banking, ví điện tử hay chỉ đơn giản là dùng tin nhắn để đăng nhập thư điện tử, mạng xã hội...
Với thẻ tín dụng, khi khách hàng thông báo “không dùng thẻ thanh toán giao dịch này”, đơn vị cung cấp thẻ sẽ xác minh và hoàn lại cho khách hàng khoản tiền giao dịch với thẻ bị ăn cắp. Còn với dịch vụ thông tin di động, khi đã chấp nhận sử dụng, khách hàng phải chấp nhận hết mọi rủi ro có thể xảy ra?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận