02/01/2016 09:10 GMT+7

Đi chung xe thời công nghệ

TRẦN HUỲNH (tranhuynh@tuoitre.com.vn)
TRẦN HUỲNH (tranhuynh@tuoitre.com.vn)

TT - “Tìm bạn chung đường”, hay còn gọi là PinBike, là ứng dụng di động miễn phí giúp mọi người chia sẻ hoặc yêu cầu một chuyến đi chung xe với nhau.

Huỳnh Phương Duy, Lê Văn Tài và Nguyễn Thành Ân (từ phải sang) giới thiệu ứng dụng PinBike - Ảnh: T.Huỳnh
Huỳnh Phương Duy, Lê Văn Tài và Nguyễn Thành Ân (từ phải sang) giới thiệu ứng dụng PinBike - Ảnh: T.Huỳnh

Ứng dụng do Huỳnh Phương Duy, Lê Văn Tài (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) và Nguyễn Thành Ân (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM) thiết kế.

Trước đó, đề tài khóa luận tốt nghiệp “Xây dựng hệ thống thu thập và xử lý thông tin giao thông công cộng bằng phương pháp crowdsourcing trên nền tảng di động” của Duy và Tài được chấm 10 điểm, xếp loại xuất sắc.

Vẫn với mong ước cải thiện tình hình giao thông ở Việt Nam như mục tiêu ban đầu, Duy, Tài và Ân tiếp tục tìm kiếm những giải pháp mới và có thêm những người bạn đồng hành mới với cùng chung khát vọng.

Nhận thấy tình trạng giao thông ở các thành phố lớn tắc nghẽn, không khí ô nhiễm chủ yếu do lượng xe cá nhân, đặc biệt là xe máy quá nhiều, trong khi cơ sở hạ tầng không theo kịp, cả nhóm nghĩ đến giải pháp “đi chung xe” và từ đó PinBike ra đời.

Dự định của nhóm trong tương lai sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện một cộng đồng đi chung xe để làm sao số lượng xe máy trên đường có thể giảm một nửa, vừa tiết kiệm, bảo vệ môi trường và mở rộng thêm niềm vui trên đường.

Khi mọi người cùng chung tay chia sẻ, lượng xe máy sẽ giảm đáng kể, bầu không khí trong lành hơn, quan trọng nhất là niềm tin và sự kết nối giữa mọi người sẽ tăng lên...

LÊ VĂN TÀI

Chở nhau thay vì mỗi người một xe

PinBike dành cho người dùng đi “quá giang” nhau thay vì mỗi người một chiếc xe.

Để đảm bảo tính thực tế cho ý tưởng, nhóm đã tiến hành khảo sát phỏng vấn và trò chuyện trực tiếp hơn 100 người để hiểu về suy nghĩ cũng như những nhu cầu tiềm ẩn về vấn đề đi chung xe máy nhằm tiết kiệm.

Sau khi tìm hiểu về khó khăn cũng như mong muốn của người dùng, đối tượng tiềm năng đầu tiên được nhóm hướng đến nhằm mang lại lợi ích trên đường đi hằng ngày là sinh viên và nhân viên văn phòng hằng ngày đi học, đi làm trên những tuyến đường cố định.

Để thực hiện được PinBike, ba chàng trai đam mê công nghệ phải nhiều đêm thức trắng tìm lời giải hai vấn đề hóc búa từ những vướng mắc của người dùng: làm sao người dùng có thể tin tưởng lẫn nhau khi sử dụng ứng dụng (app) và làm sao ghép những tuyến đường trùng nhau một cách hiệu quả nhất.

Để giải quyết vấn đề thứ nhất, đồng thời với quá trình xây dựng app, nhóm đã tiếp tục lắng nghe gần cả trăm người dùng để tìm hiểu suy nghĩ của họ. Nhóm phát hiện những nghi kỵ sẽ được dẹp bỏ nếu người dùng có thể nói chuyện với nhau qua app, thế là tính năng “chat” trong app ra đời và được nhiều người dùng hưởng ứng ngay khi xuất hiện.

Để giải quyết vấn đề thứ hai, nhóm phải xây dựng thuật toán ghép tuyến tối ưu. Sau hơn hai tháng làm việc liên tục không có ngày nghỉ, vấn đề này cũng đã giải quyết xong.

“Để đảm bảo cho người dùng có được những trải nghiệm tốt nhất và chính xác nhất, hiện tại nhóm vẫn luôn tìm tòi nhằm cải thiện tốt hơn khả năng tìm đường, ghép tuyến trên app” - Duy cho biết.

Mong giảm lượng xe máy trên đường

Được xây dựng trên nền tảng Android và iOS, vừa có mặt trên Google Play và App Store, PinBike đã nhanh chóng thu hút gần 1.000 lượt download (tải về) bởi những tính năng tiện ích giúp người dùng chia sẻ chuyến đi với nhau để giảm lượng xe lưu thông trên đường.

App dành cho người có xe máy chở người cần quá giang. Cho phép người dùng đăng chuyến đi hằng ngày của mình lên app trước, người có xe sẽ đăng với tư cách tài xế, người quá giang sẽ đăng với tư cách hành khách. Những người khác có thể vô app gửi yêu cầu đi chung với những người đã đăng chuyến.

“App này khác GrabBike và Uber ở chỗ không phải dùng tài xế chuyên nghiệp ngồi chờ sẵn có ai đi thì đón khách. Mà đơn giản là người bình thường chở nhau đi, có thể trả tiền rất ít (khống chế 2.000 đồng/km) hoặc miễn phí.

Người đăng thông tin có thể chọn người đi chung với mình. Nếu hai người đồng ý đi với nhau thì số điện thoại sẽ hiển thị để liên lạc. Sau đó hai bên có thể hẹn giờ, điểm đón thông qua chức năng chat của ứng dụng.

Với những đánh giá và hệ thống xác minh tại chỗ, bạn sẽ có đủ thông tin để quyết định xem có nên tin tưởng người đi cùng bạn” - Ân chia sẻ.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là nơi đầu tiên PinBike ra mắt cùng sinh viên. Ngay lập tức ý tưởng chia sẻ chuyến đi của PinBike được sinh viên hào hứng đón nhận. Sau đó, nhóm tiếp tục đến Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM... để giới thiệu ứng dụng và nhóm đã thu được rất nhiều thông tin giá trị để hoàn thiện hơn sản phẩm từ nhóm người dùng đầu tiên.

* Trần Bảo Nguyệt Quỳnh (sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM):

Thân thiện hơn

Nghe tới PinBike nhiều trên Facebook mấy bữa nay nhưng vốn là người không thích chung chạ, lệ thuộc ai nên tôi không thấy được sự hấp dẫn.

Tuy nhiên, sau khi tải về dùng thử tôi thấy ứng dụng chủ yếu hướng đến giới sinh viên nên người dùng cũng có chọn lọc và cũng an tâm khi đi cùng hơn đi xe ôm.

Ngoài ra, vì bạn tài xế chở mình không hẳn là người quen nhưng cũng không hẳn xa lạ như các bác xe ôm nên thành ra có cả một bầu trời để tán dóc dọc đường đi.

Phí của PinBike chắc chỉ mắc hơn mỗi xe buýt và “ăn đứt” xe ôm mà dịch vụ thì thân thiện, tận tình như người nhà, tại sao không thử? Hành trình len lỏi giữa phố xá nóng nực, đông đúc của Sài Gòn sẽ tự dưng ngắn hơn mà vui hơn nhiều lắm.

Hi vọng PinBike sẽ ngày càng phát triển để không chỉ giải quyết muôn nẻo giao thông phiền muộn mà còn là một nhịp cầu mới cho những tình bạn.

* TS Lê Mai Tùng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Đánh giá cao dự án

Tôi đánh giá cao dự án PinBike ở những điểm sau: Về hàm lượng chất xám, độ khó về mặt kỹ thuật rất cao, đặc biệt là thuật toán ghép chung những đường có thể đi chung với nhau.

Việc thuật toán xử lý cho ra kết quả chính xác trong thời gian siêu ngắn (dưới 1 giây) là một thành tích đáng ghi nhận.

Tính xã hội cao vì rất nhiều người đi chung con đường hằng ngày, nhưng họ không có cách nào kết nối với những người đi chung để giảm thiểu kẹt xe, giảm thiểu khí thải ra môi trường. Dự án này cho phép hiện thực hóa mục tiêu đó.

Việc các bạn theo đuổi đến cùng mục tiêu cải thiện tình hình giao thông Việt Nam từ thời sinh viên của mình đến giờ là một điều rất đáng quý. Hiếm thấy sinh viên nào có mức độ kiên trì cao đến vậy.

TRẦN HUỲNH (tranhuynh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên