Trẻ em ngày nay được tiếp cận thiết bị công nghệ cao từ sớm - Ảnh: Reuters |
Khi một đứa trẻ 3 hay 4 tuổi lớn lên với một chiếc điện thoại hay một thiết bị điện tử thông minh, nó tạo cho trẻ cảm giác an toàn. Do đó nếu tách đứa trẻ khỏi thiết bị, nó sẽ lập tức cảm thấy bất an |
Tiến sĩ LIM BOON LENG |
Theo báo New Paper, một nghiên cứu năm 2015 của Tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media của Mỹ cho biết nhóm trẻ độ tuổi 13 - 18 đang mất trung bình 9 giờ/ngày cho các hoạt động giải trí như xem truyền hình, chơi game, tham gia mạng xã hội... Ở nhóm tuổi 6 - 12, các em mất 6 giờ/ngày. Một thăm dò của Pew (Mỹ) khảo sát 1.060 thiếu niên cho thấy 1/4 số đó nói các em “gần như liên tục” online.
Gần đây, chuyên gia tâm lý học trẻ em người Nga, bà Yekaterina Murashova, nhận định trẻ em ngày nay “không có khả năng tìm ra cách thức khiến chúng bận rộn và hoàn toàn không hiểu gì về ý tưởng thế giới trong hình dung của chúng”.
Để kiểm nghiệm, bà để cho 68 thiếu niên độ tuổi 12 - 18 trải qua 8 giờ không xài đồ công nghệ quen thuộc.
Kết quả là chỉ có ba trẻ trong đó, hai trai và một gái, có thể hoàn thành thí nghiệm. Đáng sợ là có 3 em nói có ý nghĩ muốn tự tử, 5 em bị những cơn đau đớn dữ dội, 27 em gặp các triệu chứng như đau bụng, bốc hỏa, vã mồ hôi và buồn nôn. Gần như tất cả đều trải qua cảm giác sợ hãi và lo lắng.
Báo New Paper ngày 21-2 cũng làm một thử nghiệm tương tự khi mời năm bạn trẻ Singapore độ tuổi 9 - 19 tham gia “8 giờ không Internet và các thiết bị như tivi hay máy chơi game”.
Được nửa thời gian, tất cả các em đều không còn việc gì làm và chỉ ngong ngóng được nhìn vào các thiết bị điện tử. Một vài em còn tưởng tượng như có thể cảm nhận điện thoại của mình đang rung (dù không cầm điện thoại).
Tiến sĩ Carol Balhetchet, chuyên gia tâm lý học lâm sàng và là giám đốc cao cấp phụ trách mảng thanh niên tại Hội trẻ em Singapore, giải thích: “Trẻ em thích những màu sắc sống động và tính tương tác của công nghệ, ở đó mọi thứ đều hấp dẫn và chuyển động rất nhanh. Chúng được sinh ra trong kỷ nguyên mới. Đây là thế giới của chúng và chúng thấy bình thường khi xung quanh mình là thiết bị điện tử, công nghệ, cũng giống như việc thức dậy và ăn bánh mì mỗi sáng”.
Tiến sĩ Lim Boon Leng, nhà tâm lý học, cũng cho rằng việc sinh ra trong thời đại kỹ thuật số là nguyên nhân lớn khiến trẻ em ngày nay lệ thuộc vào các thiết bị số, biến vật dụng đó thành “bạn không rời”.
Ông cho biết: “Trong thời đại ngày nay, cách giao tiếp chính là thông qua các thiết bị công nghệ. Những đứa trẻ này lớn lên trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại nên chúng không biết bất cứ lựa chọn nào khác. Với người lớn, chúng ta vẫn có thể giao tiếp qua thư hay gặp gỡ, nhưng bọn trẻ thì đã quen dùng Whatsapp và mạng xã hội”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận