29/10/2014 09:30 GMT+7

​Cần truy trách nhiệm nơi lưu trữ thông tin

QUANG KIỆT
QUANG KIỆT

TT - Nhiều ý kiến phản hồi bài “Rao bán thông tin cá nhân” (Tuổi Trẻ ngày 27-10) đã bày tỏ sự bực bội khi bị lộ thông tin cá nhân và họ cho rằng phải truy trách nhiệm của những nơi lưu trữ thông tin về họ.

Một đối tượng giới thiệu “bộ sưu tập” danh sách gồm 3.200 cá nhân khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Danh sách này được ra giá 700.000 đồng - Ảnh: Hoàng Lộc
Một đối tượng giới thiệu “bộ sưu tập” danh sách gồm 3.200 cá nhân khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Danh sách này được ra giá 700.000 đồng - Ảnh: Hoàng Lộc

Tôi thấy bị “khủng bố”

Thời gian con gái tôi còn học lớp 12, nhất là lúc cháu chờ kết quả thi tuyển sinh đại học 2014-2015, hầu như tuần nào điện thoại di động của tôi và cháu cũng phải nhận “những cuộc gọi không muốn nghe”, chủ yếu là chào mời nộp hồ sơ xét tuyển vào một số trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.

Lúc con tôi chờ kết quả thi đại học, mật độ những cuộc “giội bom” dạng này ngày càng dày hơn. Không chỉ vậy, cháu còn nhận được rất nhiều thư ngỏ của các trường gửi đến tận nhà, nội dung không gì khác hơn là mời nhập học.

Tôi không phủ nhận vai trò của việc tự giới thiệu trong lĩnh vực đào tạo. Tuy nhiên, do bị “bội thực” với chuyện này nên tôi có cảm giác như gia đình mình bị “khủng bố”.

Điều khiến tôi thắc mắc là không biết họ lấy được thông tin cá nhân của chúng tôi từ đâu. Mỗi lần gọi điện, họ đọc chính xác họ tên đầy đủ của con tôi, còn gửi thư thì đương nhiên ghi rõ địa chỉ nhà tôi.

Tự rà soát lại, tôi thấy nhiều khả năng bắt đầu từ sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường khi con tôi học phổ thông và hồ sơ dự thi đại học của con tôi nộp cho trường, vì trong đó có đầy đủ thông tin của con tôi và cha mẹ.

Tôi cũng đặt giả thiết thông tin cá nhân bị lộ ra ngoài là do tôi vay tiền ngân hàng hay đăng ký dịch vụ Internet, truyền hình cáp...

Song các nguồn này đã nhanh chóng bị loại trừ vì trong những hồ sơ này chỉ thể hiện họ tên, địa chỉ, số điện thoại của vợ chồng tôi chứ không có thông tin của con tôi.

Tôi mong các ngành chức năng có biện pháp kiên quyết hơn. Truy tìm nguồn gốc việc mua bán thông tin cá nhân là chuyện trước mắt, còn lâu dài phải có quy định về chế độ bảo mật thông tin. Cần tránh việc để những điều riêng tư của người dân trở thành món hàng kinh doanh giúp kẻ xấu trục lợi.

HỮU CHƠN

Khách hàng không được tôn trọng

Sống ở New Zealand suốt gần ba năm, mỗi năm tôi chỉ nhận được vài tin nhắn thông báo từ Vodafone NZ - nhà mạng tôi đăng ký sử dụng, một cuộc gọi để hỏi về chất lượng dịch vụ mà công ty cung cấp, cùng một cuộc gọi từ ngân hàng tôi mở tài khoản để đánh giá chất lượng.

Vậy mà về nước chưa bao lâu, điện thoại của tôi tràn ngập tin nhắn quảng cáo và các cuộc gọi “chào mời” mua bảo hiểm, mua nhà, mua đất, vay tiền, mở thẻ tín dụng...

Ngày nào ít thì một cuộc gọi, cao điểm có ngày năm cuộc điện thoại cùng vài chục tin nhắn chạy vào máy liên tục. Cứ bắt máy là tôi phải lặp đi lặp lại “điệp khúc”: “Anh không có nhu cầu”/”Mình không cần”...

Không thể xem bộ phận bán hàng của các doanh nghiệp này bấm số ngẫu nhiên, bởi bao giờ họ cũng nói đúng họ tên người bắt máy, chứng tỏ thông tin khách hàng đã bị rò rỉ và bán đến doanh nghiệp có nhu cầu.

Bực bội, tôi đã không ít lần yêu cầu phải xóa số của tôi ra khỏi dữ liệu, và lần nào cũng nhận được câu hứa hẹn đại loại như: “Dạ, bên em sẽ lưu ý!”, nhưng kết quả thì hẳn ai cũng rõ, mọi thứ đâu lại hoàn đấy.

Tôi cũng không rõ những nơi gọi đến có thông tin cá nhân của tôi từ đâu, nếu từ nguồn nhà mạng thì rõ ràng công tác bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng đã không hề được xem trọng, cho dù ai cũng biết đây là điều cần thiết.

Các chủ thuê bao có quyền được biết giải pháp của nhà mạng trong việc để xảy ra tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân của khách hàng, đồng thời cũng có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra cho câu hỏi lớn hơn, là vì sao tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay nhưng vẫn không ai bị xử lý?

Nếu nhà mạng cố tình làm lộ thông tin khách hàng, họ phải đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn vì đã vi phạm hợp đồng. Nếu các ngân hàng, doanh nghiệp có được thông tin các thuê bao di động từ một bên thứ ba, phải điều tra bên thứ ba này và xử lý nghiêm minh hành vi buôn bán thông tin cá nhân của người khác.

Đề nghị công an vào cuộc

Ngoài việc bị “giội bom” tin nhắn và cuộc gọi chào mời dịch vụ, bán hàng, nhiều bạn đọc bị lộ thông tin cá nhân còn than phiền họ bị đe dọa hoặc chào mời cả những việc phạm luật, như lời bạn đọc Liên Anh: “Email của tôi còn nhận được cả lời mời mua hóa đơn VAT...”.

Bạn đọc Võ Tài bức xúc: “Tin nhắn rác đổ về mỗi lúc mỗi nhiều, gọi nhờ tổng đài nhà mạng hỗ trợ thì tổng đài chẳng giúp được gì. Mà tôi nghĩ họ cũng chẳng muốn giúp vì họ có lợi trong chuyện này. Vậy thì ai sẽ bảo vệ quyền lợi của chúng tôi?”.

Bạn đọc D.K. Mai cho rằng: “Việc mua bán thông tin cá nhân phải được coi là tội hình sự và phải truy tố trước pháp luật để răn đe cảnh cáo. Các nơi lưu trữ thông tin riêng tư của khách hàng phải có điều khoản bảo mật riêng tư, nếu vi phạm họ cũng phải bị truy tố”.

Cùng quan điểm này, bạn đọc Kiều Tuấn phân tích: “Ai đang lưu giữ thông tin cá nhân của người khác phải hoàn toàn chịu trách nhiệm liên quan đến hành vi buôn bán ấy. Thông tin cá nhân của nhiều người đang được lưu giữ tại ngân hàng, nhà mạng, bưu điện, cấp nước, điện lực, trường học, siêu thị, trung tâm điện máy...

Tuy nhiên, bản gốc tất cả thông tin này do cá nhân tự ghi và trong đó không có dòng nào quy định đơn vị giữ thông tin đó cam kết bảo mật thông tin khách hàng. Điều này đã tạo sơ hở cho người nắm giữ thông tin toàn quyền bán thông tin. Đề nghị công an vào cuộc, điều tra và khởi tố... mới hi vọng ngăn chặn được mối nguy hiểm luôn rình rập mọi người”.

N.N. tổng hợp

QUANG KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên