20/12/2013 21:02 GMT+7

Nhìn lại văn học Việt Nam - Nhật Bản theo toàn cầu hóa

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Những vấn đề văn học Việt Nam và Nhật Bản vừa được bàn thảo với nhiều hướng tiếp cận tại hội thảo quốc tế “Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thế kỷ 21” khai mạc sáng 20-12 tại đại học KHXH&NV TP.HCM.

6HYHO3bH.jpgPhóng to
Tác phẩm Totto-Chan - cô bé bên cửa sổ được đề cập trong hội thảo. Ảnh tư liệu

Hội thảo thuộc hoạt động trong chuỗi sự kiện của năm hữu nghị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, quy tụ các giáo sư, chuyên gia văn học của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc, Nepal, Thái Lan và nhiều trường đại học trên khắp Việt Nam.

Hội thảo tập trung vào bốn chủ đề: Xu hướng toàn cầu hóa trong văn học Việt Nam và Nhật Bản từ cuối thế kỷ 20 đến nay; Xu hướng toàn cầu hóa trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam và Nhật Bản từ cuối thế kỷ 20 đến nay; Xu hướng và thành tựu dịch văn học Việt Nam ở Nhật Bản, dịch văn học Nhật Bản ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 20 đến nay; Nhìn lại kinh nghiệm toàn cầu hóa văn học Việt Nam và Nhật Bản từ thế kỷ 20 trở về trước.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu những lý giải vì sao các tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel Kenzaburo Oe chưa vào được Việt Nam, mặc dù tác phẩm của Oe đã được Nga dịch nhiều và đón nhận rất tốt.

TS Phan Thu Vân (đại học Sư phạm TPHCM) có những phân tích thú vị về ảnh hưởng của F. Scott Fitzgerald và tác phẩm Gatsby vĩ đại đối với nhà văn Haruki Murakami, xem đây là một ví dụ về toàn cầu hóa trong văn học Nhật Bản đương đại, kết hợp giữa sự học hỏi tiếp thu từ văn học nước ngoài với sự dung hòa bản sắc cá nhân của tác giả để thành công trong sáng tác.

PGS. Mariko Nagai của đại học Temple – Nhật Bản giới thiệu tiểu thuyết Kagayakeru Yami của nhà báo Takeshi Kaiko (người từng theo dõi chiến tranh tại Việt Nam) như một cái nhìn thứ ba của một người chứng kiến chiến tranh Việt Nam, với tầm quan trọng “Việc Kaiko hiểu được Việt Nam có lẽ cũng là cách riêng của ông để hiểu quá khứ đen tối nhưng bị lãng quên của Nhật Bản”.

TS. Bùi Thanh Truyền tiếp cận tác phẩm Totto-Chan - cô bé bên cửa sổ với “cái nhìn tham chiếu cho giáo dục Việt Nam hiện nay”, với môi trường học tập thân thiện thể hiện qua ngôi trường Tomoe Gakuen từ trước chiến tranh thế giới thứ 2 vẫn là kinh nghiệm quý cho Việt Nam hiện nay.

Mong Cánh đồng bất tận được dịch sang tiếng Nepal

Nhà thơ Sandhya Regmi của Nepal cho biết những tác phẩm văn học viết về chiến tranh Việt Nam được bạn đọc Nepal rất quan tâm. Theo bà, những tác phẩm văn học Việt Nam viết về tính nhân văn của con người – một nội dung có tính toàn cầu – có thể dịch sang ngôn ngữ Nepal.

“Tôi mong muốn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được dịch sang tiếng Nepal để người dân Nepal hiểu được cuộc sống của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long”, bà bày tỏ.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên