17/01/2016 07:08 GMT+7

Nhiều VĐV xe đạp thiếu niên bị “giú ép”

TẤN PHÚC (tanphuc@tuoitre.com.vn)
TẤN PHÚC (tanphuc@tuoitre.com.vn)

TT - Hơn 13 tuổi nhưng tay đua Thái Ngọc Hải của đội Năng khiếu TDTT Vĩnh Long đã tham dự giải xe đạp Cúp truyền hình 
Bến Tre 2016 diễn ra trong sáu ngày với tổng lộ trình gần 900km.

Nhóm tay đua thiếu niên, trong đó có tay đua Ngọc Hải (thứ hai từ phải sang) luôn chạy cuối đoàn đua
- Ảnh: T.P.
Nhóm tay đua thiếu niên, trong đó có tay đua Ngọc Hải (thứ hai từ phải sang) luôn chạy cuối đoàn đua - Ảnh: T.P.

Theo thống kê của Tuổi Trẻ, sinh ngày 26-9-2002, Ngọc Hải là người nhỏ tuổi nhất giải (13 tuổi 3 tháng). Ngoài ra, cuộc đua này còn có 4 tay đua hơn 14 tuổi và 8 tay đua hơn 15 tuổi.

Việc đua sớm sẽ ảnh hưởng về sau này, có thể làm tuổi thọ nghề của VĐV bị rút ngắn, nhưng ở trong bối cảnh xe đạp VN mình phải chấp nhận điều này

Cựu HLV tuyển quốc gia TRẦN VĂN QUÝT

Trái luật quốc tế lẫn VN

Trong khi đó, theo quy định Liên đoàn Xe đạp quốc tế (UCI) và đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch VN tổng hợp thành luật xe đạp VN: các VĐV từ 16 tuổi trở xuống được xếp vào hạng thiếu niên, từ 17 đến 18 tuổi xếp hạng trẻ. Trong quy định thi đấu đường trường (đua nhiều chặng) chuyên nghiệp, các VĐV hạng thiếu niên không được tham dự. Các VĐV hạng trẻ nếu tham dự cũng phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về khám sức khỏe, cự ly thi đấu trung bình mỗi ngày tối đa 100km, cự ly tối đa một chặng là 120km... Tuy nhiên ở Cúp truyền hình Bến Tre 2016, các VĐV hạng thiếu niên phải đạp xe trung bình mỗi ngày 144,5km và “nuốt” lộ trình dài nhất đến 180km.

Trả lời về việc các VĐV hạng thiếu niên vẫn được thi đấu ở giải, tổng trọng tài Bùi Ngọc Trung (Hội đồng trọng tài xe đạp VN) cho biết: “Theo quy định của giải, các VĐV có thẻ của Liên đoàn Xe đạp VN cấp đều được đăng ký tham dự bởi khi đã có thẻ, VĐV được quản lý về mặt sức khỏe, tập luyện... Trong trường hợp các em chưa có thẻ hoặc còn quá nhỏ như Ngọc Hải, đơn vị chủ quản phải có cam kết với ban tổ chức và phải nộp giấy khám sức khỏe chứng minh em đủ điều kiện thi đấu”.

Tác hại ở tương lai

Trên đường đua, dù rất cố gắng nhưng nhóm của Ngọc Hải thường rớt lại phía sau cùng của đoàn đua. Ngọc Hải cho biết: “Đây là lần đầu tiên em tham dự giải chuyên nghiệp. Bình thường em vẫn tập từ 100 - 120km mỗi ngày. Khi đua chặng Cà Mau - Cần Thơ dài 180km, em thật sự đuối sức và phải bỏ cuộc”.

HLV Nguyễn Huy Lộc của đội Năng khiếu TDTT Vĩnh Long cho biết: “Từng là VĐV, biết các em thi đấu lúc này là quá sớm nên tôi chỉ đặt mục tiêu cọ xát, cố gắng chạy được bao nhiêu thì chạy. Mỗi chặng thi đấu thế này có lợi như cả tháng tập chay. VN hiện nay có quá ít giải dành cho VĐV trẻ (mỗi năm chỉ có hai giải là Giải vô địch trẻ quốc gia và Giải Về nông thôn An Giang). Chúng tôi muốn các em được làm quen với chiến thuật và nhiều thứ khác trên đường đua”.

Ở một góc nhìn khác, cựu HLV tuyển quốc gia Trần Văn Quýt của Dược Domesco Đồng Tháp - đội đua có một loạt tay đua trẻ ở giải này như Nguyễn Cao Thắng, Nguyễn Lâm (hơn 14 tuổi), Phạm Minh Nhật, Trần Tuấn Kiệt (hơn 15 tuổi)... - chia sẻ: “Các em chỉ tập khoảng một năm là ra đua. Nếu được chọn, tôi sẽ không cho học trò đua sớm mà chỉ nên thi đấu ở sân chơi phù hợp, theo nhóm tuổi vì dưới 18 tuổi không nên chạy quá 120km, về vấn đề kỹ thuật, kích thước xe, đĩa - líp cũng khác biệt VĐV lớn bởi nó phải nhẹ hơn nhiều để VĐV nhỏ tuổi không bị hư cơ về sau này”.

Ông Quýt nói tiếp: “Việc đua sớm sẽ ảnh hưởng về sau, có thể làm tuổi thọ nghề của VĐV bị rút ngắn, nhưng ở trong bối cảnh xe đạp VN mình phải chấp nhận điều này. Chúng tôi thiếu lực lượng nên phải đưa các em ra thi đấu và chúng tôi cũng không đủ kinh phí cho VĐV trẻ ăn tập như nước ngoài nên đã “nuôi” là phải sử dụng”.

Bài học từ chuyên gia nước ngoài

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Vũ - chuyên viên Tổng cục TDTT và ủy viên thường vụ Liên đoàn Xe đạp - môtô thể thao VN - cho biết: “Dựa trên cơ sở những tính toán khoa học về vấn đề thể chất, tâm sinh lý..., UCI ra quy định VĐV phải từ 19 tuổi trở lên mới được tham gia thi đấu chuyên nghiệp. Nếu chúng ta đi ngược lại, chắc chắn VĐV sẽ bị ảnh hưởng tương lai mà rõ nhất là tuổi nghề rất ngắn. Các chuyên gia xe đạp nước ngoài tại VN rất kỹ vấn đề này. Khi còn là chuyên gia của tuyển VN, ông Yuri Dmitriev từng la toáng lên trong khi giới chuyên môn VN hồ hởi nhìn Mai Nguyễn Hưng mới 15 tuổi mà đã thi đấu đạt nhiều thành tích”.

Vì tình trạng “giú ép” mà VĐV càng nổi sớm của xe đạp VN chỉ đến khoảng 27-28 tuổi là thường không duy trì được phong độ đỉnh cao, dù ở độ tuổi này các VĐV hàng đầu thế giới mới vào độ chín và không ít người kéo dài sự nghiệp đến 40 tuổi.

Ông Vũ kể: “Khi ông Yuri chuyển sang đào tạo trẻ cho An Giang, khi đi thi đấu, các VĐV trẻ của ông vẫn thực hiện đầy đủ mọi chiến thuật, vẫn “ra xe” tấn công giằng co với đối thủ. Tuy nhiên ở chặng thi đấu dài, dù đang đi tốp đầu và thể lực vẫn còn sung mãn nhưng bỗng nhiên cả đội đều tấp vào lề, thắng xe và xin trọng tài cho bỏ cuộc. Ngạc nhiên, chúng tôi hỏi vì sao thì các em trả lời: ông Yuri yêu cầu thi đấu hết mình nhưng chỉ đúng 100km là dừng để đảm bảo không ảnh hưởng đến vấn đề sức bền, thể trạng sau này”.

Lê Văn Duẩn thâu tóm danh hiệu

Được sự hỗ trợ tích cực của êkip VUS TP.HCM 1, Duẩn đã thi đấu rất thành công ở Cúp truyền hình Bến Tre 2016 vừa kết thúc ngày 16-1. Anh đã thâu tóm cả hai danh hiệu cá nhân là áo vàng chung cuộc (21 giờ 48 phút 31 giây) và áo xanh chung cuộc (87 điểm). Đội Dược Domesco Đồng Tháp 1 đoạt chức vô địch đồng đội với tổng thành tích 65 giờ 26 phút 53 giây.

TẤN PHÚC (tanphuc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên