Những công trình tượng đài tiền tỉ bị bỏ hoang, xây dựng dở dang, nhếch nhác - Ảnh tư liệu |
Trên đây là một trong những nội dung trong bài viết của ThS Trương Khắc Trà - chuyên viên Mặt trận Tổ quốc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai gởi đến Tuổi Trẻ Online góp ý xung quanh việc các tỉnh thành đua nhau xây quá nhiều tượng đài trong thời gian gần đây.
Để góp thêm một góc nhìn khác, xin giới thiệu bài viết này đến bạn đọc:
"Bản chất việc xây dựng tượng đài là để giáo dục truyền thống yêu nước, ghi nhớ công ơn của các nhân vật lịch sử có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, dường như người ta cố phớt lờ những ý nghĩa thật sự đó để chạy theo số lượng; nhiều, to, hoành tráng, vĩ đại để rồi… bỏ hoang.
Theo thống kê ban đầu từ Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, cả nước hiện có 360 công trình tượng đài, kể cả các công trình được xây dựng từ trước năm 1975.
Theo quy hoạch con số đó chắc chắn còn tăng lên trong tương lai.
Xây tượng đài là việc làm chính đáng, thể hiện sự ghi nhớ của hậu thế đối với các bậc tiền bối khai quốc công thần. Tuy nhiên nếu cứ chạy đua như hiện nay e rằng “hội chứng” tượng đài sẽ là liều thuốc tê nặng đô tiêm vào đôi vai người dân. |
ThS Trương Khắc Trà |
Người ta thường và hay chỉ nói về việc xây dựng tượng đài cho thật hoành tráng, quy mô, xứng tầm này nọ nhưng chưa có một báo cáo cụ thể nào về ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước và giá trị nhân văn do các tượng đài ấy mang lại!
Đơn cử, tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ được xây dựng nhiều nơi trong cả nước từ Nam ra Bắc, nhưng cuộc khảo sát mới đây của VTV1 với nhiều học sinh trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội cho kết quả đắng lòng khi không ít học sinh “biết” rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là… hai anh em.
Đau lòng hơn có học sinh còn vô tư khẳng định Quang Trung và Nguyễn Huệ là... bạn chiến đấu, là… cha con, hoặc nguy hiểm hơn có học sinh khẳng định ngay và luôn rằng Quang Trung chính là… Nguyễn Du!
Nếu tượng đài không chuyển tải được kiến thức lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tinh thần và lòng yêu nước thì chẳng khác nào những phiến đá vô hồn được mua bằng tiền tỉ, phơi nắng phơi mưa.
Ý nghĩa thật sự của tượng đài bị coi nhẹ là thế nhưng cách đây chưa lâu Quảng Nam xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng với kinh phí xây dựng lên đến 411 tỉ đồng, có thể được xem là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á .
Nhưng danh hiệu đó có lẽ sắp phải nhường cho Sơn La khi vừa qua Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La vừa ra nghị quyết thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP Sơn La, tổng mức đầu tư là 1.400 tỉ đồng!
Tượng đài, quảng trường được đua nhau xây dựng nhưng việc dạy và học lịch sử như thế nào cho hiệu quả thì đến nay vẫn chưa có cách nào làm người dân an tâm, nhất là đề án tích hợp môn sử đang gặp phải làn sóng chỉ trích nhiều hơn ủng hộ.
Mỗi tượng đài, bản thân nó không những mang giá trị lịch sử mà còn cả giá trị văn hóa, nghệ thuật, tinh thần, trình độ, kiến thức của dân tộc đó, ví như tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ hay tượng Chúa cứu thế ở Brazil… đó là những công trình tiêu biểu cho kiến trúc và văn hóa nhân loại.
Nhìn lại đất nước mình rất nhiều tượng đài nhưng chưa có công trình nào đạt tầm vóc quốc tế về giá trị văn hóa lịch sử, phải chăng người Việt ngày càng lạc điệu với thế giới?
Tượng đài tiền tỉ, nhưng lễ khánh thành cũng đồng nghĩa với lễ… “đắp chiếu”, sử dụng như thế nào với những công trình ngàn tỉ ấy là câu hỏi đau đầu, cho đến nay chưa thấy ai trả lời cho dân nghe dân biết.
Không tượng đài nào bằng lòng dân, không có một vật liệu nào có thể tạo dựng được những bức tượng như chính tấm lòng người dân đã dành cho các vị lãnh tụ và các vĩ nhân lịch sử như hai câu thơ bất hủ mà Tố Hữu dành cho Bác Hồ kính yêu: “Mênh mông áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Xây tượng đài là việc làm chính đáng, thể hiện sự ghi nhớ của hậu thế đối với các bậc tiền bối khai quốc công thần, tuy nhiên nếu cứ chạy đua như hiện nay e rằng “hội chứng” tượng đài sẽ là liều thuốc tê nặng đô tiêm vào đôi vai người dân.
Dân nghèo cả nước không cần tượng đài ông nọ bà kia, cái họ cần là có việc làm, được ăn no, được mặc ấm, được chăm sóc y tế khi ốm đau… người dân không thể nhìn những tượng đài hoành tráng đó mà hết đói được".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận