18/07/2016 13:45 GMT+7

Nhiều thách thức không dễ vượt qua

L.KIÊN thực hiện
L.KIÊN thực hiện

TTO - Tăng trưởng thấp, nợ công cao, diễn biến xấu do thiên tai và môi trường... là những vấn đề đang đợi Quốc hội, Chính phủ 
nhiệm kỳ mới.

Nhân kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20-7, phóng viên Tuổi Trẻ ghi lại ba ý kiến phân tích, bàn giải pháp vượt qua những thách thức này.

Ông Nguyễn Văn Thân Ảnh: LÊ KIÊN
Ông Vũ Khoan - Ảnh: LÊ KIÊN

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan:

Thời điểm ẩn chứa không ít thách thức

- Theo thiển ý của tôi, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và Chính phủ rơi vào thời điểm ẩn chứa không ít khó khăn, thách thức.

Ngày nay kinh tế thế giới rất bấp bênh, quan hệ quốc tế nói chung và ở khu vực nói riêng khá phức tạp; kinh tế nước ta đang phải khắc phục không ít khó khăn, lại sắp phải thực hiện cam kết của hàng loạt khu vực thương mại tự do.

Vậy làm thế nào để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm nay và 6,5-7%/năm trong 5 năm tới là một thách thức không nhỏ. Ngay 6 tháng đầu năm nay GDP chỉ tăng có 5,52%, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy không dễ gì hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản.

Đấy là những vấn đề ngắn hạn. Nước ta đang tồn tại hàng loạt nhiệm vụ dài hạn, căn cơ như đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng và thể chế... trong khi ta lại đang phải lo toan hàng loạt vấn đề trước mắt.

Trong khi đó, kinh tế thế giới đang được tái cấu trúc mạnh mẽ và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế nước ta mà bước hụt thì hệ lụy càng sâu và càng dài, sự tụt hậu càng xa hơn cả về lượng lẫn về chất.

Có một điều tôi muốn chia sẻ thêm là trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, những chỉ tiêu chỉ mang tính định hướng chứ khó bề chốt chặt được.

Tất cả các nền kinh tế thị trường thường chỉ nêu dự báo và điều chỉnh thường xuyên, chứ họ không đặt ra những chỉ tiêu cứng. Nay kinh tế nước ta đã chuyển sang thể chế thị trường và hội nhập sâu với kinh tế thế giới thì cũng nên tính toán sao cho phù hợp.

* Vậy việc thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do, trong đó có việc chuẩn bị phê chuẩn TPP, có thể trở thành động lực, một cú hích cho sự phát triển của VN trong giai đoạn tới không?

- Các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung chỉ là điều kiện “cần” nhưng chưa “đủ”, cái “đủ” cơ bản là nỗ lực của bản thân chúng ta. Khi nói đến “chúng ta” có nghĩa là cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, mọi doanh nhân và mọi người dân.

Những nỗ lực cần có bao gồm cả sự hiểu biết các cam kết, những nỗ lực đổi mới, nhất là thực thi thể chế nhằm tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi các cam kết theo cách “thượng tôn luật chơi chung” đi liền với phương cách khôn khéo “vận dụng luật chơi” để bảo vệ sản xuất trong nước, xây dựng nền kinh tế tự chủ và nhất là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế nhằm bảo đảm chất lượng cao, hiệu quả lớn, môi trường sạch.

Có vậy mới có thể biến cơ hội thành hiện thực. Ngược lại thì lợi bất cập hại.

* Vậy theo ông, kỳ họp Quốc hội thứ nhất nên có động thái gì trước tình hình đó?

- Theo tôi biết, các phiên giữa năm thường không bàn các vấn đề kinh tế - xã hội, mà Chính phủ chỉ trình báo cáo cho Quốc hội. Trước tình hình khá bất thường, liệu Quốc hội nên làm gì thì điều đó là quyền của các vị đại biểu.

Tôi cho rằng phát triển kinh tế không quá chậm nhưng có hiệu quả và chất lượng cao và bền vững hơn vẫn là đòi hỏi hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Thân - Ảnh: LÊ KIÊN
Ông Nguyễn Văn Thân - Ảnh: LÊ KIÊN

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN VĂN THÂN  (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa):

Tín hiệu mới đem lại lòng tin

Sự khởi đầu của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu là rất ấn tượng. Thủ tướng đã truyền đi thông điệp rất rõ ràng là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính.

Ấn tượng nhất là cuộc gặp gỡ của Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nhân ngày 29-4. Những tín hiệu mới đó bước đầu đem lại lòng tin, tạo nên sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp. Niềm tin đã tạo dựng rồi, cần củng cố vững chắc thì động lực mới bền được.

* Thưa ông, thông điệp Chính phủ liêm chính tác động như thế nào đến tinh thần của doanh nghiệp?

- Tôi hiểu rằng để có sự liêm chính trong cơ quan công quyền, hay nói rõ hơn là làm thế nào để dẹp nạn nhũng nhiễu đang hoành hành khắp đất nước là vấn đề không dễ, không thể bằng ý chí mà giải quyết trong ngày một ngày hai. Nhưng thông điệp ấy nói lên quyết tâm của Thủ tướng và rõ ràng được xã hội đồng tình.

Về phía doanh nghiệp, từ lời kêu gọi của Thủ tướng, chúng tôi phải có chương trình xây dựng doanh nghiệp có văn hóa.

Nếu cứ để tồn tại tình trạng làm ăn chụp giật, chạy chọt, dựa vào quan hệ... rất khó phát triển lành mạnh. Tôi cho rằng với việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, với quyết tâm của người đứng đầu, với sự giám sát của người dân và báo chí, bộ máy công quyền sẽ ngày càng trong sạch, niềm tin vào Chính phủ ngày càng cao.

* Ông tin rằng các thông điệp của Thủ tướng sẽ được thực hiện đầy đủ?

- Tôi tin chứ. Một phần vì đã chứng kiến những hành động của Thủ tướng và Chính phủ trong thời gian ngắn vừa qua phải nói là rất quyết liệt.

Một phần là vì chúng ta không còn lựa chọn nào khác bởi trong bối cảnh tăng trưởng khó khăn, ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao như vậy chỉ còn cách duy nhất là khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, từ đó mới có nguồn thu bền vững.

Những khó khăn đã đẩy chúng ta vào chân tường, chỉ có cách tạo động lực cho doanh nghiệp, cho người dân để họ hứng khởi đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tôi mong Chính phủ chú ý hơn nữa tới đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đây là đội ngũ có số lượng lớn, đóng góp không nhỏ, nhưng hiện vẫn ít nhận được sự trợ giúp, dễ tổn thương. Nếu vực dậy được đội ngũ này để họ trưởng thành trong giai đoạn hội nhập mới, chúng ta mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC:

Bài học gì sau sự cố Formosa?

Đại biểu Dương Trung Quốc - Ảnh: V.DŨNG
Đại biểu Dương Trung Quốc - Ảnh: V.DŨNG

- Chính phủ khóa XIV này có một nét đặc thù là có một giai đoạn ngắn “chạy thử” và trong ba tháng “chạy thử” ấy lại xảy ra nhiều biến cố, thử thách cho công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Một trong những thử thách đó mang tên “sự cố Formosa”.

Đó không phải là thảm họa thiên nhiên, mà là thảm họa do con người gây ra. Đó phải chăng là một hệ quả của quá trình chúng ta mở cửa, tiếp nhận các doanh nghiệp nước ngoài vào và nó làm bộc lộ những hạn chế, yếu kém của quản lý nhà nước.

* Có thể thấy những gì trong sự cố Formosa, thưa ông?

- Ngay từ khi hiện tượng xảy ra, người dân đã phát hiện ngay nguyên nhân của thảm họa. Cũng dễ hiểu thôi, nhân dân chẳng phải thần thánh nhưng họ là những người sống với cuộc sống của biển, sống với không gian quê hương đất nước nên cảm nhận rõ những gì sát sườn với họ.

Về phía Chính phủ, tôi nghĩ trong quá trình giải quyết vấn đề cần thận trọng, khoa học, khách quan là đúng rồi. Nhưng phản ứng ban đầu của Chính phủ qua việc giải thích của một số quan chức cho thấy khả năng phán đoán, khả năng xử lý vấn đề có vẻ thiếu thuyết phục.

Ngay từ đầu, nhiều quan chức nói rằng không có dấu tích gì của Formosa cả. Kết quả sau ba tháng, điều nhân dân tiên đoán là đúng.

Điều thứ hai tôi muốn nói là chúng ta mở cửa, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư. Nhưng nếu chúng ta đánh giá cao Chính phủ trong cuộc đấu tranh buộc đối tác phải nhận sai lầm thì chúng ta cũng phải lên án đối tác. Nếu họ coi đấy là một sự cố như mất điện chẳng hạn thì họ biết nguyên nhân, lẽ ra phải hợp tác ngay từ đầu.

Vậy mà ba tháng sau họ mới nhận trách nhiệm. Sắp tới chúng ta sẽ phải ứng phó với nhiều yếu tố tương tự với quá trình thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư những lĩnh vực dễ gây ô nhiễm. Qua đây tôi cũng muốn nói đến vai trò của Quốc hội.

Tôi có cảm giác rằng Quốc hội chưa hành xử đúng mực với tư cách là cơ quan giám sát tối cao khi xảy ra sự việc này. Quá trình giám sát, nhất là lĩnh vực môi trường, phải thường xuyên, từ khâu làm luật đến khâu giám sát luật.

* Ngoài ra, ông còn quan tâm nhiều đến vấn đề gì?

- Với tôi, có những vấn đề hiện nay người dân rất quan tâm, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Tôi cho rằng đây là bài toán khó, nhưng muốn ngoại giao tốt thì nội trị phải tốt. Phải làm sao cho người dân nhất trí, phải có sự chia sẻ của Chính phủ với nhân dân để làm cho người dân tin vào Chính phủ đang hành xử đúng.

L.KIÊN - V.V.TUÂN thực hiện

L.KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên