08/04/2011 12:57 GMT+7

Nhiều phiền toái!

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Nhiều bạn đọc là bệnh nhân diện bảo hiểm y tế (BHYT) than phiền khi đi khám chữa bệnh bị giám định viên BHYT yêu cầu bổ sung nhiều loại giấy tờ, nhưng cuối cùng không trả lời họ có được BHYT thanh toán hay không.

Em N.V.C. (16 tuổi, ngụ Đạ Tẻh, Lâm Đồng) bị dòng điện trung thế phóng trúng khi phụ người anh lắp bảng điện quảng cáo cho một công ty. Ngày 2-12-2010, C. được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán phỏng điện 62%.

Giám định viên BHYT không biết tai nạn gì?

"BHYT không thanh toán cho những trường hợp bị tai nạn lao động, chỉ thanh toán cho những trường hợp bị tai nạn sinh hoạt, nhưng không phải lúc nào giám định viên BHYT cũng thẩm định được đâu là tai nạn lao động, đâu là tai nạn sinh hoạt"

C. có thẻ BHYT hộ nghèo. Khi nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy đưa hồ sơ bệnh án và người nhà C. đến nơi duyệt BHYT, giám định viên BHYT yêu cầu làm bản tường trình về tai nạn và phải có giấy xác nhận người bệnh là N.V.C. (do C. chưa làm CMND). Khi người nhà C. bổ sung các loại giấy tờ này xong, giám định viên BHYT lại yêu cầu phải có biên bản xác nhận vụ việc.

Người nhà C. tiếp tục xin biên bản xác nhận vụ việc nhưng khi trình thêm biên bản này thì giám định viên BHYT lại nói: phải xin ý kiến cấp cao hơn vì viện phí nhiều quá (hơn 250 triệu đồng) nên không biết có thể xếp đây là trường hợp tai nạn sinh hoạt được hay không (?).

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng trường hợp này có thể xếp vào tai nạn sinh hoạt vì bệnh nhân chỉ đi theo người anh phụ việc, không có hợp đồng lao động với công ty nào. Tuy nhiên, giống như nhiều trường hợp bệnh nhân khác, đến nay bệnh viện cũng không biết bệnh nhân C. có được thanh toán BHYT hay không. Trước mắt, vì gia đình bệnh nhân quá nghèo nên bệnh viện đã chấp nhận cho bệnh nhân được hưởng chế độ BHYT nhưng không biết sau này có được BHYT thanh toán lại hay không.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kể có một bệnh nhân khi vào điều trị tại bệnh viện tường trình “đang trong lúc đi làm thì bị đụng xe” và có giấy xác nhận của cơ quan công an là bệnh nhân này không vi phạm Luật giao thông. Xem tường trình của bệnh nhân, giám định viên BHYT cho rằng trường hợp này không phải tai nạn giao thông mà là tai nạn lao động vì bệnh nhân bị tai nạn trong lúc đang trên đường đi làm. Trong khi đó, cơ quan của bệnh nhân lại không chấp nhận đây là tai nạn lao động vì bệnh nhân bị tai nạn trong lúc chưa đến giờ làm việc.

Theo bác sĩ Trường Sơn, hiện vẫn còn nhiều thủ tục hành chính của BHYT gây phiền hà cho người bệnh. Có những bệnh phải lên tuyến trung ương điều trị như bệnh lupus đỏ nhưng theo quy định bệnh nhân vẫn phải xin giấy chuyển viện qua tuyến huyện, tuyến tỉnh rồi mới lên tuyến trung ương...

Nhân viên y tế đòi hỏi sai quy định

Ông V. kể ngày 11-1-2011 ông được Bệnh viện Q.1 (TP.HCM) giới thiệu đến Bệnh viện Nguyễn Trãi điều trị bệnh đái tháo đường type 2. Bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn Trãi đã tiếp nhận, điều trị và hẹn ông đến tái khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi ngày 29-1. Đến hẹn, ông V. đến Bệnh viện Nguyễn Trãi và được khám bệnh bình thường. Sau lần khám này, bác sĩ ghi vào sổ khám bệnh: tái khám ngày 18-2.

Đến ngày hẹn tái khám, ông V. đến Bệnh viện Nguyễn Trãi khám bệnh như lần trước nhưng lần này cô điều dưỡng tiếp nhận hồ sơ ở phòng khám bệnh yêu cầu ông phải về Bệnh viện Q.1 lấy giấy giới thiệu chuyển viện mới được khám. Ông V. thắc mắc sao lần trước theo hẹn của bác sĩ, ông đến tái khám đâu cần giấy giới thiệu của Bệnh viện Q.1 thì cô điều dưỡng bảo: “Lần trước ông được khám vì bác sĩ ghi tái khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, còn lần này bác sĩ chỉ ghi “tái khám” nên phải có giấy giới thiệu của Bệnh viện Q.1 mới được tái khám”.

Ông V. tiếp tục thuyết phục: “Tôi đến chữa bệnh ở Bệnh viện Nguyễn Trãi. Bác sĩ hẹn tôi 18-2 tái khám thì phải hiểu là tái khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi”. Thế nhưng, cô điều dưỡng vẫn không chấp nhận và nói đây là quy định của BHYT! Cuối cùng, ông V. đành phải trở về Bệnh viện Q.1 để xin giấy giới thiệu chuyển viện, mất cả buổi sáng và 40.000 đồng tiền xe ôm.

Theo bác sĩ Phạm Văn Kiên - phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, ông V. mắc bệnh tiểu đường, đã có giấy chuyển viện từ tuyến dưới nên được khám và điều trị ở Bệnh viện Nguyễn Trãi trong thời gian một năm mà không phải về tuyến dưới xin giấy chuyển viện. Cô điều dưỡng nói trên đã hướng dẫn sai, gây phiền toái cho bệnh nhân.

Khó xác định tai nạn sinh hoạt hay tai nạn lao động?

Về trường hợp của bệnh nhân N.V.C., bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền - trưởng phòng giám định BHYT Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho rằng rất khó để xếp vào tai nạn lao động hay tai nạn sinh hoạt. Theo bác sĩ Huyền, BHXH TP sẽ xem xét lại những tình tiết cụ thể trong vụ tai nạn của bệnh nhân để xác định là tai nạn sinh hoạt hay tai nạn lao động. Từ đó sẽ có quyết định BHYT chi trả hay không.

Còn trường hợp “trên đường đi làm bị tai nạn giao thông” là tai nạn lao động hay tai nạn giao thông, bác sĩ Huyền cho biết theo Luật lao động, một người bị tai nạn giao thông trên đường đi làm trong tuyến đường hợp lý và thời gian hợp lý sẽ được xác định là tai nạn lao động. Còn trường hợp một người đang trên đường đi làm bị tai nạn giao thông nhưng khi vào bệnh viện khai “trên đường đi bị tai nạn giao thông” sẽ được xác định là tai nạn giao thông.

Hiện nay, những người bị tai nạn giao thông phải có giấy xác nhận của công an là không vi phạm Luật giao thông mới được BHYT thanh toán. Như vậy, khi bệnh nhân khai là tai nạn giao thông và có giấy xác nhận của công an là không vi phạm Luật giao thông sẽ được BHYT thanh toán. Những trường hợp khai không đúng sự thật, nếu bị phát hiện sẽ bị thu lại số tiền được BHYT thanh toán.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên