![]() |
Tỉ phú lừa Allen Stanford -Ảnh: Reuters |
Mỹ lại phát hiện tỉ phú lừaTìm thấy tỉ phú “lừa” Stanford
Hãng tin Reuters cho biết ngôi nhà của bạn gái Stanford - cô Andrea Stoelker - tại vùng Frederickburg ở bang Virginia đã trở thành nam châm hút cả trăm nhà báo. Tuy nhiên, không ai biết rõ hiện tỉ phú 59 tuổi đang ở đâu. Người nhà của bạn gái Stanford cũng khẳng định không biết gì về tung tích của ông. Các quan chức FBI cho biết đến giờ Stanford vẫn chưa bị truy tố hình sự, do đó vẫn là người tự do.
Trước đó, FBI cho biết Stanford và hai đồng phạm là James Davis, giám đốc tài chính Ngân hàng Stanford International Bank (SIB), và Laura Pendergest-Holt, giám đốc đầu tư một chi nhánh của Tập đoàn Stanford, đã giao nộp hộ chiếu. Tuy nhiên, nhà chức trách không tiết lộ Stanford đã giao hộ chiếu ở đâu. Nguồn tin báo Washington Post cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét truy tố hình sự Stanford và khi đó Stanford sẽ bị bắt giữ.
Nước cờ hợp lý của SEC
Reuters dẫn lời một số chuyên gia pháp luật nhận định SEC quyết định điều tra dân sự là một chiến lược hoàn toàn hợp lý khi tiền của các khách hàng Stanford có nguy cơ biến mất. Bằng động thái này, nhà chức trách có thể đóng băng tài sản của nghi phạm và ngăn chặn họ tiếp tục làm ăn. Khi điều tra đủ thông tin, Bộ Tư pháp sẽ khởi tố hình sự.
Một số quan chức bình luận các cuộc điều tra kiểu này thường rất phức tạp và phải tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, nguồn tin Washington Post cho biết SEC cũng đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc điều tra, do phần lớn tài sản của khách hàng Stanford đều đặt ở Ngân hàng SIB ở Antigua và Barbuda (gọi tắt là Antigua) trên biển Caribê. Chính quyền Antigua chưa hợp tác toàn diện với phía Mỹ trong cuộc điều tra. Do đó SEC đã phải nhờ đến FBI, lực lượng có những công cụ luật pháp như khả năng nghe lén và đưa nhân viên chìm vào bí mật điều tra.
SIB bán ra số chứng chỉ tiền gửi trị giá tới 8 tỉ USD với lãi suất cực cao và cam kết sẽ đầu tư số tiền này vào các loại chứng khoán an toàn. Tuy nhiên, SEC xác định SIB đã dồn phần lớn số tiền mua các loại cổ phiếu chưa niêm yết và địa ốc mạo hiểm. SEC và FBI tình nghi Stanford cũng áp dụng chiêu lừa đa cấp “kinh điển” kiểu Madoff là lấy tiền người sau trả người trước. Dù vậy, cho đến giờ SEC vẫn chưa thể xác định toàn bộ số tiền 8 tỉ USD này đang ở đâu.
ABC News cho biết mới đây, Stanford đã thuê luật sư bào chữa hình sự Brendan Sullivan của Hãng luật Williams & Connolly, tuy nhiên một trợ lý của luật sư danh tiếng này phủ nhận thông tin trên. Hơn nữa, do tài sản bị đóng băng, nhà tài phiệt sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trả tiền thuê luật sư.
![]() |
Stanford (bìa phải) mừng chiến thắng với đội tuyển cricket Stanford Superstars trước đội tuyển Anh trong giải đấu do ông bảo trợ năm 2008- Ảnh: AFP |
Các nước hành động
Reuters cho biết mới đây chính quyền Antigua đã quyết định tịch thu Ngân hàng SIB và một chi nhánh của Tập đoàn Stanford là Stanford Trust Company đặt trụ sở tại đảo quốc này. Stanford là nhà đầu tư lớn nhất tại Antigua, từng được chính quyền phong tước hiệp sĩ vào năm 2006. Ngân hàng trung ương Đông Caribê cho biết mấy ngày qua vô số khách hàng đã rút tiền khỏi Ngân hàng SIB, gây ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng này. Giới quan sát bình luận luật pháp tài chính của Antigua quá lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát đã tạo cơ hội cho tỉ phú này thực hiện cú lừa ngoạn mục.
Trước đó, các nước như Peru, Ecuador, Mexico, Panama và Venezuela đều tịch thu hoặc đình chỉ hoạt động của các chi nhánh Stanford. Chính quyền Peru đang điều tra xem chi nhánh của Stanford có nhúng tay vào hoạt động rửa tiền hay không. Từ ngày 21-2, chính quyền Venezuela đã cấm các lãnh đạo Ngân hàng Stanford tại nước này được rời Venezuela. Nhà chức trách Anh đang điều tra khả năng Stanford cũng có chân rết tại đây. Trước đó, nguồn tin từ giới truyền thông cho biết Stanford đã thực hiện kiểm toán sổ sách tài chính tại Anh. Cảnh sát Ecuador cũng vừa khám xét các văn phòng của Stanford.
Phía chính quyền Mỹ cho biết các khách hàng khác có tài khoản tại Tập đoàn Stanford sẽ còn phải chờ lâu mới có cơ hội lấy lại tiền bởi các tài khoản này cũng đã bị đóng băng. Riêng tại Venezuela, người dân đã đầu tư tới 3 tỉ USD vào Ngân hàng Stanford do không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng trong nước.
Vụ xìcăngđan lừa đảo này cũng ảnh hưởng lớn đến thể thao quốc tế, bởi Stanford có tiếng là một nhà bảo trợ thể thao hào phóng. Stanford từng có lần đến bằng trực thăng để trao 20 triệu USD tiền mặt tài trợ một giải đấu cricket ở Anh. Reuters cho biết mới đây Ủy ban cricket Anh và Xứ Wales đã hủy bỏ mọi hợp đồng tài trợ với Stanford.
Các quả lừa hàng tỉ USD Trước Stanford, đã có hàng loạt vụ lừa đảo theo “kiểu Ponzi” - lấy tiền nhà đầu tư sau trả cho người trước - bị đưa ra ánh sáng chỉ riêng tại Mỹ. - Năm 2003, Công ty Mutual Benefits tại bang Florida do Peter Lombardi làm chủ tịch, lừa 1 tỉ USD từ 28.000 khách hàng bằng thủ đoạn bán bảo hiểm sinh mạng của bệnh nhân AIDS cho các nhà đầu tư. Lombardi hiện đang bị tù 20 năm. - Tháng 5-2006, James Paul Lewis, Jr bị tòa án xử tù 30 năm về tội lừa đảo theo thủ đoạn Ponzi trong suốt 20 năm, kiếm được 311 triệu USD. Đây là một trong những quả lừa Ponzi kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. - Ngày 1-12-2008, doanh nhân bang Minnesota Tom Petters bị chính quyền Mỹ truy tố về tội lừa các nhà đầu tư đổ tiền vào một công ty có doanh số giả mạo hàng chục triệu USD. Giới điều tra xác định Petters đã lừa tới 3,5 tỉ USD. Hiện Petters đang bị giam giữ chờ xét xử. - Ngày 10-12-2008, “vua lừa” Bernard Madoff bị phát hiện quả lừa ngoạn mục nhất trong lịch sử nước Mỹ. Madoff thành lập các quỹ đầu tư, thu hút khối tiền khổng lồ 50 tỉ USD từ giới thượng lưu và các quỹ đầu tư tại Mỹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận