Trong khi đó, nhiều dự án giảm ùn tắc xung quanh khu vực này vẫn chưa hẹn ngày về đích.
Nhà ga T3 từng vướng mặt bằng
Dù hoạt động vượt quá công suất, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chẳng thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Sân bay thường xuyên diễn ra tình trạng ách tắc trên trời, dưới đất, cả trong lẫn ngoài sân bay.
Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lượng khách thông qua sân bay này ngày càng tăng cao, vượt xa công suất thiết kế 28 triệu khách/năm.
Đơn cử như nhà ga quốc nội, năng lực phục vụ tối đa chỉ khoảng 15 triệu khách/năm, nhưng luôn phải phục vụ lượng khách lên tới hơn 26 triệu khách/năm.
Không chỉ vậy, vì thiếu slot bay, người dân thường xuyên bị hoãn chuyến, hủy chuyến. Phía sân bay đã tăng slot nhưng không đủ đáp ứng nên không thể tránh khỏi tình trạng quá tải.
Các chuyên gia về giao thông cho rằng để giải quyết bài toán quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có thể trông cậy vào dự án sân bay Long Thành, dự án xây dựng nhà ga T3 và các dự án mở rộng đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, việc xây dựng các dự án cứ chậm trễ dài hạn như hiện nay là điều rất đáng ngại.
Trong đó, dự án xây dựng nhà ga T3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư với công suất 20 triệu hành khách/năm, được phê duyệt từ năm 2020 với tổng mức đầu tư là 10.990 tỉ đồng từ nguồn vốn của ACV.
Sau khi hoàn thành, nhà ga này được kỳ vọng giúp nâng công suất sân bay lên 50 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, dự án này cũng nhiều lần trễ hẹn do vướng giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan tới quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong sân bay. Đến cuối tháng 12-2022, dự án mới chính thức khởi công và dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2024.
Đường quanh sân bay cũng chậm kết nối
Cũng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, bảy dự án gồm: đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng các đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Tân Kỳ - Tân Quý, Tân Sơn và Thân Nhân Trung cũng bị chậm trễ dù được phê duyệt từ lâu.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, cơ chế... dẫn đến chậm trễ.
Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban giao thông, cho biết đơn vị sẽ triển khai năm dự án giao thông trọng điểm tại khu vực này.
Cuối năm 2022 vừa qua, TP.HCM đã khởi công được dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa, có quy mô tuyến đường sáu làn xe, rộng 29,5 - 48m, tổng vốn đầu tư tăng lên hơn 4.800 tỉ đồng, được kỳ vọng là cửa ngõ thứ hai của sân bay.
Trong đó, hạng mục hầm chui đầu tuyến tại nút giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện dự kiến được hoàn thành vào tháng 9-2024.
Ban giao thông cũng được TP.HCM giao nhanh chóng hoàn tất thủ tục đồng bộ loạt dự án ở nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ - Tân Quý (đoạn thuộc quận Bình Tân), mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa... Trong đó, đoạn qua Tân Kỳ - Tân Quý được ưu tiên làm sớm.
Với tuyến đường Hoàng Hoa Thám, các đơn vị hiện đang khẩn trương rà soát để kịp triển khai vào khoảng tháng 6-2023.
"Kể từ ngày nhận mặt bằng sạch, dự án sẽ được hoàn thành thi công trong sáu tháng. Và khi toàn bộ các dự án này hoàn thiện, sẽ tạo thành một trục xương cá quanh sân bay kết nối vào nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất", ông Phúc khẳng định.
Theo ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban giao thông, TP.HCM cũng đang đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sớm xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ngay cuối tuyến đường Trần Quốc Hoàn, theo thiết kế có hầm băng ngang đường đấu nối trực tiếp vào điểm ngầm của tuyến metro số 2.
Về lâu dài, TP.HCM tính đến đường trên cao nối sân bay Tân Sơn Nhất với nhà ga quốc gia Thủ Thiêm và đường sắt nhẹ Long Thành hình thành đường nối sân bay Tân Sơn Nhất đi sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). "Đến lúc đó, toàn bộ hệ thống giao thông khu vực này được đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân", ông Phúc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận