Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi hỗn hợp của Việt Nam dự kiến tăng từ hơn 11,5 tỉ USD vào năm 2023 lên 15,3 tỉ USD vào năm 2028.
Trong khi nông dân khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi lại đang là "miếng bánh" thơm, mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Trung Quốc "săn" mua nhiều nhất thức ăn chăn nuôi Việt Nam
Thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một năm Việt Nam cần 32 - 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại. Bên cạnh việc chi tiền (khoảng gần 3 tỉ USD) để nhập khẩu sản phẩm này, ngành hàng còn hướng đến xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 10-2024 mang về hơn 97 triệu USD, tăng mạnh hơn 22% so với tháng trước đó. Lũy kế trong 10 tháng, mặt hàng này đã thu về hơn 850 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, Trung Quốc vẫn là "anh cả" trong tiêu thụ thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam, có kim ngạch hơn 336 triệu USD trong 10 tháng (giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023).
Sau thị trường tỉ dân là thị trường Mỹ, kim ngạch hơn 111 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ. Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, đạt hơn 107 triệu USD.
Nhu cầu luôn vượt cung, "miếng bánh" ngon lâu dài
Theo VIRAC - một đơn vị nghiên cứu thị trường - đánh giá thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Các ông lớn này thông qua việc sáp nhập và mua lại các nhà sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản và gia cầm trong nước.
Có thể kể đến những tên tuổi như Cargill Group (Mỹ), Haid (Trung Quốc), CP Group (Charoen Pokphand Group - Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa (Singapore), CJ (Hàn Quốc)…
Trong đó, dẫn đầu thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam với 16 nhà máy, doanh thu tỉ USD, chiếm 25% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam là CP Việt Nam. Thứ 2 là De Heus Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Royal De Heus, Hà Lan) có đến 23 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi), và thứ 3 là Cargill với hệ thống 11 nhà máy sản xuất.
Ngày 4-12, trao đổi với nữ giám đốc marketing của một tập đoàn thủy sản và thức ăn chăn nuôi, vị này cho hay trong bối cảnh nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường là mấu chốt biến Việt Nam thành điểm thu hút các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi toàn cầu.
"Việc tăng tỉ trọng chăn nuôi trong sản lượng nông nghiệp, nhu cầu tăng đối với sản phẩm thực phẩm và các sản phẩm từ chăn nuôi quy mô, hay áp dụng biện pháp chăn nuôi khép kín, hợp vệ sinh… là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước", vị này nói.
Thực tế Việt Nam đang có đàn lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn gia cầm đứng top đầu thế giới…
Còn theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp rót vốn và mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi vào Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết: "Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thịt, trứng, sữa cho gần 100 triệu người dân trong nước, chúng ta còn có kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi và Việt Nam là thị trường tiềm năng để thu hút các doanh nghiệp ngoại lớn.
Nhưng có bất cập lớn ngành thức ăn chăn nuôi, giá cả tăng cao còn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Việt Nam nhập cám bắp ngô, đậu tương. Trong khi 1kg bắp giá chỉ 8.000 đồng, mà 1kg gạo khoảng 12.000 đồng thì rõ ràng nhập khẩu nguyên liệu đã giải bài toán kinh tế.
Chưa kể những biến động trong chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng đã làm tăng áp lực lên giá bán cuối cùng, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó. Trong nhiều giải pháp gỡ khó, cơ quan nhà nước vẫn khuyến khích tự chủ nguyên liệu sản xuất, thức ăn có sẵn tại địa phương...".
Dự kiến nhiều doanh nghiệp ngoại tìm đến Việt Nam để tăng cường nguồn cung
Hiện nay số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng tăng trưởng mạnh cả về số lượng và công suất. Năm 2019, Việt Nam chỉ có 261 nhà máy với sản lượng sản xuất là 18,9 triệu tấn; đến năm 2023 có 294 nhà máy, sản lượng 20 triệu tấn. Trong đó doanh nghiêp FDI chiếm khoảng 60%, trong nước khoảng 40% về sản lượng sản xuất.
Mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nhu cầu thức ăn chăn nuôi sẽ tăng ở Bangladesh, vì các trang trại gia cầm lớn mở rộng hoạt động. Tương lai, nhiều doanh nghiệp ngoại tìm đến Việt Nam để tăng cường nguồn cung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận