Phóng to |
Nợ xấu từ thẻ tín dụng trên cả nước đã tăng 100%/năm. Từ con số 1.000 tỉ đồng cuối năm 2011, đến cuối năm 2012 nợ xấu từ thẻ tín dụng lên đến 2.000 tỉ đồng.
Các chuyên gia cho rằng đây là cái giá phải trả cho việc ngân hàng (NH) phát hành thẻ dễ dãi suốt thời gian vừa qua.
Chạy đua phát hành thẻ, ôm thêm nợ xấu
Ông Huỳnh Trung Minh, giám đốc miền Nam khối NH bán lẻ NH VIB, cho rằng ở nước ngoài, việc phát hành thẻ là ưu tiên số 1 vì đem lại lợi nhuận rất cao cho NH do lãi suất cho vay qua thẻ rất cao. Việc quản lý chủ thẻ rất dễ dàng do tất cả dữ liệu đều được vi tính hóa. Trong khi đó ở VN, NH không thể nắm được thông tin của khách hàng, do vậy chủ thẻ sử dụng xong biến mất NH cũng không biết đâu để tìm. |
Chị Yến (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết mỗi tuần nhận được ít nhất 3-4 cuộc điện thoại mời làm thẻ tín dụng. Sau vài câu hỏi như có đang đi làm, có trả lương qua thẻ không, nhân viên NH mời chị Yến làm thẻ với nhiều ưu đãi hấp dẫn như miễn phí làm thẻ, được hoàn tiền khi chi tiêu, kèm theo vài gói bảo hiểm miễn phí. Đặc biệt, chỉ cần bản photo hộ khẩu, CMND, hợp đồng lao động và bản sao kê ba tháng lương gần nhất, nhân viên NH sẽ đến tận nơi nhận hồ sơ và làm thủ tục.
“Không biết họ lấy thông tin ở đâu mà biết nơi tôi làm việc, lương tháng thế nào, được cấp thẻ tín dụng của những NH nào mà hết cuộc gọi này đến cuộc gọi khác mời tôi làm thẻ dù tôi đang có đến sáu thẻ. Có nhân viên NH còn tiết lộ biết tôi đang được cấp thẻ tín dụng 80 triệu đồng, nhưng mời tôi làm thẻ của NH họ với hạn mức lên đến 100 triệu đồng, không cần phải chứng minh thu nhập” - anh Trung (Q.1) kể.
Giám đốc phụ trách bán lẻ một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết việc chạy đua phát hành thẻ thời gian qua của các NH là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu thẻ tín dụng gia tăng. Ông này cho biết để gia tăng thị phần, nhiều nơi bỏ tiền mua danh sách khách hàng của những NH khác. Sau đó dựa trên thông tin này, họ cho nhân viên chào mời cung cấp hạn mức cao hơn, cũng như miễn phí phát hành thẻ để lôi kéo khách hàng mới về mình. Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, nhiều nhân viên còn có các mánh khóe để hợp thức hóa hồ sơ. Từ đó dẫn đến tình trạng phát hành thẻ không đúng đối tượng.
Chính NH này từng ôm nợ khi phát hành hàng ngàn thẻ tín dụng cho nhiều tài xế taxi. “Hạn mức mỗi thẻ chỉ có 10 triệu đồng, nhưng nhiều chủ thẻ sau khi nhận được thẻ đã ngay lập tức đi rút toàn bộ số tiền có trong thẻ rồi hủy thẻ và biến mất” - vị giám đốc này nói. Sau sự cố này, NH này đã phải giải tán trung tâm thẻ, điều chuyển nhân sự cũng như đau đầu giải quyết “đống” nợ xấu từ việc phát hành thẻ sai đối tượng.
Trưởng phòng kinh doanh thẻ một NH quốc doanh nói nợ xấu thẻ tín dụng tăng nhanh gần đây còn có nguyên nhân từ khó khăn chung của nền kinh tế, dẫn đến nhiều lao động bị thất nghiệp hoặc bị giảm lương. Từ đó việc trả món nợ từ thẻ tín dụng trở nên quá tầm với họ. Nhưng cũng có trường hợp khi NH cấp thẻ cho người có thu nhập ổn định, thanh toán tiền đầy đủ nhưng sau đó họ đổi chỗ làm rồi nhân cơ hội này “xù” luôn.
Cũng có trường hợp chủ thẻ là người nước ngoài làm việc tại VN, khi chuẩn bị hết thời gian công tác đã chi tiêu thả ga, sau đó về nước, để lại khoản nợ lớn. NH tìm mọi cách liên lạc qua công ty cũ của chủ thẻ, qua email... rốt cuộc cũng nhận được phản hồi từ chủ thẻ, nhưng lúc này chủ thẻ nói chỉ đồng ý thanh toán một phần, sau đó NH phải xóa nợ. Nếu đồng ý sẽ trả, không... thì thôi.
Phóng to |
Khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua hàng - Ảnh: THANH ĐẠM |
Khó kiện ra tòa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều NH cho biết giải pháp để xử lý các khoản nợ xấu thẻ tín dụng vô cùng khó khăn, do chủ thẻ đã biến mất khỏi nơi cư trú hoặc hồ sơ ban đầu là giả mạo. “100 trường hợp nợ xấu thì có 50 trường hợp không còn ở địa chỉ đăng ký, 50 trường hợp NH tìm được nhưng chỉ một nửa số này chấp nhận trả” - phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần nói.
Theo ông này, giải pháp xử lý với các trường hợp này thời gian qua chủ yếu thông qua thương lượng hoặc nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Nhiều trường hợp đã chấp nhận trả tiền, sau khi NH thương lượng bớt lãi phạt cũng như phân tích thiệt thòi nếu khách hàng vướng vào nợ xấu thẻ tín dụng. Kiện ra tòa chỉ là giải pháp sau cùng vì các khoản nợ xấu từ thẻ tín dụng không lớn, chỉ khoảng vài chục triệu đồng, nên tòa án thường yêu cầu hai bên thương lượng.
Sau khi nợ xấu thẻ tín dụng bùng phát, nhiều NH siết lại quy định về phát hành thẻ. Vietinbank chỉ phát hành thẻ tín dụng nếu khách hàng có tài sản thế chấp và có chi lương qua Vietinbank thay vì phát hành thẻ theo dạng tín chấp, trừ một số trường hợp đặc biệt. Còn tại Vietcombank, nếu không có nơi cư trú ổn định (KT3 hoặc hộ khẩu), NH không phát hành thẻ hoặc chỉ phát hành thẻ với hạn mức rất thấp. Nhiều NH khác có điều kiện phát hành thẻ dễ thở hơn thì nâng lãi suất để bù đắp rủi ro.
Lãnh đạo một NH có số thẻ phát hành trong tốp đầu hiện nay nói dù tỉ lệ nợ xấu cao nhưng NH không bị lỗ vì rủi ro này đã được tính vào trong lãi suất cho vay. Do vậy nếu tỉ lệ nợ xấu vẫn trong ngưỡng tính toán của NH thì NH vẫn có lãi. Hiện lãi suất cho vay cá nhân tại các NH phổ biến 13-14%/năm, thậm chí thấp hơn nhưng lãi suất cho vay thẻ tín dụng tại nhiều NH lên đến 24%/năm, cao gần gấp đôi so với cho vay thông thường. Kèm theo đó, mức phạt cũng rất cao. Chỉ cần trễ hạn một ngày, có NH phạt đến 150.000-200.000 đồng, đồng thời toàn bộ khoản đã chi xài trước đó của chủ thẻ bị tính lãi, thay vì miễn lãi 45 ngày như trước.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng sự việc vừa qua là cảnh báo để các NH rà soát toàn bộ hoạt động phát hành thẻ của mình. Theo ông Nghĩa, vì thẻ tín dụng là một dạng vay mượn nợ của NH để chi tiêu trước trả sau nên các NH cần có quy định nghiêm ngặt như một dạng tín dụng, quy trình thẩm định phải chặt chẽ. “Vừa rồi cạnh tranh nhau phát hành thẻ nên đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi, trong khi bỏ ngỏ các quy định về an toàn. Nếu cứ đà này nợ xấu còn tăng mạnh như từng diễn ra ở nhiều quốc gia phát triển” - ông Nghĩa nói.
Thẻ tín dụng là một hình thức thay thế việc thanh toán trực tiếp. Với loại thẻ này, chủ thẻ không cần phải có sẵn tiền, NH sẽ ứng trước tiền cho người bán và chủ thẻ sẽ thanh toán lại sau cho NH nên còn gọi là thẻ “xài trước trả sau”. Trường hợp đã xài, sau một thời hạn nhất định mà chủ thẻ không nộp tiền vào thì NH sẽ tính lãi. Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ VN, hiện có hơn 1,52 triệu thẻ tín dụng quốc tế, trong đó NH phát hành nhiều thẻ tín dụng quốc tế nhất là Vietinbank với 458.000 thẻ, Vietcombank xếp thứ 2 với 368.000 thẻ... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận