Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh dù nằm giữa vùng than nhưng vẫn “đói” than - Ảnh: THANH HƯƠNG
Trong khi đó, việc mua than của các nhà máy nhiệt điện than ở phía Bắc hiện chủ yếu đều phụ thuộc vào hai nguồn cung ứng là Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.
TKV không đáp ứng
Ông Lê Duy Hạnh - chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh - cho biết hoạt động của đơn vị hiện nay đang khó khăn vì khan hiếm nhiên liệu. Năm 2018 nhà máy cần khoảng 3,4 triệu tấn than. Theo quy định, hiện chỉ có hai đơn vị được cung cấp than cho nhà máy là TKV và Tổng công ty Đông Bắc.
Theo ông Hạnh, kể từ ngày 17-11 đến nay, hai tổ máy số 1 và số 2 của nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động vì thiếu than. Ước tính mỗi ngày Nhiệt điện Quảng Ninh đang bị thiệt hại hơn 10 triệu kWh.
"Để đảm bảo sản xuất cho nhà máy, công ty có nhu cầu mua bổ sung khối lượng khoảng 200.000 - 250.000 tấn để đảm bảo sản xuất cho quý 4. Tuy nhiên bên bán là TKV không đáp ứng" - đại diện Nhiệt điện Quảng Ninh cho hay.
Ông Nguyễn Thường Quang - tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng - cũng cho biết mục tiêu sản lượng điện sản xuất trong năm 2018 của đơn vị là 7,1 tỉ kWh nên lượng than nhiên liệu cần cung ứng là khoảng 3,4 triệu tấn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại đơn vị này mới được TKV và Tổng công ty than Đông Bắc cung ứng hơn 2 triệu tấn.
"Có những ngày chúng tôi chỉ được cung cấp 2.000 - 3.000 tấn, trong khi để 4 tổ máy (công suất 300 MW/tổ) hoạt động hết công suất lên tới 12.000 tấn/ngày" - ông Quang chia sẻ và đánh giá việc cung ứng than hiện nay đang theo kiểu nhỏ giọt, các tổ máy của Nhiệt điện Hải Phòng sẽ chỉ có thể cầm cự thêm được 4-5 ngày là buộc phải dừng hoạt động.
Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình cũng đang bắt đầu có dấu hiệu thiếu nguồn. Theo ông Trịnh Văn Đoàn, tổng giám đốc Nhiệt điện Ninh Bình, hiện nhà máy mua than chủ yếu của Tổng công ty Đông Bắc với khối lượng đã ký năm nay là 300.000 tấn. Mặc dù đã được giao theo hợp đồng là 260.000 tấn nhưng lượng tồn kho đang giảm, nên nếu nhà máy huy động chạy hết công suất thì sẽ không có đủ nguyên liệu để đáp ứng.
"Mặc dù nhà máy chỉ chạy 75% so với công suất thiết kế, nhưng so với các năm trước thì năm nay nhà máy vận hành nhiều hơn khoảng 20%. Nguyên nhân là do tình hình thủy văn kém, các nhà máy thủy điện khó huy động được, thêm các nhà máy khí không ổn định, nên các nhà máy nhiệt điện than được huy động nhiều hơn" - ông Đoàn nói.
Xác nhận với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hiện nay nhiều nhà máy nhiệt điện than đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung ứng, dẫn tới một số nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động một số tổ máy.
Theo đó, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương cũng như báo cáo Chính phủ để có giải pháp nhằm bổ sung khối lượng than cho các nhà máy đang thiếu để đảm bảo sản xuất điện.
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng - một trong những nhà máy đang chịu áp lực thiếu than - Ảnh: THANH HƯƠNG
VN đã thiếu than
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện TKV cho biết hiện đã cấp đủ số lượng than cho một số nhà máy nhiệt điện theo hợp đồng đã ký.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 11-11 của tập đoàn này với Bộ Công thương về kế hoạch cung cấp than cho sản xuất điện đến năm 2030, TKV cho biết trong 10 tháng đầu năm đã cung cấp 23,684 triệu tấn, vượt 19% so với cùng kỳ năm 2017.
Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than đều có nhu cầu sử dụng than tăng cao, do được huy động phát điện ở mức cao, nên TKV đã điều chỉnh tăng thêm gần 2 triệu tấn so với kế hoạch ban đầu.
"Việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng thời vào cùng một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp.
Dự kiến tháng 11 và 12-2018 nhu cầu tăng cao, TKV sẽ cố gắng cấp than, nhưng không đảm bảo cho các nhà máy tăng lượng dự trữ tồn kho theo nhu cầu, mà phải ưu tiên cho nhà máy nhiệt điện vận chuyển bằng đường thủy và khu vực phía Nam. Năm 2018 dự kiến cung cấp khoảng 28,5 triệu tấn, tức tăng 20%" - TKV cho hay.
Theo TKV, năng lực sản xuất của TKV theo các giấy phép khai thác than hiện có chỉ đạt từ 36 - 37 triệu tấn than sạch. Kế hoạch cho năm 2019, nhu cầu than cho nhà máy nhiệt điện dự kiến tăng cao với trên 37 triệu tấn.
Tuy nhiên, tập đoàn này cho biết việc cân đối than sản xuất trong nước cho các hộ tiêu thụ hiện đã không đủ, nên từ năm 2019 TKV phải nhập khẩu than về pha trộn với than sản xuất trong nước để cung cấp. Do đó, việc cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện đến năm 2030 là cấp bách và TKV xác định phải nhập khẩu than mới đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu sản xuất điện.
TKV vẫn tồn trên 5 triệu tấn than?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh cho biết qua báo cáo của TKV cho thấy sản lượng than sạch ước năm 2018 đạt 38,2 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2017. Riêng về số lượng than sạch còn tồn kho đến nay ước khoảng 5,02 triệu tấn.
Đại diện Sở Công thương tỉnh cho biết đang lên kế hoạch có buổi làm việc với TKV để nắm cụ thể tình hình một số nhà máy nhiệt điện kêu thiếu than mà không thể cung ứng thêm. Với câu hỏi than còn tồn hơn 5 triệu tấn nhưng TKV chưa cung ứng ra, đại diện Sở Công thương cho rằng còn phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của TKV.
TIẾN THẮNG
Nhiệt điện than được huy động cao hơn nhiều năm
Ông Trần Viết Ngãi (chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN)
Tình hình hạn hán ở miền Trung căng thẳng nên khu vực này không huy động được các nhà máy thủy điện công suất lớn. Để đảm bảo điều độ hệ thống điện, các nhà máy nhiệt điện than được huy động cao hơn so với mức huy động bình quân, lên tới 47.000 tỉ kWh (mức bình quân hằng năm là 30.000 tỉ kWh).
Đây chính là nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ than của các nhà máy nhiệt điện tăng cao, tạo áp lực lên các đơn vị cung cấp than.
Hiện nay do tác động của thời tiết và các điều kiện khác, hiệu quả khai thác hầm lò giảm sút, công suất khai thác than không được đảm bảo. Trong khi đó, mỗi năm sản lượng than khai thác khoảng 40 triệu tấn nhưng ngành than còn phải đáp ứng nhu cầu cho các hộ khác như ximăng, vật liệu xây dựng... nên càng gặp khó khăn.
Nếu nhu cầu tiêu thụ tăng cao, có thể ảnh hưởng tới an ninh năng lượng nói chung.
Ông TRẦN VIẾT NGÃI
N.AN
Thiếu nước + thiếu than = thiếu điện
Hai tổ máy của Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh phải dừng hoạt động do thiếu than - Ảnh: N.ANH
Việc một số nhà máy nhiệt điện đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn điện quốc gia.
Theo EVN, tính đến thời điểm hiện nay (cuối tháng 11-2018), tổng công suất đạt của hệ thống điện quốc gia khoảng 48.700 MW, sản lượng điện toàn hệ thống tính từ đầu năm đến nay đạt khoảng 195 tỉ kWh. Trong đó sản lượng của thủy điện chiếm khoảng 39%, nhiệt điện than khoảng 40%, tuabin khí khoảng 19% và các nguồn khác khoảng 2%.
"Như vậy tỉ trọng phát điện của nhiệt điện than hiện nay là lớn nhất trong các loại nguồn điện và tỉ trọng này tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới. Dự kiến năm 2019 nguồn nhiệt điện than phát 114,4 tỉ kWh, chiếm 47,3% toàn hệ thống. Vì vậy các nguồn nhiệt điện than có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện" - EVN cho hay.
Trong khi đó, khu vực miền Nam và miền Trung đến nay rất nhiều hồ chưa có lũ về và xấp xỉ mực nước chết. Tổng lượng nước đang tích thiếu hụt khoảng 1/3 so với cùng kỳ, nên đã làm ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện từ nay đến cuối năm và mùa khô năm 2019, cũng như cấp nước hạ du.
Chưa kể, việc cung cấp khí trong thời gian qua cũng không đạt được như kế hoạch, lượng khí cấp Nam Côn Sơn và khí Tây Nam bộ không đủ để chạy hết công suất các tổ máy.
Theo EVN, với tình hình khó khăn nhiên liệu như trên đã ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện. Dẫn tới, hệ thống điện trong thời gian tới có thể phải chạy bằng các nguồn dầu có giá thành rất cao.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia năng lượng, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than ở khu vực phía Bắc đều được xây dựng, thiết kế để sử dụng nguồn than khai thác trong nước. Trong khi đó, nguồn than do TKV khai thác có hạn, điều kiện khai thác khó khăn, không thể nâng sản lượng, giá thành cao.
Thực tế, hiện giá than của thế giới về VN nhập về cảng quy ra nhiệt năng (đơn vị tính theo triệu PTU) là 2,6 USD/triệu PTU, trong khi giá than của VN là 2,9 USD/triệu PTU. Trong kiến nghị gửi lên Bộ Công thương, TKV cũng đề xuất được điều chỉnh giá than theo thị trường. Do đó, ông Sơn cho rằng nếu chỉ phụ thuộc một nguồn than trong nước sẽ đặt ra nguy cơ lớn cho các nhà máy này nếu chạy hết công suất hoặc phải huy động chạy liên tục.
Đồ họa: V.CƯỜNG
"Cần phải có cơ chế để các nhà máy nhiệt điện được nhập khẩu hoặc mua than từ các nguồn khác ngoài TKV để đảm bảo vận hành nhà máy nhiệt điện. Điều này cũng giúp cho các nhà máy nhiệt điện có mức giá thành cạnh tranh hơn khi tiếp cận được nguồn nguyên liệu giá rẻ" - ông Sơn nói.
Các doanh nghiệp thuộc EVN cũng kiến nghị được nhập than từ các nguồn khác ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Bởi hiện nay các doanh nghiệp này phải thực hiện theo Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chỉ được mua than cho sản xuất điện từ hai đơn vị này. Theo các doanh nghiệp, việc phụ thuộc vào hai nguồn cung này khiến cho nhà máy gặp khó khăn khi huy động công suất cao, chưa kể là có thể có yếu tố giữ hàng để tăng giá bán.
NGỌC AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận