Đó là em Lê Văn Nhịn (8 tuổi, ở huyện Châu Thành A, Hậu Giang), nhập viện trong tình trạng vàng da toàn thân, vàng mắt, lừ đừ, đau cơ và vùng thượng vị, phù hai chi dưới... Gia đình cho biết em bị bệnh trước đó hai ngày, sốt nhẹ và ăn uống kém, có nôn ói và đi tiêu lỏng.
Theo bác sĩ Tuấn, khi tiếp nhận trường hợp này, phần lớn bác sĩ có thể nhầm lẫn vì bệnh cảnh lâm sàng tương tự các bệnh nội khoa đơn thuần hay bệnh cảnh bụng ngoại khoa. Mặc dù đã được điều trị hồi sức tích cực nhưng sau đó diễn biến bệnh ngày càng nặng, bệnh nhi vàng da, suy đa cơ quan: gan, thận, rối loạn đông máu gây xuất huyết, chảy máu dưới da...
Trong trường hợp bệnh lý này, giai đoạn đầu bệnh nhi có sốt cao hai ngày, sau đó xuất hiện triệu chứng vàng da sậm toàn thân, uể oải, đau cơ toàn thân là dấu hiệu khá đặc hiệu gợi ý nhiều đến bệnh nhiễm xoắn khuẩn Leptospira. Ngay sau đó, mẫu máu của bệnh nhi được gửi đến Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm và kết quả dương tính với Leptospira.
Sau hơn bốn ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, do tình trạng bệnh lý quá nặng, bệnh viện đã hội chẩn và chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM để tiếp tục theo dõi và điều trị.
BS Tuấn cho biết đây là căn bệnh vùng nhiệt đới ít gặp, nhưng rất cần cảnh báo trong môi trường sống của người dân khu vực ĐBSCL, nơi ruộng đồng ngập nước, người dân có thói quen đi ruộng bằng chân đất. Vì yếu tố nguy cơ nhiễm xoắn khuẩn Leptospira ở môi trường ẩm ướt, tiếp xúc gần với súc vật như heo, chuột, chim...
Trường hợp của bệnh nhi Nhịn, theo khai thác và ghi nhận từ hồ sơ bệnh án, bác sĩ Tuấn cho rằng bệnh nhi thường có thói quen lội ruộng đồng bằng chân đất, khi đó em có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu của chuột đồng, sau đó không vệ sinh tay chân kỹ nên bị lây nhiễm bệnh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận