<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Ai cũng mắc
Nước tiểu bản chất là vô trùng bởi nó được lọc từ máu ra, chỉ chứa các chất thải trong quá trình chuyển hóa vật chất. Nó sẽ bị nhiễm trùng khi vi khuẩn từ nơi khác có cơ hội chạy tới, phát triển, gây viêm. Chúng ta biết “láng giềng” của đường tiểu là hậu môn . Khi bé đi tiêu, mẹ rửa cho bé từ sau ra trước, vô hình trung đưa giun kim, vi khuẩn từ hậu môn vào đường tiểu. Bé trai hẹp bao qui đầu, nước tiểu đọng lại, vi khuẩn nơi đây gây viêm đỏ, phù nề. Phụ nữ có đường tiểu ngắn, rộng hơn nam giới, n ê u rửa từ sau ra trước thì vi khuẩn, nấm đều chạy qua...
Khi sinh hoạt tình dục không vệ sinh cẩn thận vi khuẩn cũng nhào vô mà cư ngụ. Theo bác sĩ Hooton (Mỹ), ở phụ nữ luôn có tình trạng viêm niệu thoáng qua ngay sau giao hợp do thảm vi khuẩn ở âm đạo bị biến động khi tinh dịch xuất hiện. Đó là chưa kể bạn tình có bệnh lậu hay Chlamydia hoặc Mycoplasma, nấm đều có thể chuyển giao qua con đường ân ái mặn nồng. Chưa hết, giường chiếu, drap của nhà trọ, khách sạn nơi chứa hàng ổ vi khuẩn dành cho những cặp “nhảy dù” theo giờ mà chúng ta gọi là tình yêu ngoài luồng.
Một số cặp vợ chồng mê phim sex lại chọn đường hậu môn thì tha hồ cho vi khuẩn từ ruột dính vào “của quý” rồi “ở trọ” chờ dịp chuyển cho bà xã. Có chị cứ thắc mắc “Tại sao nhiễm trùng tiểu chữa mãi không hết?” cho đến khi bác sĩ phải cho cả ông xã uống thuốc thì mới lành bệnh. Đàn ông lớn tuổi bị phì đại tuyến tiền liệt, đông y gọi triệu chứng tiểu lắt nhắt, tiểu không hết, thỉnh thoảng lại bị tiểu buốt là “long bế” lúc xế chiều. Một loại hiếm gặp nhưng cũng xin bà con lưu ý, trong ngành y ai cũng biết là “Thận lao, bàng quang kêu”. Chúng ta nghe lao phổi, lao hạch, nhưng ít chú ý đến lao thận. Một tình trạng nhiễm trùng tiểu dai dẳng, đi hết bác sĩ này đến bác sĩ kia không khỏi, đến khi cấy nước tiểu lại tìm thấy vi trùng lao, hóa ra chúng từ thận đi xuống.
Phụ nữ mang thai hormone Progesterone có tác dụng an thai, nhưng đồng thời làm giãn các cơ niệu quản, niệu đạo khiến dòng chảy của nước tiểu chậm lại, rồi thai nhi lớn lên cũng chèn ép bàng quang khiến bà bầu đi tiểu lắt nhắt. Nếu không vệ sinh cẩn thận nhiễm trùng tiểu thai nghén vẫn có thể xảy ra. Giáo sư Kurt G.Naber (Đức) thông báo rằng giao hợp là nguyên nhân của 75 - 90% nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ. Còn báo cáo của bệnh viện Bình Dân cho biết: Có 50 - 80% người trưởng thành có ít nhất 1 lần nhiễm trùng tiểu trong đời.
Chuyện nhỏ hóa to
Khi bị tấn công thì cơ ở cổ bàng quang giống như các “anh bảo vệ” bị vi khuẩn gây rối. Vì thế chúng không còn hoạt động bài bản nữa mà cứ nhấp nhổm đòi “mở cửa” gây ra tiểu gắt (buồn đi và tiểu nhiều lần). Nước tiểu vốn ấm như thân nhiệt lại chảy mạnh qua niệu đạo đang bị viêm tấy nên gây ra triệu chứng buốt, có người mô tả “buốt đến tận đỉnh đầu” Nếu quá trình viêm rầm rộ không được chữa trị kịp thời thì toàn bộ niêm mạc bàng quang bị viêm đỏ, phù nề, xuất huyết và gây ra tiểu máu. Chẳng may bạn bị viêm vì con vi khuẩn lậu thì cuộc đánh đấm giữa hệ thống bạch cầu và đoàn vi khuẩn này để lại chiến tích là mủ ở đầu dương vật hoặc cuối bãi nước tiểu khi phụ nữ dùng giấy thấm.
Nhiều người mặc cảm hoặc nghĩ là chuyện nhỏ, không đi khám, cứ ra tiệm thuốc Tây khai bệnh mua thuốc về uống, bệnh lui nhưng không hết hẳn. Viêm nhiễm mãn tính làm dung tích bàng quang đang có sức chứa 300-400ml nay nhỏ lại chỉ còn chừng 200ml làm bạn phải đi tiểu nhiều lần trong ngày. Nếu viêm nhiễm không ồn ào hoặc ít ngày sau lắng dịu khiến bạn yên tâm tưởng bệnh tự khỏi thì vi khuẩn sẽ lội ngược dòng theo đường niệu quản mà đến 2 quả thận. Nhiễm trùng đài thận, bể thận sẽ làm bạn sốt cao, lạnh run, đau lưng, mệt mỏi khiến bạn chỉ còn một cách là đi nằm viện. Lúc ấy phải truyền kháng sinh theo đường tĩnh mạch mà cấp cứu kẻo nguy cơ suy thận cận kề. Chuyện nhỏ như con thỏ bỗng biến thành... con voi là vậy
Phòng tránh nhiễm trùng tiểu
Chăm sóc trẻ và dạy trẻ cách vệ sinh là việc làm quan trọng của các bà mẹ. Người lớn nên dùng nước sạch để vệ sinh “cậu nhỏ” và “cô bé”, hạn chế dùng những dung dịch kháng khuẩn mạnh vì nó sẽ tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi ở đây và biến khu vực này trở nên nhạy cảm. Vệ sinh vùng kín sau khi đại tiện hoặc quan hệ cần theo nguyên tắc từ trước ra sau để tránh vi khuẩn lây lan từ hậu môn qua.
Ở nơi công cộng bạn cũng không sử dụng giấy vệ sinh hay ngồi trực tiếp lên bàn cầu bởi đó là cơ hội cho bạn lây nhiễm vô số loại vi khuẩn. Bạn cũng không nên nín tiểu vì giữ nước tiểu lâu trong bàng quang cũng là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đồ lót nên dùng hàng cotton, tránh mặc bó sát và phải thay hàng ngày. Một điều đơn giản mà quan trọng là chúng ta phải uống đủ nước để thận có cơ hội lọc hết chất thải. Bạn có thể dùng những trái cây chứa nhiều vitamin C hoặc uống nó. Đây là là vitamin làm tăng cường miễn dịch của cơ thể nhằm tăng sức đề kháng với vi khuẩn.
BS TỊT TUỐT
Tuổi Trẻ Cười số 387 (ra ngày 1-9-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận