02/06/2009 07:06 GMT+7

Nhiễm độc thai nghén

BS ĐÀO CẢNH TUẤT
BS ĐÀO CẢNH TUẤT

TT - Thời gian gần đây, Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước, Bình Dương đã tiếp nhận nhiều sản phụ đến cấp cứu trong tình trạng thai to, co giật, lơ mơ, mờ mắt..., phần lớn trong số họ là công nhân và người dân lao động.

Mw5RK7A4.jpgPhóng to
Một phụ nữ khám thai ở Bệnh viện Mỹ Phước - Ảnh: Đ.C.Tuất

Nhiễm độc thai nghén là bệnh lý chỉ xảy ra trên phụ nữ mang thai, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhiễm độc thai nghén có thể xảy ra ngay ba tháng đầu nhưng cũng có thể xảy ra ba tháng cuối của thai kỳ.

Biểu hiện lâm sàng: trong ba tháng đầu của thai kỳ: sản phụ thường có dấu hiệu mệt mỏi, nôn hoặc buồn nôn, thấy đồ ăn thức uống là nôn ọe... Dấu hiệu này hay lầm tưởng với ốm nghén thông thường nên sản phụ chủ quan không đi khám bệnh, nếu đi khám sẽ phát hiện huyết áp của mình tăng hơn trước khi mang thai.

Trong ba tháng giữa và cuối của thai kỳ, thường triệu chứng nặng nề hơn với các dấu hiệu: nhức đầu, mất ngủ, ăn uống kém, phù nhiều hai chi dưới, trường hợp nặng có thể phù toàn thân, co giật, lơ mơ, suy hô hấp, mờ mắt, hôn mê...

Đi khám bác sĩ phát hiện hai dấu hiệu chính: trong nước tiểu có protein (bình thường không có) và cao huyết áp. Huyết áp của người bình thường không vượt quá 140/90mHg nhưng những sản phụ bị nhiễm độc thai nghén huyết áp có thể tăng lên 180-200/90-120mHg. Có những trường hợp huyết áp tăng quá nhanh dẫn đến nhồi máu não hoặc xuất huyết não...

Khi có sản giật và tiền sản giật, người nhà đưa sản phụ đi cấp cứu tốt nhất bằng xe cứu thương hoặc xe hơi; nếu phải vận chuyển bằng xe máy thì có người ngồi sau giữ bệnh nhân, vì khi lên cơn co giật bệnh nhân sẽ không làm chủ được và té. Để người bệnh không cắn lưỡi, trên đường vận chuyển đặt một que bằng đầu đũa hoặc cây đè lưỡi vào miệng bệnh nhân.

Tại các trạm y tế phường xã: nếu thấy vượt quá khả năng thì có thể sử dụng một loại thuốc an thần bằng đường tiêm rồi chuyển lên tuyến trên.

Để phòng ngừa, phụ nữ mang thai đi khám thai đều đặn, ít nhất ba tháng một lần.

Trong quá trình mang thai nếu phát hiện tăng huyết áp, nước tiểu có protein thì tuân thủ điều trị của bác sĩ một cách nghiêm ngặt, không để huyết áp tăng cao dễ dẫn đến sản giật và tiền sản giật.

Chế độ ăn của sản phụ nhiễm độc thai nghén là không ăn mặn, chia bữa ăn ra nhiều lần trong ngày, tránh những chất kích thích như cà phê, thuốc lá...

Tinh thần phải thật sự thoải mái, vì khi giận quá, vui quá cũng là cơ hội để xảy ra cơn co giật, đột quỵ do nhồi máu não hoặc xuất huyết não.

BS ĐÀO CẢNH TUẤT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên