Nhiều nước Đông Nam Á cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện được luật bản quyền và luật đầu tư. Tùy từng quốc gia, mức độ và lĩnh vực cần trợ giúp sẽ khác nhau. Chính phủ Nhật Bản trên cơ sở thực tế sẽ tiến hành hỗ trợ các nước trong khu vực.
Indonesia là nước lớn nhất và đông dân nhất ASEAN. Những năm gần đây, kinh tế phát triển khá mạnh nên tầng lớp trung lưu của Indonesia tăng mạnh, trở thành thị trường tiêu thụ có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, nước này thiếu quan chức tòa án chuyên về quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Để hỗ trợ, trong năm 2014, Nhật Bản có thể sẽ cử chuyên gia hỗ trợ Tòa án tối cao Indonesia, giúp đào tạo đội ngũ quan tòa sở tại có kiến thức chuyên môn về luật kinh tế. Chính phủ Nhật Bản cũng cân nhắc ngoài việc hỗ trợ tài liệu học tập, có thể tiếp nhận quan chức tòa án Indonesia sang nghiên cứu, học tập tại Nhật Bản.
Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ Campuchia trong việc hoàn thiện luật đầu tư, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan tới việc xây dựng, điều hành các đặc khu kinh tế. Bởi Campuchia đang đẩy mạnh phát triển các đặc khu kinh tế, song thiếu tính thống nhất trong vấn đề pháp lý, có sự khác biệt về quy định tại các đặc khu kinh tế.
Đối với Myanmar, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ cải cách luật doanh nghiệp, xây dựng các quy định cụ thể liên quan tới đặc khu kinh tế. Việc Nhật Bản hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong việc hoàn thiện hệ thống luật, quy chế, việc áp dụng quy định được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản có ưu thế nhất định trong hoạt động tại khu vực.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN với 600 triệu dân, lực lượng lao động hùng hậu, là thị trường thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Việc doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Đông Nam Á cũng sẽ góp phần tác động tích cực tới nền kinh tế Nhật Bản.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận