Trong buổi làm việc cùng chủ tịch J-League (Giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản) Kazumi Ohisaghi, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được thông báo: Hiện mỗi CLB của J-League được phép thuê ba cầu thủ ngoại và một cầu thủ châu Á. Nhưng kể từ mùa bóng 2014 trở đi, mỗi CLB được quyền ký hợp đồng thêm với một cầu thủ đến từ... VN. Đồng thời chính thức đề nghị VPF giới thiệu những cầu thủ xuất sắc nhất để nối gót Công Vinh sang Nhật thi đấu.
Vì sao J-League cấp “quota” cho bóng đá VN?
Trả lời câu hỏi này, ông Kazumi Ohisaghi giải thích: “Mọi chuyện bắt nguồn từ việc tiền đạo Công Vinh sang khoác áo CLB Sapporo chơi ở Giải hạng nhì J-League mùa này. Tuy chưa thể là tay săn bàn số 1 của Sapporo do thời gian đến với CLB quá ngắn, nhưng hình ảnh của Công Vinh thường xuyên xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản (Đài NHK) và trên các trang thể thao của những tờ báo có số lượng phát hành rất cao ở Nhật Bản.
Chính tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, chăm chỉ trong tập luyện, thi đấu hết sức mình với sự khát khao chiến thắng mỗi khi được HLV đưa vào sân đã giúp Công Vinh trở thành hiện tượng thú vị với truyền thông Nhật. Ngoài ra, những nỗ lực này cũng giúp Công Vinh chinh phục tình cảm của khán giả Nhật Bản. Áo thi đấu có tên và số của Công Vinh bán chạy như tôm tươi. Nhưng ấn tượng đậm nét nhất trên các sân vận động chính là việc khán giả Nhật Bản mang theo quốc kỳ VN và hô vang tên Công Vinh qua từng trận đấu của Sapporo. Ít ai biết được rằng sau 20 năm J-League nắm quyền tổ chức, rất nhiều cầu thủ ngoại trên thế giới đến Nhật Bản thi đấu nhưng chưa từng xảy ra hiện tượng thú vị như vậy. Đó là lý do mà J-League quyết định cho phép mỗi CLB ký hợp đồng với cầu thủ VN...”.
Không bao giờ quên VN
Lý giải thêm hiện tượng Công Vinh, nghị sĩ Yoichiro Aoyagi (phó ban tổ chức chương trình kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật- Việt) trong cuộc trò chuyện kéo dài gần hai giờ đã nói với tôi: “Thảm họa động đất - sóng thần ngày 11-3-2011 tàn phá dữ dội nhiều tỉnh thành của Nhật Bản khiến gần 20.000 người chết và mất tích. Ngày ấy, nước Nhật đã nhận được sự chia buồn, đóng góp từ nhiều quốc gia trên thế giới và VN là một trong số các quốc gia lên tiếng chia sẻ về tinh thần lẫn vật chất với người dân Nhật Bản.
VN không phải là quốc gia giàu có, nhưng tấm lòng của các bạn rất lớn. Chúng tôi biết nhiều người dân VN đã âm thầm, tự nguyện đến góp tiền ủng hộ người dân Nhật Bản đang gặp cảnh ngộ thiên tai. Nghĩa cử ấy, người dân nước tôi không bao giờ quên. Và cũng chính vì không quên nên khi Công Vinh trở thành cầu thủ đầu tiên của VN đến chơi bóng ở Nhật Bản, người hâm mộ đã đền đáp tình cảm ấy bằng sự cổ vũ nhiệt tình cho Công Vinh...”.
“Sứ giả” Công Vinh
Lẽ ra cuộc trò chuyện giữa tôi và ông Yoichiro Aoyagi chỉ diễn ra trong một giờ xoay quanh chuyện con người, đất nước, văn hóa và chuyện ở nghị trường hai nước Việt - Nhật. Thế nhưng sức hút của đề tài bóng đá và Công Vinh khiến cuộc trò chuyện rôm rả hơn, kéo dài hơn dự định. Ông Aoyagi còn kể thêm: “Trong thời gian giải lao ở nghị trường Nhật Bản, bóng đá luôn là đề tài được các nghị sĩ nhắc đến nhiều nhất. Thậm chí họ còn nhắc đến Công Vinh nữa đấy”.
“Theo ông, có bao nhiêu nghị sĩ Nhật Bản biết chuyện Công Vinh đang chơi ở J-League?”. Không chút ngần ngừ, ông Aoyagi trả lời ngay: “Dù không thể trả lời chính xác con số cụ thể là bao nhiêu nhưng tôi khẳng định với ông có nhiều nghị sĩ Nhật Bản biết và hay bàn tán về Công Vinh trong màu áo Sapporo”.
CLB Sapporo vừa đưa ra lời mời Công Vinh ở lại thi đấu thêm một mùa nữa. Không quá lời khi nói rằng Công Vinh đã góp một phần sức lực của mình qua chuyến đi này, giúp hình ảnh đất nước VN được người Nhật biết nhiều hơn, trân trọng hơn. Và cũng từ đây, anh mới được mời tái ký hợp đồng. “Sứ giả” Công Vinh đang là nhịp cầu vững chắc để biết đâu mai này thêm nhiều đồng nghiệp của anh nối bước sang chơi ở J-League. Mong là vậy.
[box]Lời xin lỗi của chuyên gia Kazuyoshi Tanabe
Hơn ba tháng sang VN giữ vai trò cố vấn cho chủ tịch VPF, chuyên gia bóng đá người Nhật - ông Kazuyoshi Tanabe - phải về nước chịu tang cha. Sau tang lễ, sức khỏe của ông Tanabe bất ngờ suy sụp. Kết quả kiểm tra ở Bệnh viện Tokyo cho biết ông đang bị ung thư, cần phải hóa trị và xạ trị dài ngày. Điều này khiến giấc mơ hỗ trợ bóng đá VN của ông Tanabe gián đoạn ngoài ý muốn.
Gặp lại ông Tanabe tại Tokyo trong tuần rồi, tôi không khỏi xót xa trước thân hình tiều tụy, gầy gò của ông. Sau khi chào hỏi, ông Tanabe luôn miệng nói lời xin lỗi VPF vì công việc dở dang. Tôi càng xúc động hơn khi ông Tanabe nói: “Cầu xin ơn trên cho tôi chóng bình phục để tiếp tục phần việc còn dang dở với bóng đá VN...”.[/box]
[box]Xem Công Vinh thi đấu qua màn ảnh rộng tại công viên 23-9
15g hôm nay 17-11, người hâm mộ VN được xem trực tiếp tiền đạo Lê Công Vinh cùng đội Consadole Sapporo làm khách trên sân của FC Gifu ở vòng 41 Giải hạng nhì Nhật Bản (J-League 2). Đây là một trong hai trận đấu cuối cùng mùa giải của đội Consadole Sapporo (cùng với trận gặp Giravanz Kitakyusyu ngày 24-11) được trực tiếp trên kênh VTC3 của Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Quang Huy (phó giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) cho biết: “Khi Công Vinh tạo được ấn tượng và thường xuyên ra sân, chúng tôi chính thức đàm phán hợp đồng thông qua một đối tác Nhật Bản để phục vụ nhu cầu của người hâm mộ VN”. Một thành viên của đội Consadole Sapporo cho biết trận đấu giữa Consadole Sapporo và Gifu sẽ được chiếu qua màn ảnh rộng tại công viên 23-9 (TP.HCM).
Đây là hoạt động nằm trong Lễ hội Nhật Bản tại VN nhằm chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Nhật Bản. Thông tin này đã được cập nhật bằng tiếng Việt trên Facebook của CLB Consadole Sapporo. Theo thông tin từ đội Consadole Sapporo, nếu không có gì thay đổi, Công Vinh sẽ có mặt trong đội hình xuất phát vào chiều nay.
Sau 40 vòng, CLB Consadole Sapporo tạm xếp thứ 7 với 60 điểm, kém đội thứ sáu (có suất dự vòng play-off thăng hạng) Tokushima Vortis 3 điểm.
TẤN PHÚC[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận