Khách hàng sử dụng túi nilon gói hàng hóa tại một siêu thị ở Chiba, Nhật Bản. Ảnh: TTXVN
Các nhà bán lẻ Nhật Bản, trong đó có các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi sẽ được yêu cầu tính tiền túi nilon từ mùa hè 2020 trước khi diễn ra Thế vận hội mùa hè 2020 tại Tokyo. Quyết định trên đã được một ủy ban của Chính phủ Nhật Bản nhất trí ngày 1/11.
Theo kế hoạch này, Chính phủ Nhật Bản sẽ cố tạo cho người tiêu dùng nước này có thói quen mang túi đi chợ và giúp họ hiểu được biện pháp này là một bước tiến tới thay đổi lối sống của mình. Mỗi nhà bán lẻ sẽ có thể quyết định về mức tính cước phí túi nilon.
Động thái này của Nhật Bản diễn ra sau khi các nền kinh tế chủ chốt trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí về một thỏa thuận nhằm làm giảm lượng rác thải nhựa ở các đại dương tại Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm này tổ chức hồi tháng 6 vừa qua ở Osaka, Nhật Bản.
Theo Liên hợp quốc, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã chỉ trích Nhật Bản quá chậm chạp trong giảm lượng tiêu thụ nhựa, bởi nước này thải ra lượng rác thải nhựa tính theo đầu người lớn hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, trừ nước Mỹ.
Trong khi đó, Nhật Bản tự hào về hệ thống quản lý rác thải ở nước này và cho biết 86% lượng rác thải nhựa của nước này đã được tái chế. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động tái chế này được thực hiện bằng phương pháp đốt đơn thuần, một quá trình tạo ra khí carbondioxide và góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Nhật Bản xuất khẩu khoảng 10% rác thải nhựa ra nước ngoài để tái chế.
Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà môi trường học cho thấy rác thải nhựa cuối cùng có thể đổ ra đại dương hoặc nếu xử lý bằng phương pháp đốt không đúng cách có thể tạo ra những chất gây ô nhiễm.
Hồi năm 2018, Chính phủ Nhật Bản công bố đề xuất xử lý rác thải nhựa với mục tiêu tới năm 2030 giảm được 1/4 trong tổng số 9,4 triệu tấn rác thải nhựa mà nước này thải ra mỗi năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận