Lo ngại tỷ lệ sinh giảm dần có thể tác động mạnh đến nền kinh tế-xã hội, chính phủ Nhật Bản dự kiến tăng số lao động nam được nghỉ thai sản ngay sau khi vợ sinh lên 80%, số người được nghỉ trong giai đoạn nuôi con lên 13% (từ 2,03% trong năm tài khóa 2013), tăng thời gian cho phép những người này ở bên trẻ dưới 6 tuổi lên 150 phút/ngày (từ mức 67 phút vào năm 2011).
Kế hoạch này cũng giúp nâng tỷ lệ nữ giới tiếp tục làm việc sau khi sinh con thứ nhất lên 55% (từ mức 38% vào năm 2010).
Chính phủ đặt mục tiêu tăng số trẻ được nhận nuôi tạm thời tại các cơ sở chăm sóc trẻ em tới 11,34 triệu và số trẻ em bị bệnh được chăm sóc lên 1,5 triệu em. Cả hai số liệu này đều cao hơn 3 lần so với hiện tại.
Nhằm hỗ trợ các gia đình có ba con trở lên, Chính phủ sẽ cân nhắc cho phép nhiều gia đình gửi con thứ ba đến trung tâm chăm sóc trẻ em miễn phí và yêu cầu chính quyền địa phương ưu tiên những trẻ này khi nhập học vào các trường mẫu giáo.
Tại Nhật Bản, tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) bắt đầu giảm từ 4,54 vào năm 1947 xuống còn 1,26 vào năm 2005. Những năm gần đây, con số này tăng nhẹ và chững lại ở mức 1,43 vào năm 2013.
Theo tầm nhìn dân số dài hạn của Chính phủ, nếu tăng tỷ lệ sinh lên 1,8 đến năm 2030 và 2,07 đến năm 2040, Nhật Bản có thể chặn đứng tình trạng dân số giảm xuống dưới mức 100 triệu người vào năm 2060.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận