12/03/2011 11:30 GMT+7

Nhật Bản chuẩn bị đối phó với thảm họa ra sao?

CẢNH TOÀN (Theo NYT, Time)
CẢNH TOÀN (Theo NYT, Time)

TTO - Nằm trên vành đai lửa - một vòng cung các hoạt động địa chấn bao quanh lòng chảo Thái Bình Dương - Nhật Bản là một trong những nước thường xuyên xảy ra động đất nhất trên thế giới, nhưng đồng thời cũng là một trong những nơi được trang bị tốt nhất để đối phó với thiên tai.

Cảnh báo sóng thần khắp Thái Bình Dương

AR4Chl2Z.jpgPhóng to
Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso theo dõi diễn tập chống động đất ở Nhật Bản - Ảnh: Kantei

Quy tắc xây dựng được cải tiến

Khi thiên tai xảy ra, các trụ nhà của Nhật Bản vẫn luôn khá vững. Năm 1981, Nhật Bản đã cải tiến chỉ dẫn xây dựng có những thông tin khoa học về động đất. Trận động đất Kobe 1995 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 6.000 người đã dấy lên một nghiên cứu khác về an toàn trong động đất và kiểm soát thảm họa. Năm 2000, Nhật Bản ban hành các chỉ tiêu và quy tắc xây dựng, bổ sung những cuộc kiểm tra chất lượng và các yêu cầu cụ thể bắt buộc.

Điểm khác biệt về tiêu chuẩn xây dựng nhà của Mỹ - vốn cũng thường xảy ra động đất - và Nhật Bản ở chỗ trong khi Mỹ tập trung xây nhà sao cho không bị sụp đổ khi xảy ra địa chấn thì Nhật Bản chú trọng vào ngăn chặn các thiệt hại lớn có thể xảy ra khi tòa nhà rung chuyển.

Ngày nay, Nhật Bản đã bỏ xa Mỹ trong việc xây dựng các tòa nhà với những phương tiện tiên tiến gọi là tấm cách ly và các miếng tản năng lượng để làm giảm năng lượng từ sự rung chuyển của mặt đất.

Các thiết bị cách ly chủ yếu là những tấm cao su và thép khổng lồ được cài đặt ở dưới cùng móng tòa nhà. Các miếng tản năng lượng được xây lắp bên trong bộ khung tòa nhà, là những xylanh thủy lực có thể co giãn khi tòa nhà rung chuyển, làm giảm năng lượng của địa chấn.

Ngay cả ở cấp địa phương, ưu tiên hàng đầu vẫn luôn là sự chuẩn bị sẵn sàng: từ năm 1979-2009, tỉnh Shizuoka luôn dành ra 4 tỉ USD để cải thiện sự an toàn trong bệnh viện, trường học và một số điểm công cộng.

Những thành phố của Nhật Bản có thể rung chuyển trong địa chấn nhưng ít khi xảy ra sụp đổ diện rộng. "Điều này khiến tôi hoàn toàn tin tưởng vào quy trình xây dựng của Nhật Bản", chuyên gia nghiên cứu về động đất ở Nhật Bản Charles Schencking thuộc Đại học Hong Kong nói.

Giáo dục ý thức cộng đồng

Kể từ năm 1960, hằng năm Nhật Bản đều tổ chức ngày phòng chống thiên tai vào 1-9 để kỷ niệm trận đại động đất năm 1923 tại vùng Kanto. Ở nhiều trường học của Nhật Bản, ngày lễ kỷ niệm này bắt đầu bằng một cuộc diễn tập di tản. Ngay cả thủ tướng cũng tham gia sự kiện này.

Các cuộc diễn tập khẩn cấp thường do các cơ quan nhà nước hoặc tư nhân tổ chức. Một trong những nội dung diễn tập là vận chuyển những hành khách mắc kẹt từ cơ quan về nhà. Truyền thông Nhật Bản cho biết những báo cáo về người mất tích ban đầu, sau này đều được tìm thấy phần lớn họ đang ở các trường học trú tạm hoặc những trung tâm cộng đồng.

Ở thị trấn Ofunato từng bị sóng thần vào năm 1960, người ta dễ bắt gặp hàng chục biển chỉ dẫn bằng tiếng Anh và Nhật đánh dấu lối thoát hiểm, còn còi báo động khẩn cấp thì được kiểm tra ba lần/ngày. "Với những công dân đã được huấn luyện thì chỉ cần 5-10 phút là bạn đã có thể tìm được đến vùng đất cao hơn để tránh lũ", một chuyên gia về sóng thần nói.

Hệ thống phòng chống hiện đại

oMmDJ5eL.jpgPhóng to
Một nhà máy lọc dầu ở thành phố Chiba, Nhật Bản cháy sau khi xảy ra động đất. Vấn đề tiêu chuẩn xây dựng của Nhật Bản luôn được quan tâm nghiêm ngặt - Ảnh: EPA

Là quốc gia khai sinh từ tsunami (sóng thần), hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần của Nhật Bản rất tinh vi. Những thập niên 1980-1990, các tấm tường nước bằng bêtông được xây dựng ở nhiều khu dân cư, có nơi cao đến 12m để ngăn nước.

Ở một số thành phố duyên hải, đặc biệt là khi có xảy ra động đất, mạng lưới bộ cảm ứng được thiết kế để tạo ra các báo động đến từng khu nhà và đóng cửa ngăn lũ ngay lập tức để tránh nước tràn vào qua các cửa sông. An toàn trong sóng thần thường là trọng tâm của nhiều thành phố này. Ở bờ biển phía Đông là nơi thường xuyên có sóng thần nhất, hàng trăm lán tạm trú đối phó với động đất và sóng thần đã được xây dựng.

Dịch vụ cảnh báo sóng thần của Nhật Bản được thành lập từ năm 1952 với hơn 300 bộ cảm biến đặt xung quanh quần đảo này, trong đó có 80 bộ cảm biến dưới nước để theo dõi hoạt động địa chấn 24/7. Hệ thống này được thiết kế để dự đoán chiều cao, tốc độ, nơi chốn và thời gian mà sóng thần đổ bộ đến bờ biển Nhật Bản.

Dĩ nhiên, tất cả sự chuẩn bị trên chỉ mang tính chất tương đối. Con người không thể ngăn chặn các thảm họa thiên tai. Dẫu vậy, cho dù mức độ phá hoại hay số người tử vong có ở mức độ nào thì một điều chắc chắn là hậu quả thiên tai sẽ còn nặng nề hơn nếu Nhật Bản không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy.

Tin bài liên quan:

Văn hóa người Nhật nhìn từ vụ động đấtSiêu động đất tàn phá Nhật BảnNhật Bản: Động đất 8,9 độ richter, hàng trăm người thiệt mạngHình ảnh trận động đất kinh hoàng tàn phá Nhật Bản

CẢNH TOÀN (Theo NYT, Time)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên