08/04/2021 10:06 GMT+7

Nhân sự trường đại học công 'chảy' qua trường tư

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Nhiều giảng viên, cán bộ quản lý chuyển từ trường đại học công lập sang tư thục. "Làn sóng" này âm thầm diễn ra nhiều năm qua.

Nhân sự trường đại học công chảy qua trường tư - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) trong giờ học. Đây là trường thu hút nhiều nhân lực từ trường công - Ảnh: M.G.

Các trường đại học tư hầu như trường nào cũng có người từ trường công chuyển về từ giảng viên đến cán bộ quản lý cấp trung, cấp cao.

53 người về một trường tư

Thống kê từ Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cho thấy trong 5 năm qua có 53 người từ trường công và tự chủ tài chính chuyển về. Ông Bùi Văn Thế Vinh - phó hiệu trưởng HUTECH - cho biết trong số những người chuyển về có một giáo sư, ba phó giáo sư, 32 tiến sĩ, 17 thạc sĩ.

Hai người được bổ nhiệm phó hiệu trưởng, 12 lãnh đạo phòng, khoa, còn lại là giảng viên. Theo ông Vinh, có nhiều lý do khiến nhân sự chuyển từ trường công về trường tư, trong đó có yếu tố môi trường làm việc và thu nhập. "Bình quân khoảng 10 người/năm, như vậy là chưa nhiều. Trường vẫn muốn thu hút nhiều người có năng lực về trường làm việc hơn nữa" - ông Vinh nói thêm.

Đại diện nhiều trường tư khác như ĐH Văn Lang, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM... cũng cho biết có không ít người từ trường công chuyển về. Theo ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, có hai yếu tố chính trường tư hút người từ trường công là môi trường làm việc năng động và thu nhập. Ngoài ra còn có những lý do khác như cơ hội phát triển, đánh giá hiệu quả dựa trên năng lực.

Tương tự, ông Mạch Trần Huy - phó chánh văn phòng Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM - cho biết thường người từ trường công về không nói lý do. Nhưng qua cá tính và cách làm việc có thể thấy những người này cần môi trường năng động, nhanh, hiệu quả và được phát huy năng lực cá nhân. Do trường tư tự chủ nên mỗi cá nhân làm việc hiệu quả và đạt mục tiêu của trường thì sẽ được tạo điều kiện phát huy, cơ chế nhanh gọn mà vẫn đảm bảo quy định.

"Phần lớn trường tư có chế độ lương, chính sách đãi ngộ tốt hơn. Lương điều chỉnh hằng năm hoặc thưởng theo hiệu quả công việc. Trong khi đó, trường công sau ba năm đầu mới lên lương một lần. Rồi lần tiếp sau đó là hai năm lên lương một lần, hệ số lương tăng cũng không cao. Có lẽ đó cũng là yếu tố tác động đến nhân sự. Tuy nhiên không phải ai ở trường công về cũng được nhận. Trường tư tuyển bằng năng lực cá nhân họ nhiều hơn các yếu tố tác động khác" - ông Huy nói thêm...

Trong khi đó, một người vừa rời trường công chuyển sang trường tư cho biết chưa hẳn thu nhập ở trường tư đã cao hơn trường công. "Môi trường làm việc và cách đánh giá năng lực dựa trên việc làm được chứ không cảm tính như trường công mới là lý do" - ông này nói.

"Cái gì cũng có giá của nó"

Tháng 3-2021, PGS.TS Trần Mạnh Hà thôi làm phó hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng sau hơn 2 năm. Trước khi được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng trường này, ông Hà là trưởng khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Nói về lý do khi đang là trưởng khoa trường công lại chuyển về trường tư, ông Hà cho biết có nhiều lý do. "Đó là mối quan hệ cá nhân. Tôi đã mười năm làm ở trường công nên cũng muốn thay đổi để trải nghiệm và học hỏi thêm từ thầy của mình. Cái gì cũng có giá của nó. Thu nhập cao hơn nhiều nhưng áp lực cũng rất đáng kể" - ông Hà nói.

Hai năm làm phó hiệu trưởng trường tư, điều ông Hà nhận thấy là người từ trường công qua lúc đầu hơi bỡ ngỡ cách tiếp cận, chưa nhạy tư duy kinh doanh.

"Cách vận hành cũng như hoạch định mục tiêu chiến lược khác hoàn toàn trường công. Trường tư mục tiêu trọng tâm là tuyển sinh nên người làm quản lý cũng phải có tư duy kinh doanh. Trong khi đó mục tiêu trường công chủ yếu là thành tích, tham gia chuẩn này chuẩn kia, xếp hạng đại học.

Do đó, khả năng thích nghi của người từ trường công qua trường tư thời gian đầu hơi khó. Mối quan hệ ông chủ - người làm ở trường tư là điều bình thường. Đôi khi chủ đầu tư muốn người làm phải đạt ngay những con số, những chỉ tiêu cụ thể nhưng lại không cho nhiều thời gian để xây dựng, phát triển để đạt được những con số đó. Đó cũng là lý do nhiều người chuyển qua làm hiệu trưởng trường tư ít người trụ được lâu" - ông chia sẻ thêm.

Một người khác cũng vừa rời vị trí quản lý cấp trung ở một ĐH công lớn tại TP.HCM để sang trường tư chia sẻ: "Điểm cố hữu của trường công là tư duy nhiệm kỳ. Người nào làm hiệu trưởng thường xây dựng đội ngũ với những vị trí quan trọng là những người thân tín với mình. Trường tư đánh giá năng lực cá nhân qua hiệu quả công việc cụ thể.

Trong khi trường công cảm tính hơn, bầu bán, bỏ phiếu, họp hành đánh giá. Đó là lý do vì sao những người khác quan điểm dù làm việc tốt vẫn không được trọng dụng. Đó là chưa kể việc bổ nhiệm nhân sự phải có quy hoạch, tiêu chuẩn rất khắt khe nhưng đôi khi người được bổ nhiệm lại làm việc không tốt, gây ức chế cho những người xung quanh. Dĩ nhiên trường tư cũng rất áp lực, nhất là người làm tuyển sinh, làm việc căng thẳng và không hợp với người thiếu năng động...".

Ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - cho biết đội ngũ là yếu tố quan trọng nhất trong mục tiêu phát triển của trường. Việc thu hút và giữ chân đội ngũ không chỉ có tiền, thu nhập cao. "Trả lương cao đôi khi cũng không kéo được người giỏi về nếu không có môi trường làm việc tốt, văn hóa ứng xử không chu đáo. Như thế trải thảm đỏ người ta cũng không về hoặc về rồi sẽ đi chứ không làm việc lâu dài.

Tiền có thể xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đầu tư công nghệ, mua chương trình, giáo trình nhưng đôi khi không thể mua được con người. Phải có các yếu tố khác để họ thoải mái làm việc, cảm thấy được tôn trọng và được đánh giá đúng, có cơ hội phát triển bản thân..." - ông Tuấn nói thêm.

Hai yếu tố giữ chân nhân sự

Từ góc độ trường công, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng hai yếu tố chính giữ chân nhân sự là thu nhập và môi trường làm việc. Lương không đủ sống thì nhân sự phải chuyển qua nơi làm việc có thu nhập cao hơn. Người giỏi thì ở đâu cũng có thể phát huy được nếu có môi trường làm việc phù hợp và được tạo điều kiện.

"Trường tự chủ nên có thể đảm bảo mức thu nhập của người lao động ở mức tốt so với mặt bằng chung. Người nào muốn đi tôi sẵn sàng cho đi. Người nào cần phải giữ thì trường sẽ có chính sách đặc biệt để giữ lại" - ông Dũng nói thêm. Ông Dũng cho rằng trường công đâu đó vẫn còn tình trạng phe phái, đấu đá nhau khiến môi trường làm việc nặng nề và kém hiệu quả.

Báo động người học thạc sĩ bỏ chọn trường công, Báo động người học thạc sĩ bỏ chọn trường công, 'chạy sang' trường tư

TTO - Thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy năm học 2017-2018, gần 6.000 người chọn học thạc sĩ ở các trường tư, tăng đến 70,5%, trong khi số vào trường công giảm.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên