Các khách mời trao đổi tại tọa đàm “Có niềm tin, có sức mạnh” tại báo Tuổi Trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các khách mời tham gia tọa đàm với chủ đề "Có niềm tin, có sức mạnh: Vững tin, bền chí tạo thành công" này là những chính khách, doanh nhân thành đạt, những người làm giáo dục, người trẻ tài năng.
Họ mang tới nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng đều thống nhất rằng: Niềm tin rất khó để xây dựng nhưng nó sẽ không bao giờ mất đi, mà sẽ được nhân lên nhờ nỗ lực không mệt mỏi của mỗi người.
Niềm tin không mất đi
Kỳ tích của đội tuyển U-23 Việt Nam tại đấu trường châu Á mới đây cứ trở đi trở lại trong những câu chuyện của các khách mời.
Nhà báo Cao Huy Thọ - báo Tuổi Trẻ - mở đầu câu chuyện: "Cũng là những con người đó, nửa năm trước họ thất bại và bị phê phán. Nhưng nửa năm sau họ đã làm nên kỳ tích".
Ông Dương Trung Quốc - nhà sử học, đại biểu Quốc hội - cho rằng chính huấn luyện viên Park Hang Seo là người đã vực dậy sự tự tin trong các cầu thủ.
Theo ông Quốc, hiệu ứng tích cực từ đội tuyển U-23 Việt Nam, cùng với những sự kiện như lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là những cuộc "tập hợp lực lượng" của cả dân tộc.
Ông Quốc cho rằng: "Rõ ràng niềm tin vẫn ở đó, chưa bao giờ mất đi. Vấn đề là chúng ta phải khơi gợi nó lên".
Kể câu chuyện của chính mình, ông Nguyễn Thế Lam - phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển Phú Quốc - minh chứng cho câu chuyện niềm tin còn rất nhiều và có niềm tin sẽ không thất bại: "Khi tôi quyết định trở về Việt Nam có người nói với tôi: "Ông Lam, ông sống ở Việt Nam được mới giỏi".
Tôi chỉ nghĩ rằng mình đã đạt mục tiêu ở Đức là kiếm được kiến thức và một khoản tiền. Giờ mình về cũng tự tin làm được điều đó trên mảnh đất quê hương mình".
Cũng được coi là một người thành công, bà Nguyễn Phi Vân - một doanh nhân, tác giả cuốn sách nổi tiếng Quảy gánh băng đồng ra thế giới - kể lại quá trình niềm tin "lên xuống bất thường" của mình.
Ngày còn đi học, bà học giỏi có tiếng trong trường, được nhiều người biểu dương.
Bà kể: "Lúc đó tôi quá tự tin, trong khi nội lực không đủ. Sau này đi làm, được tiếp xúc với nhiều bạn nước ngoài. Có lần một anh nói: Mình nghĩ Phi Vân có tiềm năng nhất định, nhưng nếu cứ vậy hoài thì cũng không đi được tới đâu. Tôi cũng hơi giật mình".
Ra nước ngoài học và đi làm, nhận thấy sự thua kém của mình, bà Vân kể rằng bà lại mất niềm tin vào bản thân.
"Nhưng khi thấy mình thua kém cũng là lúc biết phải làm gì để nâng con người mình lên" - bà Vân nói.
Và bây giờ, bà là chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia.
Nhân lên những đốm lửa U-23
Qua câu chuyện của mình, bà Nguyễn Phi Vân cho rằng ở Việt Nam nếu có sự chuẩn bị về tâm thế, kiến thức, khả năng, con đường đi cho người trẻ tốt hơn thì có lẽ sẽ không bao giờ có những bạn trẻ bị mất niềm tin.
Câu hỏi xây dựng niềm tin từ đâu lại trở thành một đề tài để các khách mời thảo luận.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đưa ra nhận định hiện nay xã hội đang bị khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng và cuộc khủng hoảng này còn chưa đi tới đáy.
Ông Hòa nêu lên thực trạng nhiều người trong xã hội đang mất niềm tin nghiêm trọng, đọc tin trên mạng thấy chuyện xấu thì tin ngay, mà chuyện tốt lại bảo là "diễn đấy".
Ông cho rằng người ta có thể có những niềm tin khác nhau nhưng niềm tin chính trị và niềm tin đạo đức thì phải thống nhất. Từ đó, ông nhận định rằng: "Phải bắt đầu từ niềm tin chính trị".
Các khách mời có mặt cho rằng "niềm tin chính trị" theo quan điểm của ông Hòa rất quan trọng, nhưng điểm bắt đầu phải là từ bản thân mỗi người.
Ông Nguyễn Thế Lam nói nếu bản thân không thể tác động để thay đổi ở tầm cao thì hãy bắt đầu từ chính bản thân mình, tác động tích cực đến những người xung quanh.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng khủng hoảng niềm tin xuất phát từ khủng hoảng giá trị, không biết điều gì là tốt, điều gì là xấu. Niềm tin không thể xây dựng từ những điều không có thật, mà phải chính từ trải nghiệm của mỗi người, từ niềm tin nội tâm của mỗi người.
Ông Nguyễn Minh Hòa cũng đồng tình với điều này và cho rằng mỗi người một chút ráng lên, nhưng xã hội cũng cần có tác động để phục hưng niềm tin.
"Câu chuyện từ bóng đá dội ra chính trường. Nếu chúng ta có nhiều U-23, nhiều câu chuyện như U-23 sẽ đánh thức hệ thống giá trị, điều chỉnh lại các giá trị xã hội" - ông Dương Trung Quốc nói.
Vun bồi sự tự tin
Là một người rất trẻ, bạn Nguyễn Tuấn Tú - chàng sinh viên từng được nhận học bổng của RMIT và vừa tốt nghiệp loại giỏi - cho rằng kiến thức cũng là yếu tố rất quan trọng với niềm tin.
Theo Tú, nếu không đủ kiến thức để phân biệt đúng sai thì thực tế cuộc sống và những thông tin trên mạng xã hội có thể dễ dàng tác động và niềm tin cứ thế bị giảm dần.
Ông Trần Minh Trọng, một người làm công tác đào tạo nguồn nhân lực, cũng khẳng định niềm tin phải được xây dựng từ những điều rất nhỏ và rất lâu.
Từ trải nghiệm cá nhân và làm việc với nhiều học viên, ông thấy rằng giáo dục nhà trường và gia đình hiện nay không trao cho người ta nhiều niềm tin và thậm chí là niềm vui trong cuộc sống.
"Tôi dạy cho các học viên của mình tin vào luật nhân quả. Mình đâu vui gì, hạnh phúc gì, khỏe mạnh gì nếu như mình mất niềm tin vào người khác và bản thân mình. Vậy thì tại sao lại mất niềm tin?" - ông Trần Minh Trọng nói.
Để vun bồi niềm tin, sự tự tin này, ông Trọng đưa ra một ý tưởng trong lĩnh vực đào tạo doanh nhân. Đó là việc lập ra một học viện đào tạo các doanh nhân nhí, bởi làm kinh doanh cũng như đá bóng, có thể rèn luyện được.
Thực tế cho thấy các tỉ phú trên thế giới đều được tiếp cận với công việc kinh doanh từ rất sớm. Chúng ta để tới 18 tuổi mới dạy là quá trễ, trong khi có thể rèn giũa kiến thức và các giá trị đạo đức từ nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận