21/02/2018 10:11 GMT+7

Có niềm tin, biết mình đứng ở đâu, là có sức mạnh!

VIỄN SỰ thực hiện
VIỄN SỰ thực hiện

TTO - Nhìn không khí cả nước những ngày U23 Việt Nam làm nên kỳ tích, mỗi người cần định vị lại vị trí, thắp lên ngọn lửa từ nguồn năng lượng mà từ trước đến nay chúng ta không nghĩ mình đang có.

Có niềm tin, biết mình đứng ở đâu, là có sức mạnh! - Ảnh 1.

Biển người với cờ đỏ sao vàng phấn khích đón đội U-23 Việt Nam trở về tại đường Đào Tấn và Kim Mã, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Thành công của đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam tại Giải vô địch bóng đá U-23 châu Á vừa qua đã gieo một niềm tin mạnh mẽ đến nhận thức của hàng triệu người Việt: những điều trước đây chưa làm được thì nay đã làm được, nhìn rõ hơn một mạch nguồn năng lượng lớn lao và chờ điều đó được khơi thông…

Từ câu chuyện của U23 Việt Nam, TS Trương Minh Huy Vũ - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) - bắt đầu câu chuyện bên thềm xuân mới với Tuổi Trẻ về nguồn lực của đất nước.

truongminhhuyvu 2 3(read-only)

TS Trương Minh Huy Vũ

Thắp lửa cho mọi người

* Nghĩa là nhiều việc chúng ta có thể làm được nhưng lại không tự tin?

Có tâm lý đó, nhưng đúng hơn là không ai làm. Tôi xin chia sẻ câu chuyện về mô hình "hội quán" của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan. Đó là nơi người nông dân nói cho nông dân nghe, chính quyền, nhà khoa học, người buôn bán nói cho người nông dân nghe và nghe nông dân nói lại.

Hội quán ban đầu là nơi nói chuyện, sau đó là nơi cùng canh tác, gắn với thị trường. Ban đầu chỉ lâu lâu mới có nhà khoa học đến thì sau đó mời nhiều nhà khoa học, nói nhiều hơn về quy trình canh tác, nông nghiệp sạch, công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, trao đổi trực tuyến với các chuyên gia ở nước ngoài.

Lúc đầu, nhiều người nghi ngại nhưng đến giờ ở Đồng Tháp đã có 23 hội quán bàn chuyện làm ăn lớn hơn, quy trình canh tác, xây dựng thương hiệu nông sản… Thậm chí có nông dân nói nếu Nhà nước không trang bị đủ điều kiện, họ sẽ bỏ tiền túi ra làm hội quán.

Người nông dân ở Đồng Tháp cũng giống như các cầu thủ U23 Việt Nam, họ định vị được vị trí, thắp được lửa mỗi người mà trước giờ ít ai nghĩ mình có hoặc bị bỏ quên.

Tôi nhìn cách mà những người nông dân Đồng Tháp tự tin điều hành các hội quán, tự kết nối, tự bàn chuyện trồng trọt làm ăn lại liên tưởng đến dáng đứng của cầu thủ Văn Thanh sau khi đá quả phạt đền quyết định đưa U23 Việt Nam vào chung kết. Tất cả đều rất tự tin, biết mình đứng ở đâu.

* Ngoài nội lực, những chàng trai đôi mươi U23 Việt Nam hay những người nông dân Đồng Tháp còn có sự đồng lòng rất lớn để làm nên thành công. Làm sao thúc đẩy được điều đó ở những con người khác, câu chuyện khác?

Nguồn lực thì không mất, lòng dân không mất, nhưng làm sao để khơi lên? Vấn đề "kỹ thuật" là không khó, thế giới đã có nhiều mô hình, chúng ta có thể học hỏi, sử dụng tùy vào tình hình thực tế. Nhưng cái quan trọng nhất phải là niềm tin. 

Nông dân Đồng Tháp tham gia hội quán vì tin ông bí thư tỉnh ủy làm thật, làm có chiến lược. Cổ động viên ngất ngây với U23 Việt Nam vì tin là đội bóng đá sạch, nếu không ai tin thì cho dù mang đội hình của M.U về đá cũng chưa chắc tạo được sự ủng hộ, sự phấn khích đó. Có nghĩa là nói đến ông bí thư Đồng Tháp hay nói đến U-23 Việt Nam thì dân sẽ tin đó là cá nhân, tập thể đàng hoàng, không có lợn cợn gì cả.

Khi có niềm tin rồi thì không cần phải đi vận động mà tự nhiên dân sẽ tới, nguồn lực sẽ đổ về. Niềm tin đó từ trước đến nay dường như không nhiều… Và đất nước phát triển phải luôn có và trông chờ vào những người, những tập thể gieo được niềm tin là làm thật, thiếu cái đó thì thua.

Nhìn không khí cả nước những ngày U-23 Việt Nam làm nên kỳ tích, tôi nghĩ về việc đất nước, mỗi con người cần định vị lại vị trí, thắp lên ngọn lửa từ nguồn năng lượng mà từ trước đến nay chúng ta không nghĩ mình đang có.

TS Trương Minh Huy Vũ

Không ai thông minh hơn người dân

* Nhưng câu chuyện của đất nước thì không chỉ một giải đấu của U23 hay chỉ tỉnh Đồng Tháp mà là 63 tỉnh thành, là cả tiến trình. Làm sao để tinh thần đó dẫn dắt mọi người, mọi nơi, mọi việc?

Khi U23 Việt Nam thành công người ta nhắc đến bầu Đức (ông Đoàn Nguyễn Đức, chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai). Mọi người khen bầu Đức thì hãy nhớ chiến lược bóng đá đã được bầu Đức tính từ hàng chục năm trước. Khi làm chiến lược như vậy thì phải có một số mô hình mẫu để nói được là sẽ thành công. 

Và U23 ở giải đấu vừa rồi là một hình mẫu. Tất nhiên giải đấu chỉ là một sự kiện, hết sự kiện rồi thôi. Sự kiện đó có thể thành công, có thể thất bại nhưng qua đó người ta biết được chiến lược, định vị năng lực ở chỗ nào.

Ở Đức, khi chọn ông Joachim Loew làm HLV đội tuyển (từ năm 2006), người ta không chỉ chọn một người dẫn dắt đội bóng qua các giải đấu mà chọn triết lý bóng đá ông ấy đã theo đuổi. Cho nên trong thời kỳ của ông Joachim Loew có những trận đấu, giải đấu mà đội tuyển Đức không thành công nhưng người hâm mộ vẫn tin. 

Cũng như đội U23 Việt Nam thua trận chung kết nhưng thắng trong trái tim. Thua ở những giây cuối cùng, thua trong một tình huống, không nói lên được câu chuyện. Câu chuyện nằm ở cả giải đấu, ở tương lai phía trước mà các cầu thủ đã gieo niềm tin vào người hâm mộ.

Rõ ràng, nếu không đầu tư tính toán chiến lược và làm một cách chiến lược thì sẽ không ra lứa cầu thủ như U23 Việt Nam vừa qua. Tương tự, cũng sẽ không có mô hình hội quán như ở Đồng Tháp, không có những vượt bậc về cải cách hành chính như ở một số địa phương… 

Và rộng hơn có thể là câu chuyện "đốt lò" chống tham nhũng, xử đại án mà trung ương đang làm.

Có niềm tin, biết mình đứng ở đâu, là có sức mạnh! - Ảnh 5.

Thành công của U23 Việt Nam đã gợi cảm hứng về sức mạnh của thế hệ thanh niên hiện nay. Trong ảnh: Thanh niên tình nguyện 2017 TP.HCM - Ảnh: Q.L.

* Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói hình ảnh của đội U23 Việt Nam thể hiện cho tinh thần quyết tâm, đoàn kết để giành chiến thắng trong điều kiện khó khăn nhất, điều mà người Việt rất cần lúc này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi nhân rộng bản lĩnh, ý chí của U23 Việt Nam. Điều này thật mới mẻ và cũng rất thực tế?

Tôi không bất ngờ với điều đó, cảm xúc của người dân chính là thước đo sự hài lòng, tấm lòng của họ với đất nước. Có một câu nói của bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân mà tôi tâm đắc: "Mỗi người dân hãy là một 'cảm biến'".

Khi đó, người dân sẽ tích hợp thông tin, đưa thông tin cho chính quyền và chiều ngược lại là tiếp nhận, cảm nhận thông tin và thái độ phản hồi của người dân chính là bảng thống kê, đánh giá chuẩn xác nhất với chính quyền.

Do vậy, trở lại câu chuyện khơi nguồn năng lượng trong dân thì đầu tiên là tạo niềm tin, thứ hai là phải có chiến lược và thứ ba phải cung cấp minh bạch cho người dân. Khi có niềm tin, người dân sẽ tự quyết định đổ ra đón U23 Việt Nam trên quãng đường dài 30km mà không cần ai kêu gọi.

Khi có niềm tin, người dân sẽ tự chọn được cho mình con đường nào tốt nhất để đi, bệnh viện, trường học nào tốt nhất để gửi con em mình vào… Không ai có thể thông minh hơn người dân được.

Và khi dân trở thành một cảm biến thì những dữ liệu được phân tích trên cơ sở lựa chọn của người dân là những thông tin chính xác cung cấp ngược lại cho chính quyền, giúp chính quyền loại bỏ những tác nhân xấu, lựa chọn những tác nhân tốt cho sự phát triển.

* Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Đừng lãng phí nguồn năng lượng vô tận

nguyenquocvuong-210218-3read-only-15191753266371006228930

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Cách đây 150 năm, cuộc duy tân Minh Trị với những cải cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đã đưa Nhật Bản vượt trở thành một trong những cường quốc trên thế giới.

Học Nhật Bản là phải nhìn thẳng vào thực trạng đất nước để tìm nhiều con đường khác nhau đóng góp cho đất nước.

Một người không làm được, nhưng nhiều người sẽ làm được. Nếu đứng riêng rẽ sức mạnh của từng cá nhân sẽ không đáng kể nhưng khi các cá nhân tự thân giác ngộ và có sự đồng cảm, liên kết sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng to lớn.

Người Nhật luôn được dạy, "dân chủ là toàn dân trị nước", đất nước không thể thay đổi nếu từng người dân không thay đổi.

Từng gia đình giáo dục nên người con tốt, từng nhà trường đào tạo những học sinh tốt, từng cá nhân nỗ lực phản tỉnh để văn minh hóa thì xã hội tất yếu sẽ thay đổi mà không ai có thể cưỡng lại được.

Đội tuyển U23 Việt Nam đã tạo ra chất xúc tác, khơi dậy được khát vọng chinh phục đỉnh cao với hàng triệu người hâm mộ.

Nhiều quốc gia khác đang mơ ước có được nguồn năng lượng từ dân số trẻ như Việt Nam hiện nay. Nhưng liệu có bao nhiêu bạn trẻ đang nhận thức được vai trò của mình ra sao trong xã hội? Đất nước đang đối mặt với những vấn đề gì? Tương lai dân tộc sẽ ra sao?...

Khi thanh niên chưa tự vấn những câu hỏi ấy thì đất nước sẽ rất lãng phí nguồn năng lượng khổng lồ. Khi đó, dù đang trong thời kỳ dân số trẻ, nguồn sức mạnh quốc gia sẽ ngủ quên và đất nước khó bứt phá vượt lên.

Nếu hàng triệu người hâm mộ bóng đá dùng tất cả năng lượng say mê như vậy để làm những việc thiết thân hằng ngày thì chắc chắn đất nước sẽ đổi khác.

Sự kiện U23 Việt Nam vừa rồi đã gợi cảm hứng để mỗi người suy ngẫm về sức mạnh của thế hệ thanh niên hiện nay. Để phát huy nguồn năng lượng đó, mỗi thanh niên cần có nghị lực, ý chí, mục tiêu, triết lý để theo đuổi.

Con người là nguồn lực quý giá nhất, nếu để lãng phí nguồn lực trẻ hiện nay, đất nước sẽ lỡ thời cơ vươn lên.

VŨ VIẾT TUÂN ghi

* TS Trần Đình Hằng (phân viện trưởng Phân viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế): Phải có chìa khóa vàng để kích hoạt nguồn lực

trandinhhang-3read-only-1519175326638961034951

TS Trần Đình Hằng

Thưa ông, sự kiện đội bóng đá U23 Việt Nam đoạt á quân châu lục cùng hình ảnh người dân Việt Nam sục sôi với niềm tự hào dân tộc và bày tỏ tình yêu đất nước một cách đặc biệt, gợi cho ông suy nghĩ gì?

Có thể nói sự kiện U23 vừa qua đã bày tỏ lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc dâng trào của người Việt Nam một cách cuồn cuộn và mãnh liệt nhất mà lâu lắm rồi chúng ta mới nhìn thấy lại.

Nó không còn là tình yêu bóng đá nữa mà là tình yêu nước, vượt khỏi khuôn khổ sự kiện thể thao mà đầy tính biểu tượng của một sự kiện chính trị - xã hội, văn hóa, giáo dục, đạo đức, pháp luật... được bộc lộ rõ.

Đó chính là sức mạnh nhân dân, là nội lực đất nước trong việc kiến tạo, khẳng định vấn đề bản sắc văn hóa và bản lĩnh quốc gia dân tộc. Quan sát những dấu hiệu chỉ báo đó, người quản lý xã hội có thể đo lường, đánh giá trạng thái, năng lực của quốc gia để hoạch định đường lối, chính sách... trong tâm thế của một "thời cơ vàng".

Vấn đề là chúng ta đã chớp lấy thời cơ và khai thác giá trị vàng đó như thế nào trong việc gắn kết lòng người, gắn kết vùng miền để phát triển đất nước.

Có ý kiến cho rằng tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc của người dân mọi quốc gia luôn tích tụ sẵn. Việc quan trọng là phải có cú kích hoạt thật mạnh như kỳ tích U23 để lòng nhiệt huyết đó tuôn trào. Ý kiến của ông thì sao?

Đúng như vậy, nhưng riêng với Việt Nam qua sự kiện U23, cho thấy sự dâng trào đó là khát vọng vượt lên để khẳng định mình với thiên hạ. Đó là khát vọng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ và cả quốc gia.

Với một vị thế chưa cao cũng như trong bối cảnh nhiều khó khăn như Việt Nam hiện nay, khát vọng đó càng sục sôi và mãnh liệt hơn. Vấn đề là phải có chiếc chìa khóa vàng, với bàn tay vàng, đúng thời điểm vàng để kích hoạt, mở ra cánh cửa hiện thực hóa khát vọng đó tuôn trào thành nguồn lực xã hội.

Chìa khóa đó chính là cơ chế, chính sách, môi trường, trong đó chú trọng nổi bật nguồn nhân lực. Nhờ đó, chắc chắn sẽ tạo nên động lực tích cực cho xã hội.

MINH TỰ thực hiện

* Trần Nguyên Nhung (sinh năm 1993, điều dưỡng tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM): Mạnh dạn làm những điều tưởng như không thể

trannguyennhung-3read-only-15191753266391577368179

Trần Nguyên Nhung

Ngay từ những ngày đầu năm 2018, chiến công rực rỡ của đội bóng đá U23 đã làm người Việt Nam, nhất là giới trẻ chúng tôi, cực kỳ phấn khích và tự hào.

Không quá lạc quan nhưng thực tế đã cho thấy nếu tự tin, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được những điều mà trước đây cứ nghĩ là không thể.

Giới trẻ Việt Nam sẽ tự tin hơn trong cuộc sống, vững bước hơn trong công việc mình đã chọn, mạnh dạn dấn thân để làm những điều mà trước đây chúng ta nghĩ là rất khó.

Giới trẻ Việt Nam ai cũng cố gắng thêm chút nữa, sẵn sàng vượt mọi khó khăn, thử thách giống như những điều mà các cầu thủ đội U23 Việt Nam đã làm, chúng ta hoàn toàn có thể giành những thắng lợi không chỉ ở thể thao, mà còn ở mặt trận kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa nghệ thuật…

Ngoài ra, chiến thắng của U23 đã truyền cảm hứng và niềm tin rằng nếu có một ý chí và đoàn kết thì người Việt Nam mình có thể làm tất cả mọi việc. Đặc biệt, nếu giới trẻ được thụ hưởng nền giáo dục, đào tạo bài bản, kỹ lưỡng sẽ trở thành những công dân có kỹ năng, trình độ cao...

Sáng mùng 5 tháng giêng, tôi đi họp nhóm cùng bạn học cũ, ai cũng nói về những dự định cho năm 2018 với không khí vui tươi và đầy hi vọng. Có bạn sẽ học tiếp lên cao học, có bạn đặt mục tiêu nghiên cứu khoa học, bạn thì chỉ đơn giản là hoàn thành tốt công việc đang làm, hoặc có bạn nói sẽ cố gắng tập thể dục để giảm từ 53kg còn 47kg - điều mà mấy năm nay chưa thực hiện được.

Những điều tưởng như dễ dàng nhưng chúng ta không chịu làm, thói quen lười biếng nên cứ mãi ì ạch. Năm mới tới, mọi người cùng hứa phải làm cho bằng được, từ những điều lớn lao hoặc những điều bình thường, nếu ai cũng cố gắng thì sẽ làm được.

Mọi người cùng phấn đấu vì mình, vì gia đình, vì xã hội thì chúng ta không chỉ là ngôi á quân châu Á, mà còn vươn cao lên tầm thế giới.

GIA TIẾN ghi

Mời bạn đọc tham gia bài viết, ý kiến về chủ đề này xin gửi về địa chỉ email: nguyentran@tuoitre.com.vn

VIỄN SỰ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên