21/02/2010 06:18 GMT+7

Nhạc sĩ Minh Châu: Người trồng cây dài vụ

PHẠM THÀNH NHÂN
PHẠM THÀNH NHÂN

TT - Bươn chải giữa vô vàn dự án âm nhạc trên sóng truyền hình, các game show ca nhạc, ngồi ghế giám khảo khắp các cuộc thi..., có người hỏi: “Làm nhiều vậy tiền để đâu cho hết?”, anh cười tay giơ đĩa nhạc Trường ca người Việt mới phát hành: “Để đây nè!”.

Album Trường ca người Việt

gOBKUTY7.jpgPhóng to

Bìa album Trường ca người Việt

Trong mắt nhiều bạn bè đồng nghiệp, Minh Châu vẫn thường được xem là người ít nói, trừ khi chủ đề có liên quan đến âm nhạc dân tộc, bởi với anh đó là một phần đời sống - phần đời sống khác so với những bon chen thường nhật. Anh có thể làm giám khảo kiêm giám đốc âm nhạc cho chương trình Vietnam Idol, là người phụ trách âm nhạc cho Giai điệu bí ẩn, rồi Song ca cùng thần tượng... Nhưng tất cả vẫn chỉ là công việc làm để kiếm tiền và dùng tiền ấy... ném qua cửa sổ như cách anh tự trào.

Đĩa nhạc Trường ca người Việt, theo anh, sẽ không mang đến đồng lợi nhuận nào ngoài điều duy nhất: thỏa được khát khao cống hiến cho nhạc dân tộc.

Phác họa quê hương bằng âm nhạc

Năm 2003, trường ca Bức tranh non nước ra đời đánh dấu một chặng đường sáng tác khác của Minh Châu - ngợi ca cái đẹp của Việt Nam, đất nước, con người. Điểm son đáng ghi nhận nhất của bản trường ca là tác phẩm Việt Nam gấm hoa được khán giả yêu thích qua tiếng hát Quang Linh.

Hỏi anh có mong đợi một tiếng vang lớn hơn thế không, Minh Châu bảo không vì anh biết số phận của một trường ca sẽ là như thế. “Trường ca thường chỉ xuất hiện trong một chương trình lớn, được đầu tư nghiêm túc, dàn dựng công phu, tốn kém trong khi cả thời điểm đó lẫn hiện nay hầu hết ca sĩ lên sân khấu đều chỉ hát một vài bài, cùng lắm có thêm nhóm bè hoặc nhóm múa minh họa”.

Biết, nhưng vẫn dốc túi làm vì tin rằng “Phải có ai đó ca ngợi vẻ đẹp quê hương chứ!”. Vậy là những địa danh anh đã đi qua, từng gốc lúa bờ tre, từng con sông ngọn núi ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc anh đều cố mang hết vào Bức tranh non nước đến mức có nhà phê bình phải “la làng” Minh Châu tham quá. Anh gật đầu: “Tôi có chối đâu! Nhưng tôi tin chắc mọi người sẽ đồng ý với tôi là quê hương đẹp đến nỗi thêm chục bài trường ca nữa cũng chưa thể nói hết”.

Việt Nam gấm hoa, phần 4 của Bức tranh non nước như thâu nhận cả Lời ru đất Bắc, Tiếng vọng miền Trung, Giọng hò phương Nam chỉ để khẳng định điều cha ông ngàn năm khẳng định: “Mênh mông biển trời hoa gấm - sông núi thiêng liêng này của ta”.

Và đâu là những “ta”, những người con tiêu biểu của đất nước này? Hành trình đi để phác họa quê hương lần này là hình ảnh con người bằng âm nhạc lại bắt đầu với Minh Châu.

Những đốm lửa nhỏ

Bước chân lữ hành của Minh Châu đã đi qua những miền quê, từng con phố lớn, tìm kiếm những cụ già, em bé, ghi lại hình ảnh của những chàng trai cô gái Việt Nam từ thuở lập quốc, mang gươm đi mở cõi đến tâm tình người Việt hiện đại qua từng câu chuyện, qua cách sống của người dân.

Anh kể có những câu ca dù đã viết ra, vài năm sau thấy chưa ổn phải ngồi viết lại. Tác phẩm hoàn thành, anh lại lặn lội ra Hà Nội tìm đến các đoàn nghệ thuật, chờ đợi để gặp đúng từng nghệ sĩ đàn kìm, đàn nhị, đàn tranh... mời họ về thu âm. “Công sức đó kể cũng đáng bởi chỉ có họ mới đảm bảo được chất lượng âm nhạc cho đĩa này” - Châu nhẹ nhàng cho biết.

Trường ca người Việt - câu chuyện của Chàng trai nước Việt, của Cô gái Việt, gặp nhau trong Duyên Việt, tạo ra Trẻ thơ Việt và hình thành nên Hồn Việt đã chở theo những nỗi niềm tâm sự của Minh Châu.

Nhắc đến những kỷ niệm trong cuộc hành trình sáu năm để hoàn thành Trường ca người Việt, Châu trầm tư: “Quê hương mình đẹp lắm, nhưng người dân còn nghèo lắm!”.

Từng sống như một gã giang hồ lang bạt, từng dang tay cứu vớt một cô gái bán hoa, từng ẩn dật như một tu sĩ... anh chia sẻ với mỗi thân phận người, gửi gắm vào câu ca bao nỗi niềm chất chứa. Từ xúc cảm về một đất nước đau thương mà hào hùng “Ru tình Việt Nam ươm mầm đại nghĩa chí nhân cả thắng hung tàn, tim kiêu hùng tranh đấu bao cơn lầm than, dù hoang tàn bi tráng vẫn rạng ngời hồn Việt Nam...”, đến hi vọng vào một tương lai tươi sáng từ những mầm non thơ trẻ “Dù ở chốn đồng quê hay ở nơi thành thị kia, nuôi lớn bao nhân tài giúp em sẽ thành người của ngày mai, trên đất quê hương này chúng em chính là chủ của ngày mai”.

Nuôi hồn dân tộc

Tự nhận mình là người trồng cây dài vụ, những công việc kiếm sống và cả những ca khúc trẻ trung một thời từng tạo nên tên tuổi Minh Châu như Vũ điệu phiêu bồng, Hãy sống trong âm nhạc, Một ngày bình yên, Dấu chân lãng tử (giải nhì cuộc thi Ca khúc pop-rock quốc tế năm 2001 tại Mông Cổ)... với anh cũng chỉ là “lấy ngắn nuôi dài”.

Châu tâm sự về những người bạn vì thương mà đề nghị anh phát hành đĩa qua Internet, được phần nào hay phần đó nhưng anh từ chối bởi muốn ca từ của mình được chính thức đến tay khán giả một cách trọn vẹn. Anh bảo đó là cách để truyền ngọn lửa quê hương đến với đại chúng dù chỉ là những đốm lửa nhỏ, dù chỉ sáng lập lòe trong tim mỗi người. “Nhưng chính những đốm lửa nhỏ sẽ giúp chúng ta nhìn lại để biết yêu thương nhau yêu thương người dân mình”.

Không chỉ “dân tộc” trong tiếng hát, trong việc sử dụng nhạc cụ cổ truyền như sáo, đàn bầu, trống đồng..., hệ âm giai ngũ cung được Minh Châu khai thác triệt để và đặt chúng vào vị trí chủ đạo so với các nhạc cụ phương Tây. Nghe Trường ca người Việt, công chúng dễ dàng cảm nhận được sự trân trọng của anh đối với âm nhạc nước nhà khi toàn bộ giai điệu đều dựa trên âm nhạc cổ truyền trong khi dàn dây, bộ gõ châu Âu chỉ được dùng như sự điểm tô.

Anh nhấn mạnh: “Có thể các nhạc sĩ khác có quan điểm khác, nhưng với tôi và trong những tác phẩm của tôi thì nhạc Tây chỉ có thể là nhạc nền, là chút màu sắc để tôn vinh nhạc Việt”.

So với những trường ca nổi danh của các bậc tiền bối như Con đường cái quan (Phạm Duy), Sông Lô (Văn Cao), Hội trùng dương (Phạm Đình Chương), Hòn vọng phu (Lê Thương)... thì Trường ca người Việt không có được sự cuốn hút ngay từ đầu, mà sẽ ngấm dần khi công chúng nghe lại ở những lần sau. Quan trọng hơn, tác phẩm là sự tiếp nối của một tác giả trẻ với dòng trường ca tưởng như đã “tuyệt chủng”.

Điều đó cũng như cá tính và mong muốn của Minh Châu - đi dần, miệt mài góp nhặt từng khán giả và giữ lửa cho mai sau.

kd302ilK.jpgPhóng to

Nhạc sĩ Minh Châu - Ảnh: nhân vật cung cấp

Nhạc sĩ Minh Châu sinh ngày 15-8-1960 tại Đà Nẵng. Tuy học guitar từ thuở nhỏ, lớn lên cũng sống bằng nhạc nhẹ phương Tây, nhưng lại nổi tiếng là người đam mê âm nhạc dân tộc khi trong hầu hết tác phẩm của anh đều có sự xuất hiện của nhạc cụ dân tộc, mang màu sắc quê hương. Ngoài trường ca Bức tranh non nước, Trường ca người Việt, anh từng phát hành đĩa nhạc Giấc mơ hồng (2001), Chồi xanh (2003), Lời hát kinh cầu (2008) mà ở đó chúng ta tìm thấy những lời ca về thân phận, về nguyện ước tương lai.

Thế giới người Việt trong âm nhạc Minh Châu luôn thoáng nét u buồn, nhẫn nhịn song vẫn bền bỉ vượt lên mà không hề oán thán. Các sản phẩm ấy, dòng nhạc ấy cũng là một bản trường ca của riêng anh - bản trường ca nuôi hồn dân tộc.

PHẠM THÀNH NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên