12/11/2006 08:02 GMT+7

Nhạc sĩ Dương Thụ: Con đường quan trọng hơn đích đến...

ĐỖ TRUNG QUÂN
ĐỖ TRUNG QUÂN

TT - Không khó khăn khi viết về một Dương Thụ đã đứng trên bục của danh tiếng. Nhưng sẽ thật khó khi anh cương quyết nhận mình vẫn là một người đang đi trên đường.

12Si213n.jpgPhóng to
Ký họa: Đỗ Trung Quân

Vậy thì: một Dương Thụ lữ khách, một Dương Thụ trên đường thiên lý của âm nhạc. Thật sự anh đã đi từ rất lâu, từ thời tuổi trẻ, đi lầm lũi, âm thầm có lúc tưởng chừng đã bị lãng quên.

Thế kỷ trước, những năm của thập niên 1980 - đầu 1990 dường như không có chỗ cho âm nhạc của Dương Thụ. Những ca khúc bày tỏ khát vọng yêu hay nỗi cô tịch của một giọt sương dù trong trẻo đã không có chỗ, nó chưa cần thiết hoặc bị ngộ nhận này nọ. Buồn nhưng không nản, nhẫn nại như Khương Tử Nha bên sông, tuổi trẻ của Dương Thụ trôi qua nhưng âm nhạc thì không bỏ ra đi. Nó quay trở lại và bùng nổ, khởi đầu từ Cho em một ngày bằng tiếng hát Hồng Nhung năm 1996 trên sân khấu nhà hát Hòa Bình.

Những con đường rất xanh của Hà Nội Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội Những con đường ngoại ô nắng chói Những con đường đầy hoa tháng sáu hè rơi

Những phố phường rất xưa của Hà NộiNhững Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng VảiNhững phố phường dọc ngang lối cũ Những mái nhà ngẩn ngơ nỗi nhớ trên từng viên ngói vỡ

Tôi mong về Hà Nội Để nghe gió sông Hồng thổi Để thương áo len cài vội Một chiều đông rét mướt

...

Tôi mong về Hà Nội Tìm lại tiếng ve ngày trẻ dại Giọt sương sớm trên cành đào phai Mùi hương ngất ngây tàn thuở ấyNhững hạt mưa bụi rơi...

(lời bài hát Mong về Hà Nội)

Hơn năm năm sau đó thì ca khúc và cái tên Dương Thụ đã trở nên quen thuộc, sáng chói. Dương Thụ “đánh lưới” được cả một thế hệ trẻ hơn mình rất nhiều, ca khúc của anh bắt nhịp ngay với hơi thở của đời sống đương đại, nó trẻ trung, mãnh liệt và đầy “dương tính”; những ca khúc ngỡ như mới viết ngày hôm qua nhưng thật sự đã được viết từ rất lâu nếu ta biết được con số năm tháng dưới bản thảo ký âm của Dương Thụ.

Âm nhạc của Dương Thụ cũng thật khó nhầm lẫn, nó có thể man mác buồn nhưng không bi lụy, nó khắc khoải, trúc trắc bởi giai điệu nhưng không sướt mướt (Cho em một ngày, Hãy hát lời tình yêu, Tháng tư về, Họa mi hót trong mưa, Tuổi 15, Tiếng sóng biển...).

Âm nhạc của Dương Thụ (dù không mang tên một sứ mạng to tát nào) đã thật sự góp phần mang đến cho công chúng một diện mạo âm nhạc mới, đủ mạnh mẽ để níu giữ lòng người giữa một “thế giới âm nhạc” còn nhiều nhộn nhạo và lắm đổi thay. Nhưng dù thế Dương Thụ vẫn nói: “Tôi còn đi, tôi đang đi. Người ta hay nói tới chữ thành đạt, tôi thì không thích. Nhiều người chưa thành đạt nhưng họ vẫn đang đi trên đường, và đó mới là điều quan trọng”.

Kẻ đã dừng lại, muốn dừng lại hẳn cũng chẳng còn điều gì để tìm hiểu, bàn tán, thậm chí tranh luận. Dương Thụ vẫn đi nên vẫn còn chịu nhiều nhòm ngó, điều tiếng của đám đông trong hay ngoài giới. Và đâu đó vẫn có lời bàn tán: “Dương Thụ không xuất thân nhạc viện nào!”, “Nhạc kiểu gì đơn giản, dễ dàng thế?”...

Quả thật nếu phải ghi phần “lý lịch âm nhạc”, hẳn Dương Thụ sẽ ghi ngắn gọn: tự học! Nhưng cái nền âm nhạc được gọi là “tự học” ấy của anh với những ai thật sự chịu lắng nghe, thật sự nghiêm trang tiếp xúc mới nhận ra nó có nền tảng, được chắt lọc từ nền âm nhạc cổ VN lẫn nền âm nhạc phương Tây. Từ ca trù, quan họ... đến hàn lâm cổ điển để trở thành dấu ấn riêng của Dương Thụ.

Một người dễ tính hay khó chịu, cởi mở hay khép kín trước những “dòng âm nhạc hỗn độn”, trước những hiện tượng “ăn xổi” và đầy ảo tưởng về danh vọng, tiền bạc? Một người hùng biện lại thường tránh tranh luận...!? Có đủ cả những câu hỏi đời thường về anh. Những câu hỏi mà chính tôi - người viết - đôi khi cũng tự muốn tìm câu trả lời từ Dương Thụ.

Nhưng Dương Thụ chỉ cười: “Sống nên biết...” chỉ thế thôi, biết mình là ai, biết mình làm được đến đâu... đã vất vả cả một đời người rồi. Anh cũng chẳng phải người ưa lập thuyết, ưa triết lý vụn vặt, Dương Thụ nói về tất cả những gì mình đã làm, còn đang làm. “Nghệ thuật là đi tìm bạn, tìm người nghe mình, tìm người hát mình...” cũng dễ hiểu thôi mà.

Và Dương Thụ với cái dáng vẻ dềnh dàng, cái phong cách ít nghệ sĩ nhất, như ông thầy giáo làng hay như chính tôi thường trêu ghẹo “như giám thị trường thi” vẫn lầm lũi đi trên con đường sáng tạo của mình và dường như không ngoái lại những đích đến phủ hoa hồng phía sau lưng. Dương Thụ im lặng đi qua nó như một lữ hành chưa mệt mỏi...

Người lữ hành mãi đi, để lại sau lưng những câu hát dịu dàng...

Hãy cởi mở đã

* Nhà thơ Đỗ Trung Quân có nhắc đến “lý lịch âm nhạc” của nhạc sĩ Dương Thụ. Ông có mặc cảm về hai chữ “tự học” ấy?

- Nếu tự học hoàn toàn mà thành công trong sự nghiệp thì cũng đáng để tự hào đấy. Nhưng tôi chưa được như thế bởi cũng có học hành lem nhem tí chút. Thật ra tôi biết chơi đàn và sáng tác khi còn học trung học, đến năm 1 đại học (sư phạm văn) tôi học thêm âm nhạc tại trường âm nhạc dân lập (nơi cụ Lưu Quang Duyệt làm hiệu trưởng) lớp piano của chị Thái Thị Sâm, một pianist hàng đầu thời bấy giờ.

Khoảng năm 1963, 1964 tôi gặp và quen thân với các anh Nguyễn Xinh (sau này làm viện trưởng Viện Âm nhạc) và Đàm Linh lúc ấy mới ở Liên Xô về, các anh ấy khuyên tôi nên vào học khoa sáng tác và giúp tôi học thêm tại nhà các môn phân tích tác phẩm, hình thức tác phẩm, tính năng nhạc cụ và sáng tác.

Nhưng thật sự để được học âm nhạc một cách chính qui, thời ấy những người có hoàn cảnh như tôi đâu phải dễ. Tôi đã hai lần thi vào khoa sáng tác đều đỗ với kết quả xuất sắc nhưng lần đầu (1965) không được nhập học, vì đã tốt nghiệp trường đại học này nếu muốn bỏ sang trường khác phải hoàn trả phí đào tạo. Không xoay đâu được ra tiền nên tôi đành phải ngậm ngùi ở lại trường làm cán bộ giảng dạy.

Lần sau (sau bảy năm), mặc dù được sự can thiệp rất tích cực của đích thân thầy hiệu trưởng trường nhạc lúc bấy giờ là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, tôi vẫn không được nhập học chính thức vì chẳng tài nào chuyển được hồ sơ về trường, rốt cuộc sau hai năm cù nhầy đành phải quay về chốn cũ. Nhưng sự không may mắn có mặt tích cực của nó, giúp tôi tự học một cách mạnh mẽ hơn, khiến tôi trở thành tôi bây giờ (dĩ nhiên nếu may mắn tôi có thể là một Dương Thụ khác, và cũng chẳng biết Dương Thụ nào hay hơn Dương Thụ nào).

* Là một nhạc sĩ được đánh giá cao về ca từ, lại hay được nhạc sĩ trẻ nhờ viết lời cho nhạc, ông có bận tâm về những “ca từ gây sốc” hiện nay?

- Có ca từ như thế bởi có người nghe như thế. Trong cuộc sống có những người thích gây gổ, mở mồm là văng tục chửi bậy, họ chưa hẳn là người xấu, có khi còn tốt đến mức khiến ta ngạc nhiên; lại có người không như thế, chỉ sống với những cái họ có, không để ý đến cái đẹp, đến những chuẩn mực văn hóa; những người như vậy có một khẩu vị văn hóa riêng. Tôi nghĩ đến khái niệm “văn hóa đường phố”. “Văn hóa đường phố” ở các nước văn minh đẻ ra hip hop, ở ta đẻ ra “nhạc thị trường”. Suy cho cùng “ca từ gây sốc” là vấn đề của xã hội chứ không phải là vấn đề của nghệ thuật. Đánh giá và giải quyết những vấn đề xã hội là chuyện của những nhà quản lý và những người hoạch định chính sách.

Còn tôi nghĩ chuyện “ca từ gây sốc” của “nhạc thị trường” cũng là một cái gì tự nhiên trong một xã hội ngày càng cởi mở, càng bớt đi sự áp đặt, ai cũng có quyền lựa chọn món ăn tinh thần theo khẩu vị của mình. Nếu chúng ta muốn cái này thì cũng phải chấp nhận những cái khác đẻ ra từ nó.

Tôi tin rằng một xã hội cởi mở, nếu có những chính sách tốt về văn hóa và giáo dục, nếu biết cách quản lý thì trong một tương lai không xa, cái tự nhiên trong việc lựa chọn món ăn tinh thần sẽ ở một đẳng cấp cao hơn, đạt được những chuẩn mực văn hóa mà ta mong muốn. Còn bây giờ thì hãy cởi mở đã.

ĐỖ TRUNG QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên