17/10/2009 08:18 GMT+7

Nhạc ngoại lời Việt xưa và nay

PHẠM THÀNH NHÂN
PHẠM THÀNH NHÂN

TT - Sự kiện ca khúc Thiên thần trong truyện tranh (Tuổi Trẻ ngày 14-10) có lẽ đã không ồn ào đến vậy nếu như không có ý kiến của tác giả Lenka. Nhiều tác phẩm nhạc ngoại lời Việt hiện có trên thị trường có lẽ cũng không bị công chúng phản ứng quá gay gắt nếu đảm bảo được chất lượng.

Nhạc ngoại lời Việt xưa và nay

TT - Sự kiện ca khúc Thiên thần trong truyện tranh (Tuổi Trẻ ngày 14-10) có lẽ đã không ồn ào đến vậy nếu như không có ý kiến của tác giả Lenka. Nhiều tác phẩm nhạc ngoại lời Việt hiện có trên thị trường có lẽ cũng không bị công chúng phản ứng quá gay gắt nếu đảm bảo được chất lượng.

>> Quyền tác giả nhìn từ “vụ” Bảo Thy>> Tây hóa nhạc ta: “nửa nạc nửa mỡ"

ImageView.aspx?ThumbnailID=368909
Quang Dũng trong live show Love story - show diễn có những ca khúc nhạc ngoại lời Việt được yêu thích - Ảnh: Phạm Thành Nhân

Dạo quanh các diễn đàn âm nhạc có thể thấy không ít bạn trẻ yêu cầu nhạc Việt phải nâng cao chất lượng, phê phán những tác phẩm kém mà trong số đó nổi lên nhiều ca khúc nhạc ngoại lời Việt,

Từ Triệu đóa hoa hồng đến Tình đơn phương

Lục tìm trong kho tác phẩm tân nhạc VN, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều ca khúc ngoại được các nhạc sĩ VN chuyển ngữ. Những tác phẩm nổi tiếng được nhiều người yêu thích có thể kể như: Chuyện tình (Love story), Ðồng xanh (Greenfield), Em dấu yêu (Unchained melody), Roméo & Julliet...

Không chỉ nhạc tiếng Anh, những bài hát Pháp, Nga, Hungary, Nhật... cũng được chuyển ngữ và ghi dấu trong tim hàng triệu khán giả Việt. Búp bê không tình yêu (Poupée de cire, poupée de son), Gọi tên người yêu (Aline), Chủ nhật buồn (Szomorú vasárnap - Gloomy sunday), Triệu đóa hoa hồng, Kachiusa, Koibito yo (Người yêu dấu ơi)... đã một thời vang vọng khắp sân khấu ca nhạc, phòng trà, trên môi của bạn yêu nhạc. Bên cạnh những tác phẩm chuyển ngữ là một số tác phẩm được dịch thoát ý hoặc đặt lời mới như bài Torna a Surriento (Back to Soriento) thành Trở về mái nhà xưa.

Dù là chuyển ngữ hay đặt lời mới, những ca khúc kể trên đều có chung một điểm là đã chịu sự sàng lọc, thử thách của thời gian, được công chúng đón nhận như minh chứng cho tài năng của người nghệ sĩ. Từ ấy mỗi độ Giáng sinh về, chúng ta lại được nghe Ðêm thánh vô cùng (Silent night), Chuông vang vang (Jingle bells), các đôi tân lang và tân giai nhân vẫn dắt tay nhau đi trong khúc hát Ngày tân hôn (Oui devant Dieu), thiếu nhi vẫn hát Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng...

Nói về những tác phẩm nhạc ngoại lời Việt, nhạc sĩ Vũ Quốc Bình khẳng định: "Nhiều bài nhạc ngoại được viết lại cực hay. Chẳng hạn câu she fills my heart được Phạm Duy viết thành lòng ta đầy kín, hay câu nothing in this wide world được Lê Hựu Hà chuyển thành đất trời như bãi tha ma, tôi cho đó là những cách đặt lời không thể khác được, không thể hay hơn. Mà muốn được như vậy thì vốn văn hóa, ngôn ngữ của người nghệ sĩ phải rất dày".

Sau thời "xa xưa" ấy, gần hơn chúng ta đã từng đắm đuối nghe Cẩm Vân hát Con yêu (nhạc Philippines), vỗ tay khi Lam Trường hát Tình đơn phương, Ðan Trường hát Kiếp ve sầu (nhạc Hoa)... Album Chat với Mozart của Mỹ Linh với các tác phẩm của các tác giả cổ điển được viết lời Việt vẫn được xem là ấn tượng.

ImageView.aspx?ThumbnailID=369005Lời Việt trong album Chat với Mozart của Mỹ Linh được đánh giá là ấn tượng

Muôn mặt nhạc ngoại lời Việt

Xoay quanh chuyện đặt lời mới cho ca khúc ngoại, một số tác giả cho rằng chỉ cần nội dung của phần lời Việt không vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục VN là được. Tuy nhiên theo yêu cầu của các chủ sở hữu quyền nước ngoài, nội dung lời mới phải được họ xem xét, chấp thuận. Trong hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) cũng có điều khoản yêu cầu ca từ tiếng Việt phải “phù hợp với nội dung của tác phẩm gốc”.

Công văn số 291 của VCPMC phía Nam gửi các đơn vị phát hành băng đĩa nhạc và các đơn vị tổ chức biểu diễn cũng yêu cầu đính kèm văn bản nhạc, lời Việt của tác giả VN và bản dịch phần lời Việt này sang tiếng Anh trong hồ sơ xin cấp phép sử dụng tác phẩm nước ngoài.

Trước câu hỏi vì sao lại chọn thể hiện những bài hát nhạc ngoại lời Việt, nhiều ca sĩ thừa nhận bởi đó là những tác phẩm có ca từ hay, giai điệu đẹp, đã có nhiều người biết nên khi được hát lại bằng tiếng Việt sẽ "dễ ăn" hơn và không cần mất quá nhiều thời gian quảng bá. Một lý do nữa là trong đại đa số trường hợp, chi phí đầu tư cho một ca khúc nhạc ngoại viết lại lời rẻ hơn khi mua một tác phẩm trong nước.

Ðể có quyền hát một tác phẩm của các nhạc sĩ Việt, ca sĩ hầu hết phải trả tiền triệu hay tùy thỏa thuận trong khi để có quyền hát, quyền đặt lời mới cho bài nhạc ngoại bất kỳ, số tiền phải trả chỉ là 500.000 đồng. Hoàn chỉnh một tác phẩm dạng này cũng nhanh hơn bởi giai điệu đã có sẵn, chỉ việc gắn thêm lời cho khớp nhạc. Ðây cũng chính là điểm khiến công chúng không hài lòng khi trong số những tác phẩm viết lại chứa kha khá sạn.

Khi Thanh Thảo hát Tình đã xa (Hollaback girl) với những câu "nửa nạc nửa mỡ" như "ngày nào bên nhau bao êm đềm thương đau bao kỷ niệm yêu thương… and now ta cùng bên nhau, đã xa không còn chi mà", Bảo Thy hát "giọt nước mắt vẫn thấy cứ rơi. Tình kiếp đó sẽ mãi cuốn trôi. Lời hứa ngày đó I don’t think you know" (Lãng quên - Buttons) thì những ai thiết tha với sự trong sáng của tiếng Việt cũng phải giật mình.

Tương tự, Minh Quân hát "khi yêu đâu ai biết trước nó sẽ ra sao... Baby I love you! I’m waiting for you" cho phiên bản tiếng Việt bài Because I’m stupid (nhạc Hàn) thì cũng ca khúc này do Noo Phước Thịnh trình bày có ca từ "nếu khi xưa anh không bận tâm bao lời nói... không là bạn thân để nói yêu em thì hôm nay I want crying for you, I want missing for you"(!). Nhận định chung của nhiều khán giả: một số ca khúc nhạc ngoại lời Việt hiện nay có nội dung rất nhảm nhí, chất lượng không tương xứng tác phẩm gốc khiến những ai từng biết và yêu tác phẩm nguyên bản buồn lòng.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Ðinh Trung Cẩn nói: "Chúng tôi làm công việc cấp phép sử dụng nên trường hợp nào ca sĩ đúng luật thì phải duyệt hồ sơ chứ nhiều bài trong số đó tôi nghe mà phát sợ vì chúng ngô nghê, nhảm nhí lắm!". Ông cho biết thêm có những nghệ sĩ quốc tế, đơn cử là Châu Kiệt Luân (Jay Chou), không cho phép bất kỳ ai chuyển ngữ, đặt lời mới cho tác phẩm của mình để đảm bảo tác phẩm không bị biến dạng.

Công bằng mà nói chuyển ngữ hay đặt lời mới cho một tác phẩm nhạc ngoại không có gì sai, miễn là phải đảm bảo quyền tác giả. Tác phẩm Việt hóa đó nếu đạt chất lượng chắc chắn sẽ được công chúng tìm nghe và nghệ sĩ sẽ được tôn vinh. Song điều cũng cần suy nghĩ là khi ca sĩ sử dụng một lượng lớn tác phẩm ngoại liệu cơ hội được vang lên của những bài hát Việt có bớt đi không?

Ở chiều ngược lại, có khi nào vì những tác phẩm Việt không hay nên ca sĩ phải tìm tới nguồn hàng ngoại? Trả lời câu hỏi này, nhạc sĩ Vũ Quốc Bình ngắn gọn: "Rất có thể đấy!".

PHẠM THÀNH NHÂN

PHẠM THÀNH NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên