Nhưng tại buổi đọc thơ ở Santa Fe (trong hành trình ra mắt tập thơ The secret of hoa sen - Bí mật của hoa sen) vào đầu tháng 3 do Quỹ văn hóa Lannan tổ chức, tôi đã cảm thấy vô cùng vững tâm.
Và dòng lệ chảy tràn trên gương mặt những người tham dự nói với tôi rằng trái tim những người Mỹ chân chính luôn có một phần đặc biệt dành cho đất nước, con người và văn học VN.
Sau buổi đọc thơ, cô Jamie Figueroa - con của một cựu binh Mỹ từng chiến đấu ở VN - chia sẻ cùng tôi: “Cha tôi luôn hằn học và luôn luôn giận dữ. Ông chưa hề nói với tôi một điều gì về cuộc chiến. Từ lâu rồi tôi không nói chuyện với cha. Nhưng hôm nay, tôi đã hiểu về nỗi đau dai dẳng của chiến tranh. Tôi nghĩ mình sẽ ngồi lại để nói chuyện cùng cha. Tôi nghĩ tôi có thể tha thứ cho cha...”.
Rời New Mexico để đến thành phố New York, nơi Bí mật của hoa sen được ra mắt tại Poets House (trung tâm thi ca của nước Mỹ), một lần nữa tôi lại chạm đến biết bao tình cảm thương mến của người dân nơi đây.
Tình cảm ấy đến từ những người như ông Robert Hirschfield - một nhà báo, nhà phê bình văn học. Tôi không thể tưởng tượng được rằng đến tận bây giờ, ông Hirschfield vẫn còn nhớ tên những địa điểm ở VN đã bị giội bom và tên những nạn nhân vô tội đã chết trong những trận bom ấy.
Ông còn nhớ vì những cái tên ấy đã bao lần nóng hổi trên môi ông, khi ông hô vang chúng trong những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh.
Ngồi đó với hai hàng nước mắt tuôn rơi, ông Hirschfield đã kể cho tôi rằng thay vì những khẩu hiệu, ông và bạn bè đã chọn những tên người, tên phố, tên những ngôi làng bị chiến tranh phá hủy. Khi hô vang những cái tên ấy, ông đã cảm thấy như VN là một phần máu thịt của mình.
VN đã quan trọng đến nỗi ông và rất nhiều bạn bè thường xuyên nghỉ việc để xuống đường biểu tình. Chắt chiu tiết kiệm từng đồng, họ đã đón những chuyến xe buýt đường dài, từ New York đến Washington.
Hòa vào những dòng người biểu tình dài dằng dặc có khi lên đến hàng trăm ngàn người, họ đã hô vang tên của những nạn nhân vô tội bị giết. “Những cuộc biểu tình của chúng tôi, từ phản đối chiến tranh đã hóa thành những cuộc tuần hành ủng hộ VN” - ông Hirschfield chia sẻ.
“Tôi rất giận dữ khi đại đa số người Mỹ không muốn nhắc về những gì đáng xấu hổ trong lịch sử của chúng tôi, và cuộc chiến với VN là một phần trong quá khứ đáng xấu hổ đó - ông Patrick Lannan, chủ tịch Quỹ văn hóa Lannan, nói - Nhưng chúng ta cần phải nhắc lại. Nhắc lại để hàn gắn sự chia rẽ vẫn còn sâu hoắm giữa lòng nước Mỹ về cuộc chiến tranh đó. Nhắc lại để xoa dịu biết bao nỗi đau vẫn còn dai dẳng của những cựu binh Mỹ và gia đình của họ. Và nhắc lại để cùng nhau làm nhiều hơn cho VN và những nạn nhân của cuộc chiến”.
Làm nhiều hơn nữa cho VN là điều mà Quỹ văn hóa Lannan - một trong những quỹ văn hóa tư nhân có uy tín nhất ở Mỹ - vẫn luôn đang trăn trở. Suốt những năm chiến tranh, các thành viên trong ban giám đốc của quỹ như Patrick Lannan, Frank C. Lawler, Penn Szittya và David Ungerleider đã vô cùng tích cực trong phong trào phản chiến.
Họ cương quyết không đến VN tham chiến và đóng góp vào việc thành lập những trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho những thanh niên từ chối lệnh điều động của chính phủ.
Sự ủng hộ của Quỹ Lannan cho VN không dừng lại khi kết thúc chiến tranh: vào năm 1996, quỹ đã tài trợ xuất bản hàng loạt ấn phẩm văn học VN (các bài ca dao VN bằng tiếng Anh và tiếng Việt) dưới dạng khổ lớn và được dán trên các chuyến xe buýt, nhằm giới thiệu với người Mỹ về một VN giàu bản sắc văn hóa.
Nhưng những nỗ lực từ phía Mỹ chưa đủ để những ai dành cho VN nhiều tình cảm có cơ hội hiểu về một VN hòa bình, như ông John Mahnke - một người Mỹ tham dự buổi đọc thơ Bí mật của hoa sen - chia sẻ: “Tôi đang rất tò mò hiểu về một VN hòa bình và hướng về phía trước. Hiện tại, hầu như tôi chỉ biết về một VN trong chiến tranh thôi”.
“Chúng ta cần làm nhiều hơn để thay đổi điều đó”, và ông Sean Nevin - giám đốc chương trình thạc sĩ thi ca Đại học Drew - đã nói như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận