Suốt ba tuần qua, gần 200 nhân sự của cả ba đoàn giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) và những đơn vị hợp tác đã chạy nước rút ngày đêm để hoàn thiện vở nhạc kịch thuần Việt đồ sộ này.
Hành trình năm năm đầy cảm xúc
Có mặt tại buổi chạy thử vở nhạc kịch lần đầu ở nhà hát Bông Sen ngày 8-9, nhạc sĩ Việt Anh lặng lẽ thưởng thức và quay lại các phân cảnh trên sân khấu.
Theo sát quá trình tập luyện thời gian qua, anh bày tỏ xúc động trước tấm lòng và nhiệt huyết của tất cả anh em nghệ sĩ dành cho vở diễn.
"Đây là tác phẩm mình hạnh phúc nhất khi viết, vì mình yêu trẻ con. Viết Dế Mèn cho mình một lần nữa được sống trọn vẹn, sâu sắc với mọi suy nghĩ, tinh thần đều hướng vào sáng tác. Cứ như mình được đi qua hành trình đầy cảm xúc đó bằng âm nhạc" - Việt Anh bày tỏ.
Anh bật mí khi viết những đoạn vui sẽ "bắt" con nghe, hỏi con đoạn này thích không, có hát được không? Nhờ Dế Mèn, anh và hai con thêm tương tác và kết nối.
Với Việt Anh, năm năm nhiều biến động trôi qua, tình cờ những gì anh từng viết ở Dế Mèn lại trùng hợp với thực tại. Những mất mát, ly tán rồi gặp lại và giấc mơ thế giới đại đồng của Dế Mèn vẫn nguyên giá trị.
"Nghe có vẻ lớn lao nhưng ai chẳng mong điều đó? Về một thế giới đầy tình yêu thương hồn nhiên như cậu bé giở trang sách ra và yêu một chú dế, như tình yêu chú dế dành cho ngọn cỏ" - Việt Anh tâm sự.
Tinh thần hạnh phúc là vậy, nhưng thực tế lại đầy vất vả. Khi lên sân khấu, nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm lớn quy tụ rất đông nghệ sĩ, kèm theo đó là nhiều vấn đề khó lường trước. Việt Anh phải thay đổi sáng tác liên tục, gần như viết lại hơn phân nửa vở cho phiên bản mới.
Trong ba tuần nước rút, mỗi ngày anh dậy từ 5h sáng, viết lại mọi thứ có thể, gửi bài cho ê kíp tập luyện, theo dõi và lại tiếp tục sửa đến khi ưng ý. Anh kỳ vọng nhạc kịch sẽ được công diễn thường niên. Trên khung sườn đó có thể gia giảm, gọt giũa và tiếp tục hoàn thiện.
Vở nhạc kịch thuần Việt
Kết thúc buổi sáng tập luyện vào lúc 1h trưa, nhạc trưởng Trần Nhật Minh nhẹ nhõm. Tất nhiên, còn nhiều điểm cần điều chỉnh khi lên sân khấu Nhà hát TP.HCM, nhưng nhìn vào sự hào hứng của cả tập thể, anh tin tác phẩm đã chạm được cảm xúc của những người tham gia.
Gần 200 con người nỗ lực cho một tác phẩm một tiếng rưỡi, nhưng từ lúc ý tưởng thành hình đến hiện tại đã mất năm năm.
So với phiên bản concert từng gây tiếng vang lớn khi công diễn năm 2018, nhạc kịch Dế Mèn lần này với sự tham gia của tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn là thạc sĩ, biên đạo múa Tuyết Minh sẽ xuất hiện với đầy đủ thiết kế sân khấu, phục trang, diễn xuất, âm thanh ánh sáng…
Tác phẩm được dàn dựng theo phong cách nhạc kịch Broadway với đa thể loại âm nhạc từ pop, rock, rap, jazz... kết hợp nghệ thuật thị giác của hiệu ứng sân khấu, vũ đạo và diễn xuất sinh động.
Khán giả sẽ gặp lại những nhân vật quen thuộc trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, những Dế Mèn, Dế Trũi, chị Cốc, Nhà Trò, Xiến Tóc, thầy đồ Cóc... được đầu tư với những màn trình diễn sôi nổi, hài hước nhưng không kém phần sâu sắc.
Nhạc kịch vẫn giữ cốt truyện và thông điệp nhân văn từ bản gốc nhưng góp thêm nhiều góc nhìn mới về đời sống xã hội đương đại và cả tính giải trí, chẳng hạn về hiệu ứng đám đông, những lời tung hô ảo...
Vào vai Dế Mèn, nghệ sĩ Đào Mác bày tỏ vinh dự khi được thử thách vai diễn nặng ký. Xuất hiện suốt cả vở với nhiều phần hát, diễn xuất và lời thoại đòi hỏi sự bình tĩnh và tập trung cao, anh mang đến một Dế Mèn cá tính, thú vị và giàu cảm xúc.
Dù những buổi tập luôn quá giờ, những giọt mồ hôi, thậm chí cả xây xát và nước mắt đã rơi... nhưng tất cả đều hào hứng và hết mình vì ngày công diễn.
"Dàn hợp xướng không chỉ có hát, dàn múa không chỉ có múa. Lần này, mọi người chung tay làm nhiều việc cùng nhau, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ hơn, cùng tạo nên một vở nhạc kịch 100% thuần Việt thật chất lượng" - NSƯT Trần Hoàng Yến, phó trưởng đoàn vũ kịch HBSO, tâm đắc.
Nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký không chỉ quy tụ công sức của cả ba đoàn giao hưởng, hợp xướng và múa, mà còn nhận được hỗ trợ từ nhiều đồng nghiệp trong nghề tại TP.HCM.
Tất cả đều góp sức tạo nên một vở nhạc kịch thuần Việt từ câu chuyện nổi tiếng của Việt Nam để kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà hát HBSO.
"Đó là một sự đồng hành đầy ý nghĩa, cho thấy chúng tôi không đơn độc. Và chúng tôi vẫn hát khi chưa có 'nhà'!" - nhạc trưởng Trần Nhật Minh cười.
Anh bổ sung thêm: "Bây giờ chú dế đã thành hình, đã có thể đi phiêu lưu. Tiếp theo, chúng tôi mong chú dế được diễn nhiều đêm hơn.
Có thể co lại, di động đến với các bạn sinh viên ở các trường hay ra phố đi bộ... hành trình của Dế Mèn sẽ rực rỡ hơn. Như lời hát cuối vở mà chúng tôi gửi gắm: "Có những con đường cuối hành trình đợi ta".
Nhạc sĩ Trần Nhật Minh nhận xét nhiều ca khúc trong vở lần này xứng đáng trở thành tác phẩm độc lập.
Giai điệu đẹp, ca từ ý nghĩa và rất thơ, đó luôn là thế mạnh của nhạc sĩ Việt Anh. Mỗi bài hát đều được viết đúng theo ngữ cảnh, câu chuyện chứ không ngẫu hứng. Cả những đoạn nhạc nối, chuyển cảnh cũng được đầu tư tỉ mỉ, có ý tứ, chất liệu.
Là nghệ sĩ sở hữu nhiều bài hit nhưng lại được đào tạo sâu về khí nhạc, còn là nghệ sĩ keyboard đánh trong ban nhạc lâu năm... tất cả phẩm chất đó của nhạc sĩ Việt Anh được thể hiện hết qua tác phẩm đáng nể này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận