25/03/2013 11:39 GMT+7

Nhạc bác học: áo cơm... đè nặng

HOÀNG NGUYÊN
HOÀNG NGUYÊN

TT - Những tràng vỗ tay dậy lên khắp khán phòng Nhạc viện TP.HCM tối 22-3 sau tiết mục Quê tôi giải phóng của nghệ sĩ Hải Phượng.

Chỉ một cây đàn tranh và bệ đỡ là Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn, các nghệ sĩ Việt đã cho khán giả biết thế nào là sức mạnh của âm nhạc bác học Việt Nam dù là cổ điển châu Âu hay cổ truyền dân tộc.

6FpLQhvu.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Hải Phượng trình tấu cùng Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn trong đêm hòa nhạc chào mừng Hội nghị giám đốc các nhạc viện khu vực Đông Nam Á tối 22-3 - Ảnh: Hoàng Nguyên

Những tràng vỗ tay ấy không phải đến từ khán giả đại chúng hay bạn yêu nhạc hàn lâm thông thường mà thuộc về giám đốc 35 nhạc viện khu vực Đông Nam Á và tùy tùng, hầu hết đều có học vị tiến sĩ về âm nhạc. Thế mới tin đánh giá của nhạc trưởng lừng danh Nhật Bản Yoshikazu Fukumura là đúng.

Chất lượng chuyên môn thuộc hàng top

Chuyện rằng khi sang Việt Nam lập Dàn nhạc giao hưởng ASEAN, nhạc trưởng Fukumura đã chọn lực lượng chính là các nghệ sĩ Việt với nhiều lời khen ngợi về chuyên môn bởi theo đánh giá của ông, các nghệ sĩ thuộc nhánh hàn lâm Việt Nam có chất lượng xếp vào hàng top khu vực, thậm chí một số người đã đạt đến đẳng cấp quốc tế.

Đó cũng là lý do vì sao nhạc trưởng Fukumura đề nghị đổi tên Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TP.HCM thành Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn (Saigon Philharmonic Orchestra) bởi: “Với thế giới, một trường nhạc có thể có nhiều dàn nhạc - của sinh viên, giảng viên và thường những dàn nhạc đó không được đánh giá cao về năng lực chuyên môn, còn một philharmonic là một chuẩn mực chất lượng và những nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TP.HCM đã đạt đến chất lượng ấy”.

Đêm công diễn đầu tiên của Dàn nhạc giao hưởng ASEAN với thành phần gồm hơn 80 nghệ sĩ Việt Nam (chủ yếu thuộc Nhạc viện TP.HCM) và nghệ sĩ thuộc các nước ASEAN tối 26-10-2010 tại TP.HCM, khán giả đã được dịp chứng nghiệm lời của ông Fukumura qua các tác phẩm đỉnh cao và những phần diễn tấu tuyệt vời.

Nhìn ra thế giới, ngoài những tên tuổi như Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy, các nghệ sĩ hàn lâm Việt đã gặt hái không ít thành công ở những kỳ liên hoan âm nhạc, các cuộc thi thố tầm quốc tế và đã góp mặt trong dàn nhạc giao hưởng của nhiều quốc gia. Mỗi kỳ Giai điệu mùa thu họ lại “trở về đất mẹ” (tên ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương luôn được chọn biểu diễn ở Giai điệu mùa thu) để “báo cáo” thành tựu, cống hiến cho khán giả quê nhà những màn biểu diễn đặc sắc. Nhưng...

Mất mát tài năng, căng thẳng... tiền đâu

Tài năng âm nhạc Việt Nam đang chảy máu. Sau một thời gian dài được Nhà nước cấp kinh phí đào tạo ở nước ngoài (chủ yếu ở Nga, cũng đồng nghĩa với việc dù có được các tài năng, chúng ta vẫn bị hạn chế trong bộ khung của âm nhạc hàn lâm Nga, thiếu hẳn sự đa dạng), khâu đào tạo của chúng ta đã có những bước chuyển rõ rệt.

Các gia đình khá giả đã cho con em đến Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Singapore... bằng nguồn kinh phí tự túc. Học bổng từ các quốc gia ấy cũng kèm theo điều kiện ở lại cống hiến trong một khoảng thời gian nhất định để rồi sau đó hầu hết nghệ sĩ đã quen đất, quen người, quen việc, chọn ở lại nước bạn thay vì trở về quê hương. Nhìn dòng chất xám chảy đi, ta đau đớn, thèm thuồng, nhưng bất lực.

“Chúng ta đã bị nước ngoài hớt váng” - TS Văn Thị Minh Hương, giám đốc Nhạc viện TP.HCM, nói. Bà cho biết với lực lượng còn lại, trong điều kiện kinh phí eo hẹp, nhạc viện dẫu có muốn làm gì cũng gặp khó khăn. Nếu biết rằng việc có được Dàn nhạc giao hưởng ASEAN, những đêm diễn đỉnh cao của dàn nhạc này tại cả Hà Nội lẫn TP.HCM đều nhờ kinh phí từ phía Nhật, thậm chí nhạc trưởng Fukumura phải bỏ tiền túi chiêu đãi các nghệ sĩ sau những buổi tập, biểu diễn mới hiểu được câu chuyện “đầu tiên - tiền đâu” của âm nhạc hàn lâm Việt đang căng thẳng như thế nào.

Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn hiện đang được đặt dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Adrian Tan Chee Kang của Singapore. Tất nhiên, để được cầm chiếc gậy chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn, Adrian Tan phải là một tài năng đã chứng tỏ được mình tại Úc, Singapore, nay là Việt Nam. Song một nguyên nhân không nhỏ khác nằm ở việc anh đủ khả năng tài chính, tìm kiếm thành công các nguồn tài trợ cho dàn nhạc vận hành.

“Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, đặc biệt là UBND TP.HCM trong mấy năm gần đây đã dành nhiều sự quan tâm, ưu ái đối với công tác đào tạo âm nhạc hàn lâm. Nhưng để giữ lại và phát triển tài năng, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Vài năm qua, nghệ sĩ các nước bạn đã có những bước tiến đáng kể mà nếu đến lúc này chúng ta vẫn còn hơn họ chỉ vì chúng ta đã đi trước họ tương đối xa. Song với tốc độ hiện nay, họ sẽ sớm bắt kịp ta và đó chính là một thách thức ta phải đặc biệt lưu ý” - bà Hương chia sẻ.

Phải đặc biệt lưu ý, bởi ngay như nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, về nước làm việc cũng không có nhiều đất tung hoành, phải tham gia biểu diễn trong một số chương trình khác không thuần hàn lâm. Một tài năng như Phó An My mà ta đã có dịp chứng kiến trong show Bóng - Đối thoại hầu văn tại TP.HCM và Hà Nội hồi năm 2011 thì vẫn lo buôn bán đồ gỗ để sống. Và đó chỉ là một số ví dụ nhỏ của câu chuyện áo cơm đang đè nặng thế nào trên những chiếc áo đuôi tôm, những cánh tay đang từng ngày tập luyện để âm nhạc được vang lên...

Trót nợ và lại nợ nước ngoài

Ngay cả việc tổ chức Hội nghị giám đốc các nhạc viện khu vực Đông Nam Á (từ ngày 22 đến 24-3 tại TP.HCM), theo lẽ kinh phí phải do quốc gia đăng cai chi trả thì Việt Nam cũng đã thoái thác nhiều lần cho đến khi Thái Lan mở lời nhận tài trợ. Với dự án SEADOM, các quốc gia giàu có khu vực ASEAN và các mạnh thường quân sẽ cấp kinh phí đào tạo tài năng cho khu vực, trao đổi giảng viên, sinh viên, tạo điều kiện thực tập cho nhau. Việt Nam, trong trường hợp này, sẽ là nước thụ hưởng. Nhưng liệu rồi đây chúng ta có tiếp tục bị chảy máu chất xám, mất mát tài năng khi đã trót “nợ” nước ngoài như đã xảy ra trong nhiều năm qua hay không là một câu hỏi không dễ trả lời.

HOÀNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên