22/01/2007 18:11 GMT+7

Nhà xây trái phép tại TP.HCM: Được xin cấp thẳng "giấy hồng"?

Theo Cẩm Tú – Pháp luật TP.HCM
Theo Cẩm Tú – Pháp luật TP.HCM

Gần đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có công văn đề xuất phương án kết hợp giải quyết hồ sơ xin tồn tại nhà xây trái phép trước 1/7/2004 theo Quyết định 207 vào quá trình cấp “giấy hồng” đối với khoảng 30.000 hồ sơ xin cấp chủ quyền nhà đang tồn đọng. Người dân sẽ nộp biên nhận hồ sơ xin tồn tại nhà vào hồ sơ xin cấp “giấy hồng” luôn thể.

u8VJYr3g.jpgPhóng to
Khu nhà xây dựng trái phép tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (ảnh chụp sáng 22-1-2007) Ảnh: Tự Trung

Hồ sơ mới nộp: “Khỏe” hơn hồ sơ tồn đọng!

Quận Tân Phú, Bình Thạnh… đã áp dụng cách thức này. Còn những hồ sơ xin cấp “giấy hồng” mới, người dân sẽ xin xác nhận tình trạng nhà (xây trái phép, không phép, sai phép…) tại phường rồi nộp kèm hồ sơ xin cấp “giấy hồng” cho quận để quận giải quyết cấp chủ quyền nhà.

Thực ra quyết định cho tồn tại chỉ cần thiết trong những trường hợp không đủ điều kiện hợp thức hóa nhưng muốn được cho tồn tại (diện này sẽ không được cấp “giấy hồng”). Tương tự, nếu trước đây nhà đã bị ra quyết định xử lý có ghi buộc tháo dỡ ngay phần công trình xây dựng sai phép, trái phép. Nay nếu có quyết định cho tồn tại thì những căn nhà đó mới có cơ hội xin cấp chủ quyền. Còn những căn nhà không bị quyết định xử lý buộc tháo dỡ thì không cần có quyết định cho tồn tại vẫn được cấp “giấy hồng” bình thường

Mỗi quận ứng dụng linh hoạt một kiểu

Thế nhưng khi triển khai Quyết định 207, nhiều quận, huyện nhận hồ sơ hàng loạt. Bất cứ nhà nào xây dựng không phép, trái phép, sai phép đều ùn ùn đi làm hồ sơ kê khai xin tồn tại nhà. Vì quá tải nên nhiều quận có những cách giải quyết hồ sơ xin tồn tại nhà theo những kiểu khác nhau.

Quận Bình Thạnh thì chia hồ sơ làm hai loại. Nhà nào tồn tại được thì làm theo Quỵết định 207. Nhà nào không cho tồn tại thì ra quyết định xử lý vi phạm về xây dựng. “Thật vô lý nếu yêu cầu người dân bỏ một số tiền không nhỏ lập bản vẽ, tốn bao thời gian công sức để làm thủ tục để rồi cuối cùng nhận được quyết định không cho tồn tại công trình” – ông Đào Gia Vượng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận 7, nói. Vì thế, ở quận 7, nhà nào biết chắc không thể “cứu” được (tức không cho tồn tại) thì quận sẽ báo trước để người dân khỏi tốn tiền làm bản vẽ.

Theo ông Phạm Văn Danh, Đội trưởng đội Trật tự đô thị quận Thủ Đức, quận này không thể phân loại nhà nào được tồn tại hay không ngay từ đầu. Khi giải quyết, nếu thấy trường hợp nào không được cho tồn tại hoặc không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định 207 thì trả hồ sơ cho người dân. Cách này xem ra ít phũ phàng hơn việc người dân phải nhận quyết định buộc tháo dỡ phần vi phạm ngay như quận Bình Thạnh. Thế nhưng tiền bạc và công sức của nhiều người dân đã bỏ ra xin tồn tại nhà xem như công cốc!

Thủ tục thừa: Nên bỏ!

Hiện nay, có một số quận như quận 7 đã tách bạch rõ ràng hai khâu: cho phép tồn tại theo Quyết định 207 và cấp “giấy hồng”. Hồ sơ nào xin cấp “giấy hồng” đủ điều kiện là quận nhận hồ sơ và giải quyết bình thường mà không cần xét đã xin tồn tại nhà hay chưa. Nhiều nơi khác cũng chia sẻ quan điểm này đối với những hồ sơ mới nộp (không phải là nhà đang chờ có quyết định cho tồn tại nhà) như Tân Phú, Bình Thạnh. Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tân Phú, bà Lương Thị Phượng, cho biết ở quận Tân Phú, hồ sơ đang chờ ra quyết định cho tồn tại thì vẫn kết hợp hai khâu cho tồn tại và cấp “giấy hồng”.

Còn hơn 3.000 hồ sơ chưa được xác minh để chờ sửa bản vẽ, bổ sung giấy tờ… và những hồ sơ chưa từng kê khai xin tồn tại nhà thì người dân khỏi cần quan tâm đến thủ tục xin tồn tại nhà nữa mà có thể nộp thẳng hồ sơ xin cấp “giấy hồng”. Lãnh đạo một quận khác cũng cho rằng việc lôi hồ sơ xin tồn tại nhà vào việc cấp “giấy hồng” là không cần thiết vì quyết định cho tồn tại nhà không “ăn nhập” gì đến cấp “giấy hồng”.

Có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay thủ tục xin tồn tại nhà đang gây khó xử cho các quận, huyện khi cấp chủ quyền nhà. Nếu đã xác định về thực tế thủ tục xin tồn tại nhà không có vai trò gì trong quá trình cấp “giấy hồng” (đối với nhà đủ thủ tục cấp “giấy hồng”) thì tại sao TP không hủy bỏ thủ tục này luôn cho rồi mà cứ nhập vào để làm khổ cả người dân lẫn cơ quan chức năng? Nếu cứ giữ lại như trên thì sẽ càng kéo dài thời gian cấp “giấy hồng” mà không mang lại lợi lộc gì cả. Chưa kể Nghị định 90 hướng dẫn Luật Nhà ở không đòi phải có quyết định cho tồn tại công trình thì mới được cấp “giấy hồng”.

Theo Nghị định 39 hướng dẫn Luật Xây dựng (có hiệu lực ngày 1/7/2004), cách xử lý công trình xây dựng trước thời điểm Luật Xây dựng có hiệu lực như sau:

- Nếu thực hiện ngay quy hoạch thì công trình được đền bù theo quy định

- Nếu chưa thực hiện quy hoạch thì được phép tồn tại theo hiện trạng.

Để triển khai quy định này, cuối năm 2005, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 207. Theo đó, nhà xây dựng không phép, trái phép, sai phép trước 1/7/2004 phải nộp hồ sơ kê khai, xin tồn tại nhà. Căn nhà nào được cấp quyết định cho tồn tại và phù hợp quy hoạch thì mới được xem xét cấp chủ quyền. Trong năm 2006, toàn TP đã nhận khoảng 38.000 hồ sơ kê khai, xin tồn tại nhà và mới chỉ có khoảng 4.000 hồ sơ được giải quyết.

Theo Cẩm Tú – Pháp luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên