Quốc Bảo (giữa) đăng quang tại giải Thanh thiếu niên thế giới 2016 Ảnh: IWF |
HLV tuyển cử tạ VN Huỳnh Hữu Chí chia sẻ: “Đa số học trò nổi tiếng của tôi đều có mẫu số chung là cuộc sống khó khăn rồi tìm đến cử tạ và thành công. Nhưng Quốc Bảo lại hoàn toàn khác.
Là học sinh giỏi, con nhà khá giả nhưng Quốc Bảo lại tự nguyện đeo dính với cái môn thể thao khá buồn tẻ này. Ngoài tố chất trời cho, có lẽ lợi thế của Quốc Bảo là không vướng bận tiền bạc cũng chẳng có áp lực thành tích”.
Hai lần thi năng khiếu đều... rớt
Thuở nhỏ, cũng vì quá còi cọc mà người cậu đã dẫn Quốc Bảo đi tập tạ với hi vọng “nở nang” ra một chút. Giữa năm 2011, Quốc Bảo (khi đó 11 tuổi) đánh liều theo cậu dự thi năng khiếu cử tạ TP.HCM và bị loại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, HLV Huỳnh Hữu Chí nói: “Tôi là người đã loại Quốc Bảo, không chỉ một mà đến hai lần. Lần đầu, tôi loại Quốc Bảo vì cậu ấy ốm yếu quá, vướng bận chuyện học hành, nhà lại xa. Nửa năm sau gặp lại Quốc Bảo ở lần thi thứ hai, tôi vẫn quyết định loại để thử thách ý chí của cậu”.
Sau mỗi lần thất bại, Quốc Bảo chẳng những không nản chí mà còn lao vào tập luyện nhiều hơn. Ý chí của Quốc Bảo đã thuyết phục ông Chí đồng ý cho tập thử vào các buổi tối tại nhà tập luyện Phú Thọ.
Từ đó, mỗi ngày tan trường lúc 17g, Quốc Bảo mất hơn 1 giờ đồng hồ đi từ quận 2 đến nhà tập luyện Phú Thọ để tập đến tối mới về. Dù vậy, Quốc Bảo vẫn đối mặt một rào cản lớn: ba mẹ em lắc đầu nguầy nguậy khi nghe con trai bày tỏ ý định theo cử tạ chuyên nghiệp.
Ông Chí nói: “Quốc Bảo có nhiều tố chất, động tác rất nhanh gọn. Nhưng để thành công, Quốc Bảo phải tập chuyên nghiệp 2 buổi/ngày. Tôi đã gặp trực tiếp để thuyết phục phụ huynh. Ban đầu, ba Quốc Bảo không đồng ý nhưng một tuần sau thì ông đã đổi ý”.
Thành công nhờ mê Thạch Kim Tuấn
Quốc Bảo tiết lộ bí quyết thuyết phục ba mẹ cho theo nghiệp VĐV: “Trước đây, tôi học lớp chọn của Trường THCS Bình An (quận 2). Nhưng theo nghề này, tôi phải chuyển sang Trường Nghiệp vụ TDTT TP.HCM và tập ngày 2 buổi. Tôi thích cảm giác chinh phục khi nâng được đòn tạ nặng hơn mỗi ngày và phấn khích với tiếng tạ rơi. Và cũng chỉ có tập cử tạ mới giúp tôi quên đi những chuyện không vui. Tôi thuyết phục ba mẹ đồng ý, đổi lại tôi hứa hoàn tất ít nhất trung học phổ thông và giỏi tiếng Anh”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng Yến (mẹ Quốc Bảo) cho biết: “Khi Quốc Bảo nói muốn theo nghề VĐV thì tôi không vui. Lúc ba của Quốc Bảo lên gặp thầy Chí về, hai vợ chồng bàn bạc rất căng thẳng.
Nhưng thấy con đam mê quá nên chúng tôi cũng bấm bụng mà đồng ý. Bất ngờ là từ ngày tập cử tạ, Quốc Bảo lại ngoan hơn, chuyện học hành được đảm bảo lại có thành tích ban đầu khá tốt nên chúng tôi thấy yên tâm”.
Từ đó, Quốc Bảo sáng tập, chiều tập và tối đi học. Cột mốc quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp của Quốc Bảo là chiếc HCB Giải cử tạ thanh thiếu niên toàn quốc 2013 và được triệu tập vào tuyển trẻ VN. Quốc Bảo là một trong số ít lực sĩ VN hai lần đoạt HCV tại các giải cử tạ thanh thiếu niên thế giới.
Quốc Bảo nói: “Thành công của tôi ngoài công sức HLV, một phần là nhờ thần tượng anh Thạch Kim Tuấn. Trong đội, tôi được anh Tuấn giúp rất nhiều về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm. Tôi nhớ mãi anh Tuấn đã tặng tôi đôi giày thi đấu đầu tiên trong đời trị giá 5 triệu đồng. Và đôi giày này đã cùng tôi đoạt được 2 HCB và 1 HCĐ Giải thanh thiếu niên thế giới 2015. Đó cũng là danh hiệu cao quý đầu tiên của tôi”.
Về sau, Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF) thông báo VĐV đoạt 3 HCV người Kazakhstan Son Igor bị phát hiện sử dụng doping nên Quốc Bảo được đôn lên nhận 2 HCV và 1 HCB ở giải đó. Không bằng lòng với tiếng “ăn may”, Quốc Bảo miệt mài tập luyện.
Đúng một năm sau, tại Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niến thế giới 2016 tại Malaysia vào tháng trước, Quốc Bảo đã bước lên bục nhận HCV tổng cử một cách thuyết phục.
Với chiến thắng này, Quốc Bảo tâm sự: “Tôi cảm thấy sung sướng khi chiến thắng bằng chính sức lực của mình chứ không nhờ đối thủ bị tước huy chương như năm ngoái”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận