TT - Đôi chân teo tóp vì bại liệt vẫn không thể bóp nghẹt nghị lực sống mạnh mẽ của nữ VĐV cử tạ Nguyễn Thị Hồng - người đoạt hạng 4 tại Thế vận hội người khuyết tật (Paralympic) London 2012.
Hiện nay, hằng ngày nhà vô địch cử tạ khuyết tật châu Á Nguyễn Thị Hồng vẫn cần mẫn lắc xe lăn bán vé số kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Hồng nói: “Số phận buộc tôi phải gắn đời mình với chiếc xe lăn. Nhưng không vì thế mà tôi có thể tự cho mình là người tàn phế...”.
Ngã rẽ bất ngờ
[box]Vài nét về Nguyễn Thị Hồng
Hồng chào đời tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hồng từng đoạt HCV các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc từ năm 2003-2012, đoạt HCV tại ASEAN Para Games 2003, 2005, 2009, HCV tại Giải thể thao người khuyết tật châu Á 2009 và đạt hạng 4 tại Paralympic 2012.[/box]
Nhà nghèo, năm lên 4 tuổi, cơn sốt bại liệt quái ác cướp đi của Hồng đôi chân khỏe mạnh. Nhoẻn miệng cười với ánh mắt lạc quan, Nguyễn Thị Hồng nói: “Có lẽ vì là người con của đất thép thành đồng Quảng Trị mà tôi được thiên phú sự rắn rỏi và không đầu hàng số phận”.
15 tuổi, Hồng mở quán nước ven quốc lộ tự kiếm sống. Rồi chuyện cô gái tật nguyền 18 tuổi mỗi ngày lắc xe gần 4km đi học lớp 1 trong sự chế giễu của nhiều em nhỏ cũng khiến nhiều người nể phục cho nghị lực vươn lên của cô. Sau đó, nghiệp VĐV cũng đến với cô một cách tình cờ. Thấy Hồng có sức khỏe tốt, một cán bộ văn xã địa phương đã mời cô chủ quán đua xe lăn ở cuộc đua do huyện tổ chức. Dù Hồng chưa đồng ý nhưng người cán bộ này vẫn đăng ký tên cô. Bị đặt vào thế đã rồi, Hồng miễn cưỡng đi thi. Nhưng bất ngờ cô đoạt HCV nội dung 3.000m. Một tháng sau, cô đoạt luôn chức vô địch ở Giải vô địch tỉnh Quảng Trị.
Lần đầu tiên dự Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc 2003 ở Hà Nội, Hồng đoạt HCV cự ly 3.000m. Nhận huy chương buổi sáng, buổi chiều Hồng được HLV cử tạ rủ thử sức ở môn này và cô đoạt luôn HCB. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, vài tháng sau Hồng được triệu tập vào đội tuyển quốc gia dự ASEAN Para Games ở môn... cử tạ chứ không phải đua xe lăn sở trường. Và từ đó Hồng gắn nghiệp VĐV của mình cùng môn cử tạ.
Nỗ lực để không còn phải khóc nhớ con
Số phận lại trêu đùa khi mối tình giữa Hồng với anh chàng thợ rừng cùng thôn Nguyễn Trần Vũ bị gia đình hai bên ngăn cấm. Sau đó, họ cùng nhau vào TP.HCM lập nghiệp. Khó khăn cũng vì thế mà lớn hơn bởi khi đến TP.HCM, Vũ phải làm phụ việc cơ khí với lương ba cọc ba đồng. Gánh nặng kinh tế đặt lên đôi vai của Hồng với đủ thứ nghề: may vá, bán vé số, thi đấu cử tạ...
[box]MyVita trao cho Hồng 20 triệu đồng
Bài viết về VĐV khuyết tật Nguyễn Thị Hồng nằm trong tuyến bài tôn vinh những VĐV vượt khó đi đến thành công do Tuổi Trẻ phối hợp với HTV và Công ty cổ phần SPM - nhãn hàng MyVita thực hiện. Và nhà tài trợ MyVita trao cho VĐV Nguyễn Thị Hồng phần quà trị giá 20 triệu đồng, gồm 15 triệu đồng tiền mặt và 5 triệu đồng là sản phẩm của công ty.
Mời bạn đọc và khán giả xem câu chuyện của Hồng trên kênh HTV7 lúc 9g thứ bảy 4-5.[/box]
Đầu quân đội cử tạ người khuyết tật TP.HCM, Hồng chủ yếu tập chay và chỉ nhận tiền thưởng theo thành tích. Ngồi tại “đại bản doanh” của đội là một góc nhỏ bên hông nhà thi đấu Trung tâm TDTT quận Tân Bình, Hồng nói: “Con gái tập cử tạ gặp rất nhiều rào cản, với người khuyết tật lại càng khó. Nhiều lúc ham tập nặng để có thành tích, tôi bị chấn thương rất đau đớn. Nhưng tôi luôn tự nhủ phải vượt qua ngưỡng của bản thân để vươn đến thành công và một tương lai tươi sáng hơn”.
Cuộc sống gia đình Hồng càng chật vật hơn khi đứa con trai đầu lòng ra đời năm 2007. Hai vợ chồng phải sống trong căn nhà trọ chật hẹp chưa đến 10m2 ở quận Tân Phú với giá thuê hơn 2 triệu đồng/tháng mà không có tài sản gì quý giá ngoài chiếc xe lăn của Hồng và chiếc xe máy cũ của chồng.
Hằng ngày, Hồng vẫn tranh thủ dậy từ rất sớm để 6g lấy vé số đi bán. Hồng kể: “Mỗi ngày, tôi lắc xe đi từ quận Tân Phú đến quận 1, quận 6, Bình Thạnh... để bán vé số. Trung bình mỗi ngày, tôi đi từ 6g30-15g thì bán được 200 vé, lời khoảng 200.000 đồng. Sau đó, tôi đi thẳng đến nơi tập luyện”.
Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, hai vợ chồng phải bươn chải nên họ phải gửi con về ông bà ngoại tại Quảng Trị để đi học lớp 1. Hồng kể: “Nhiều đêm tôi nhớ con đến phát khóc dù ngày nào cũng nói chuyện qua điện thoại. Những lúc đó, tôi càng quyết tâm phấn đấu để xây dựng tương lai ổn định, đón con về sống chung. Trước mắt, tôi sẽ nỗ lực tập luyện để hướng đến giải vô địch châu Á diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 7”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận